Đòn bẩy khoa học và công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp

Những năm qua, nông nghiệp Lâm Đồng có bước phát triển đột phá và trở thành trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNCNC) của cả nước với trên 60.200 ha sản xuất, đạt giá trị sản xuất bình quân gấp 2,3 lần mức bình quân chung, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với sản xuất truyền thống. Thành quả đó không thể không nhắc đến đóng góp rất quan trọng của khoa học và công nghệ (KH&CN) trong lĩnh vực nông nghiệp.

Áp dụng KHCN nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo

Áp dụng KHCN nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo

Ứng dụng thành tựu khoa học vào sản xuất

Toàn tỉnh hiện đã hình thành 21 vùng sản xuất NNCNC với quy mô 1.168,1 ha và 36.460 con bò sữa, trong đó 4 vùng đã được UBND tỉnh công nhận là vùng NNCNC, gồm: Làng hoa Thái Phiên, Làng hoa Vạn Thành (Đà Lạt), vùng sản xuất rau xã Lạc Xuân, vùng sản xuất rau xã Lạc Lâm (Đơn Dương) và 13 doanh nghiệp được công nhận đạt tiêu chí doanh nghiệp NNCNC.

Sau 8 năm thực hiện Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2013-2020, toàn tỉnh đã thực hiện 30 đề tài, dự án khoa học và công nghệ để phục vụ cho phát triển nông nghiệp với tổng kinh phí 23 tỷ đồng. Các đề tài, dự án tập trung nghiên cứu chọn lọc, lai tạo các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt để đưa vào sản xuất; phòng trừ bệnh trên một số cây trồng, vật nuôi; nghiên cứu tuyển chọn các giống cây lâm nghiệp phù hợp với điều kiện sinh thái từng vùng, góp phần bổ sung và đa dạng hóa tập đoàn giống cây lâm nghiệp; xây dựng và chuyển giao các quy trình sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu... Các kết quả nghiên cứu có tính ứng dụng cao, được đưa vào thực tiễn, có đóng góp tích cực, đáp ứng yêu cầu sản xuất của nông dân, của doanh nghiệp, nhu cầu của thị trường.

Cụ thể, đã xây dựng mô hình, quy trình canh tác, tập huấn kỹ thuật trồng cà phê chè cho năng suất trên 3 tấn/ha; nghiên cứu phòng trừ bệnh thối rễ, vàng lá trên cây cà phê và chọn lọc các giống cà phê chè có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với các vùng trọng điểm trồng cà phê trong tỉnh; đánh giá thực trạng tình hình sản xuất bơ và tuyển chọn một số giống bơ có năng suất chất lượng cao; ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap; xây dựng quy trình trồng cà chua theo hướng NNCNC tại Đức Trọng, Đơn Dương. Trong chăn nuôi, đã sử dụng tinh phân biệt giới tính để phối giống đàn bò sữa, đẩy nhanh việc tạo ra đàn bò sữa có năng suất, chất lượng, đảm bảo phối giống đạt tỷ lệ trên 90% số bê cái sinh ra; lai bò thịt có năng suất, chất lượng và hiệu quả trong chăn nuôi; đồng thời nghiên cứu nuôi thử nghiệm giống cá trắng châu Âu tại Lâm Đồng để tạo sản phẩm có chất lượng và làm đa dạng đối tượng nuôi. Đã tiến hành nghiên cứu lai tạo các giống bò thịt cao sản với bò vàng địa phương và phù hợp với điều kiện chăn nuôi tại tỉnh; nghiên cứu quy trình sinh sản nhân tạo giống cá hồi vân tại Lâm Đồng; nghiên cứu xác định một số tác nhân gây bệnh là ký sinh trùng, nấm và vi khuẩn trên trứng và cá nước lạnh nuôi; nghiên cứu về bệnh do vi rút gây ra trên cá tầm và cá hồi, đưa ra giải pháp phòng trị bệnh tổng hợp cho 2 loại cá này.

Nghiên cứu về biện pháp kỹ thuật gây trồng cây hoàng liên ô rô, bá bệnh, đảng sâm dưới tán rừng thông 3 lá; nghiên cứu về thông Caribe, bạch tùng và thông 5 lá bổ sung giống cây trồng rừng kinh tế. Qua đó đã tuyển chọn được các giống cây phù hợp với điều kiện sinh thái từng vùng. Tiến hành xây dựng quy trình nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo và chuyển giao cho một số doanh nghiệp sản xuất; xây dựng các mô hình ứng dụng các tiến bộ KHKT trong sản xuất nấm dược liệu quý và nấm ăn cao cấp theo hướng quy mô công nghiệp tại Bảo Lộc, Đơn Dương đạt sản lượng 400 tấn nấm tươi/năm. Xây dựng mô hình sấy và sơ chế các sản phẩm nấm công suất 10 tấn/năm. Đã ban hành 10 quy trình sản xuất giống cây trồng ứng dụng công nghệ cao, 10 quy trình canh tác cây trồng triển vọng, 5 quy trình kỹ thuật canh tác ứng dụng công nghệ cao, 6 quy trình kỹ thuật nuôi cá nước lạnh. Các quy trình đã chuyển giao cho người dân áp dụng vào thực tế sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Áp dụng công nghệ tiên tiến trong nông nghiệp

Việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp được đa dạng hóa từ công nghệ sinh học, nhà kính, nhà lưới; công nghệ giống mới, công nghệ tự động, công nghệ phân loại sản phẩm; công nghệ IoT quản lý trang trại. Toàn tỉnh hiện có 51 cơ sở nuôi cấy mô thực vật sản xuất trên 45 triệu cây giống gốc/năm cung cấp cho trên 300 vườn ươm sản xuất trên 2,2 tỷ cây giống thương phẩm. Công nghệ nhân giống in vitro đã tạo ra các loại cây giống sạch bệnh có tính đồng nhất và ổn định về năng suất, chất lượng. Trong canh tác, Công ty Đà Lạt Hasfarm đã sử dụng thiên địch nhện bắt mồi Hypro; nhện bắt mồi Amblyseius sp. để tiêu diệt côn trùng trên 30 ha cây hoa cúc; Công ty Huyền Thoại Toàn Cầu nhập khẩu tuyến trùng về nhân nuôi và sử dụng trừ ruồi nhuế hại cây hoa tiểu quỳnh trên 1,5 ha.

Toàn tỉnh hiện có 4.342,8 ha nhà kính; tập trung phần lớn ở Đà Lạt (2.554,25 ha), Lạc Dương (942 ha), Đơn Dương (340 ha), Lâm Hà (280 ha), Đức Trọng (193,5 ha); diện tích còn lại rải rác tại Bảo Lộc, Đam Rông, Bảo Lâm. Công nghệ phân loại, bảo quản và chế biến sản phẩm đã nhập khẩu máy phân loại sản phẩm theo kích thước, màu sắc sản phẩm; công nghệ sơ chế tập trung được các doanh nghiệp, HTX ứng dụng rộng rãi; công nghệ chế biến sâu (cấp đông) nông sản để xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.

Khâu gieo ươm giống rau, hoa đã được cơ giới hóa từ khâu rửa vỉ, đóng giá thể vào vỉ và gieo hạt bằng máy cho năng suất lao động tăng gấp 5 - 7 lần so với làm thủ công. Công nghệ màng bao phủ nhà kính bằng plastic 3-5 lớp có tác dụng chống tia cực tím, khuếch tán ánh sáng, chống bám bụi và độ bền cao. Nhiều loại phân bón thế hệ mới như công nghệ Nano, công nghệ sinh học, công nghệ vi sinh được ứng dụng trong canh tác thủy canh, trồng trên giá thể đã giảm bớt việc sử dụng phân bón hóa học.

Toàn tỉnh hiện có 235,48 ha hoa, 178,23 ha rau, 48,25 ha cà phê, chè được gắn hệ thống cảm biến tự động nhiệt độ, độ ẩm, CO2, quản lý dinh dưỡng thông minh. Qua hệ thống cảm biến nhận được thông tin chính xác nhất về điều kiện sản xuất để giám sát và điều khiển việc tưới tiêu, bón phân, đóng - mở mái nhà kính... từ đó giúp cây trồng sinh trưởng tối ưu, phát triển tốt cho năng suất và chất lượng cao; giảm thiểu lượng thuốc BVTV, phân bón trong canh tác cây trồng; giảm nhân công lao động.

Đòn bẩy khoa học công nghệ tạo sức bật phát triển

Tuy nhiên, công nghệ nhà kính trong sản xuất NNCNC giúp người nông dân chủ động mùa vụ, cho hiệu quả kinh tế cao; song, việc phát triển quá nhanh diện tích nhà kính không đảm bảo thiết kế cũng tác động lớn đến môi trường, gây ngập úng, xói lở. Công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KHKT chưa theo kịp yêu cầu phát triển của thế giới và khu vực cũng như yêu cầu thực tế của doanh nghiệp, người dân (khoảng 90% các giống rau, hoa phải nhập khẩu từ các nước). Việc áp dụng công nghệ thông minh 4.0 đồng bộ mới dừng lại ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn; đa số các doanh nghiệp vừa và nhỏ có nền tảng cơ sở hạ tầng còn thấp để thiết lập hệ thống tự động hóa; thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao có khả năng hội nhập và vận hành công nghệ thông minh. Thuế nhập khẩu các trang thiết bị công nghệ thông minh (chiếm gần 1/3 giá trị trang thiết bị) giá thành cao nên khả năng ứng dụng trên quy mô diện rộng bị hạn chế. Giá thành nông sản theo hướng ứng dụng công nghệ thông minh vẫn còn cao nhưng chưa tương xứng với công nghệ đầu tư, gây khó khăn cho các doanh nghiệp, HTX và nông dân phát triển công nghệ..

Để khoa học, công nghệ tiếp tục là đòn bẩy tạo sức bật phát triển nông nghiệp, theo ông Đỗ Minh Ngọc - Phó Giám đốc Sở KHCN Lâm Đồng thì trong thời gian tới cần tăng cường ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp; ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ tế bào, công nghệ gen, công nghệ vi sinh trong sản xuất nông nghiệp an toàn, công nghiệp chế biến và bảo vệ môi trường. Ưu tiên công nghệ phát triển các sản phẩm phù hợp với lợi thế cạnh tranh của địa phương, các công nghệ chiến lược, nền tảng của cách mạng công nghiệp 4.0. Quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, ứng dụng công nghệ tiên tiến. Cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ lớn hơn trong việc nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ đối tượng cây trồng, vật nuôi mới, triển vọng; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Tăng cường liên kết 4 nhà: nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp theo nguyên tắc hội tụ công nghệ - sản phẩm - thị trường, để trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, chuyển giao KHCN và tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích xã hội hóa hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ nhằm giúp người dân tiếp cận với KHCN mới nhanh nhất và ứng dụng hiệu quả vào sản xuất NNCNC.

QUỲNH UYỂN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202101/don-bay-khoa-hoc-va-cong-nghe-phuc-vu-phat-trien-nong-nghiep-3040081/