'Đòn' mới nhất sắp giáng vào dầu diesel Nga, thị trường nghiêng ngả, Tổng thống Putin lại có 'át chủ bài'?

Giá xăng đang tăng trở lại - tăng hơn 30 xu/gallon trong tháng qua và khoảng 15 xu/gallon chỉ trong hai tuần qua. Lý do của đợt tăng giá trên mộp phần là bởi thị trường toàn cầu sắp bị đảo lộn bởi lệnh trừng phạt mới nhất của Liên minh châu Âu (EU) đối với ngành dầu mỏ của Nga.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Forbes)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Forbes)

Ngày 5/2, EU sẽ cấm nhập khẩu các sản phẩm tinh chế từ dầu của Nga như dầu diesel, nhiên liệu máy bay, xăng và dầu sưởi. Trước đó, thị trường dầu mỏ toàn cầu đã xử lý khá tốt lệnh cấm nhập khẩu dầu thô tương tự của Nga vào ngày 5/12/2022.

Trước khi lệnh cấm bắt đầu có hiệu lực, châu Âu tiếp tục là khách hàng mua dầu diesel lớn nhất của Nga và họ đã tăng dự trữ nguồn cung từ nước này trong những tháng gần đây. Đơn cử như vào tháng 12/2022, xuất khẩu dầu diesel của Nga đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm là 1,2 triệu thùng/ngày, trong đó 720.000 thùng/ngày được dành cho EU.

Theo các chuyên gia, lệnh trừng phạt các sản phẩm tinh chế từ dầu có thể gây rắc rối hơn nhiều so với lệnh cấm dầu thô do thị trường nhiên liệu tinh chế phức tạp hơn nhiều so với dầu thô.

Vấn đề đối với châu Âu là khu vực này phụ thuộc vào Nga khoảng 40% sản phẩm tinh chế nhập khẩu.

Ở thời điểm hiện tại, nguồn cung dầu diesel toàn cầu đang cạn kiệt. Forbes đặt câu hỏi, không rõ châu Âu sẽ thay thế gần 500.000 thùng dầu diesel mỗi ngày của Nga như thế nào?

Nhập khẩu từ các nguồn không phải của Moscow đồng nghĩa với việc châu Âu phải cạnh tranh với những khách mua khác như châu Mỹ Latinh, Mỹ hoặc Singapore. Châu Âu sẽ phải phụ thuộc nhiều vào các nhà máy lọc dầu quy mô lớn mới ở Ấn Độ, Trung Đông và sự gia tăng xuất khẩu của Trung Quốc để thay thế nguồn cung của Nga.

Tuy vậy, có nhiều lý do để cho rằng, sự sắp xếp lại thị trường dầu diesel và sản phẩm tinh chế sau lệnh trừng phạt của EU sẽ không diễn ra suôn sẻ như với dầu thô.

Các biện pháp trừng phạt trùng với thời điểm mở cửa lại nền kinh tế Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là các nhà máy lọc dầu lớn của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể tập trung hơn vào việc đáp ứng nhu cầu gia tăng trong nước hơn là xuất khẩu.

Thật vậy, sự lạc quan về nhu cầu của Trung Quốc gần đây đã đẩy giá dầu thô lên gần 90 USD/thùng đối với dầu Brent chuẩn.

Nếu châu Âu trả phí nhập khẩu dầu diesel từ các nguồn thay thế như Trung Đông, châu Á hoặc Bắc Mỹ, thì các thị trường này sẽ bị thâm hụt.

Giải pháp dễ dàng là Nga bắt đầu vận chuyển dầu diesel đến các thị trường này, nhưng thật không may, nó không đơn giản như vậy.

Các tàu chở sản phẩm tinh chế thường có khối lượng nhỏ và được thiết kế cho các tuyến đường ngắn. Trong khi các thùng dầu của Nga - từng được dành cho các thị trường tiêu chuẩn kỹ thuật cao ở châu Âu - có thể sẽ phải cạnh tranh với dầu diesel có hàm lượng lưu huỳnh cao, rẻ hơn ở các thị trường như Tây Phi và châu Á.

Về phía Nga, những thách thức về hậu cần, thị trường và lệnh cấm vận của EU cũng khiến nước này có thể sẽ không thể xuất khẩu hết dầu diesel và các sản phẩm tinh chế. Điều đó sẽ buộc các nhà máy lọc dầu tại quốc gia này phải cắt giảm hoàn toàn việc sản xuất các loại nhiên liệu này, góp phần gây ra tình trạng thiếu hụt sản phẩm toàn cầu.

Đối với lệnh cấm dầu ngày 5/12, Nga đã phải tiếp thị dầu thô của mình với mức chiết khấu cao để thu hút người mua ngoài châu Âu. Quốc gia này đã bán dầu thô Urals cho Ấn Độ và Trung Quốc với giá khoảng 45 USD/thùng, giảm khoảng 40 USD so với giá chuẩn.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, Moscow sẽ ưu tiên xuất khẩu dầu thô hơn là bán sản phẩm tinh chế. Và các thị trường cũng không thể loại trừ khả năng, Nhà lãnh đạo nước Nga "vũ khí hóa" xuất khẩu dầu diesel - giống như những gì đã làm với khí đốt tự nhiên.

Sản lượng lọc dầu của Nga có thể giảm 900.000 thùng/ngày sau ngày 5/2. Kịch bản như vậy sẽ chứng kiến giá dầu diesel và tỷ suất lợi nhuận tăng cao, thúc đẩy các nhà máy lọc dầu toàn cầu tối đa hóa sản lượng nhiên liệu.

Nhưng họ sẽ cần phải cắt giảm sản lượng của các sản phẩm khác như xăng, nhiên liệu máy bay và dầu sưởi để làm được điều này. Điều đó có nghĩa là tình trạng khan hiếm nguồn cung sẽ lan sang các thị trường nhiên liệu khác.

Đối với các nhà máy lọc dầu, lệnh cấm dầu diesel cũng có thể biến thành một trò chơi “đòn ăn miếng trả miếng” đầy rủi ro khi các nhà máy điều chỉnh sản lượng để giải quyết tình trạng thiếu hụt lớn nhất trong các loại nhiên liệu.

Tuy nhiên, các nhà máy có thể gặp khó khăn nếu không có Nga, một trong những nhà xuất khẩu nhiên liệu hàng đầu thế giới.

Ngoài ra, người tiêu dùng có thể phải đối mặt với giá nhiên liệu cao hơn đáng kể.

Tại Mỹ, những người lái xe ô tô hiện đang phải đối mặt với giá xăng đã tăng trở lại lên tới 3,5 USD/gallon, trong khi những người lái xe tải đang phải vật lộn với giá dầu diesel ở mức 4,6 USD/gallon.

Forbes khẳng định, thị trường dầu mỏ toàn cầu phải đối mặt với tình trạng hỗn loạn nghiêm trọng trong những tháng tới. Những mức giá nói trên có thể là mức giá tốt nhất mà người tiêu dùng nhìn thấy vào năm 2023.

(theo Forbes)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/don-moi-nhat-sap-giang-vao-dau-diesel-nga-thi-truong-nghieng-nga-tong-thong-putin-lai-co-at-chu-bai-215287.html