Đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng để khơi thông nguồn lực
Đối với nhóm khoáng sản làm vật liệu xây dựng, dự thảo luật vẫn quy định cấp phép nhưng đơn giản hóa quy trình, thủ tục cấp phép đối với khoáng sản nhóm 4 nhằm khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Chiều 5/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã nghe báo cáo giải trình, tiếp thu và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản. Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu nêu.
Đơn giản hóa thủ tục hành chính để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, liên quan đến quản lý khoáng sản nhóm 4 (khoáng sản làm vật liệu xây dựng), UBTVQH và Chính phủ đã thống nhất theo hướng vẫn quy định cấp phép nhưng đơn giản hóa quy trình, thủ tục đối với khoáng sản nhóm 4 nhằm khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, để giải quyết nút thắt về quy hoạch và tháo gỡ triệt để vướng mắc về quy trình, dự thảo luật quy định không đưa khoáng sản nhóm 4 vào quy hoạch tỉnh.
Ngoại trừ một số dự án (quy định tại khoản 2, Điều 74 dự thảo) không phải thực hiện các yêu cầu lập dự án đầu tư khai thác khoáng sản để thực hiện trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư; không phải thực hiện thủ tục thẩm định và phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường, các dự án khác vẫn phải thực hiện đầy đủ yêu cầu theo quy định, bảo đảm chặt chẽ.
Về ý kiến đề nghị bổ sung nội dung định giá quyền khai thác khoáng sản, UBTVQH cho rằng, kết quả định giá quyền khai thác khoáng sản là một trong những thông tin để xác định giá khởi điểm phục vụ công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, việc quy định nội dung này trong dự thảo luật hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết là chưa khả thi tại thời điểm này. Do vậy, trước mắt, UBTVQH đề nghị không quy định định giá quyền khai thác khoáng sản; đề nghị Chính phủ nghiên cứu thấu đáo, đề xuất giải pháp trong thời gian tới.
Cần sử dụng tiết kiệm tài nguyên
Góp ý hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, việc phân loại khoáng sản thành 4 nhóm như dự thảo có phần chưa hợp lý, chưa căn cứ vào công dụng của khoáng sản. Đại biểu đề nghị bổ sung vào dự thảo luật nguyên tắc “sử dụng tiết kiệm tài nguyên và không để lại gánh nặng cho thế hệ sau”.
Về khoáng sản nhóm 1 gồm kim loại và năng lượng, đại biểu cho rằng, quy định chưa phân chia rõ ràng. Trong số đó có những kim loại và năng lượng cực kỳ quan trọng, đóng vai trò thiết yếu khi tiến vào kỷ nguyên số với bán dẫn, xe điện, phòng không và quân sự… “Vonfram Việt Nam chiếm 1/3 trữ lượng của thế giới. Titan trữ lượng của chúng ta cũng đứng thứ 2, thứ 3 thế giới. Uranium chất cốt lõi trong công nghiệp hạt nhân. Băng cháy trên thềm lục địa trị giá hàng trăm tỷ USD chúng ta cũng có quyền khai thác…” - đại biểu dẫn chứng và nhấn mạnh không thể đánh đồng tất cả các tài nguyên trong nhóm 1 bởi một số trong đó mang tính chất tài nguyên chiến lược quan trọng. Phải có quy định rõ cho những tài nguyên này có danh mục những khoáng sản chiến lược quan trọng, đặc biệt quan trọng, tất cả quyết định thăm dò, khai thác, thu hồi… Thủ tướng Chính phủ quyết định, bởi trong một số trường hợp nó đụng đến phát triển lâu dài, chủ quyền dân tộc và an ninh quốc gia.
Đại biểu Vũ Ngọc Long (đoàn Bình Phước) thì bày tỏ băn khoăn về quy định không phát triển dự án trên vùng mỏ khoáng sản. Lưu ý đặc điểm phân bố của khoáng sản bauxite (rất rộng, trải dài qua nhiều địa phương, nhưng giá trị không lớn), nếu áp dụng quy định trên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế xã hội địa phương; đại biểu đề nghị vẫn cho phép xây dựng công trình giao thông, công trình sản xuất… trên vùng khoáng sản này, phân kỳ khai thác sau. Cũng quan tâm đến khoáng sản bauxite, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) chia sẻ: “Khi lập quy hoạch khoáng sản bauxite cần điều tra, nghiên cứu rất kỹ hiện trạng, đảm bảo nguồn lực đất đai được khai thác hiệu quả, bền vững nhất”.
Thời gian cấp phép ngắn, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp
Đại biểu Đỗ Thị Lan (đoàn Quảng Ninh) phản ánh, thời gian cấp phép khai thác khoáng sản tương đối ngắn, gây phiền hà cho các doanh nghiệp khi phải gia hạn giấy phép. Đại biểu dẫn chứng Luật Đầu tư quy định là các dự án trong khu vực công nghiệp khai thác không quá 70 năm và ngoài khu vực công nghiệp thì không quá 50 năm. Tuy nhiên, xây dựng cơ bản của dự án cũng đã mất từ 8-10 năm. Trên thực tế thì nhiều dự án khai thác than đã và đang thực hiện, thời gian trên cả đời của dự án vào khoảng trên 40 năm, rất nhiều dự án là 43-45 năm, bao gồm cả thời gian để cấp phép và thời gian gia hạn.
“Mỗi lần gia hạn chỉ được 2-3 năm. Như vậy lại vừa làm, vừa chuẩn bị để xin giấy phép gia hạn. Đề nghị gia hạn thời gian khai thác nhiều lần rất bất cập” - đại biểu Đỗ Thị Lan nêu ý kiến.
Đại biểu Đỗ Thị Lan kiến nghị cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra nghiên cứu quy định thời gian cấp phép khai thác, khai thác khoáng sản, trữ lượng khoáng sản và căn cứ trên trữ lượng khoáng sản, điều kiện địa chất của khoáng sản, dự án và điều chỉnh quy định về thời gian cấp phép là không quá 50 năm và thời gian gia hạn không quá 15 năm.