Đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần - Tốc độ 'rùa' vì thiếu cơ chế: Bài 2 - Nhà đầu tư rút vốn, người tài ra đi

Vốn là bệnh viện (BV) uy tín, chất lượng ở Hà Nội, nhưng sau khi chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần (CTCP), BV Giao thông Vận tải (GTVT) hiện trong tình trạng 'tiến thoái lưỡng nan', nhà đầu tư xin rút vốn, bác sĩ giỏi lần lượt ra đi, khách hàng dần thưa vắng.

Sau 4 năm đầu tư vào BV GTVT với số tiền trên 150 tỷ, nay T&T Group đã tìm cách thoái vốn

Sau 4 năm đầu tư vào BV GTVT với số tiền trên 150 tỷ, nay T&T Group đã tìm cách thoái vốn

Chuyển đổi thất bại

Trao đổi với PLVN, bà Lê Thị Thu Hương, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT) cho hay, đơn vị này đang báo cáo Bộ trưởng Bộ GTVT về việc cổ đông chiến lược của BV GTVT là CTCP Tập đoàn T&T (T&T Group) xin thoái toàn bộ vốn khỏi BV GTVT. Theo bà Hương, chủ trương của Bộ là đồng ý với phương án của T&T Group.

“Sau khi Bộ trưởng phê duyệt, sẽ trình lên Thủ tướng Chính phủ. Quan điểm của chúng tôi là sẽ làm sớm việc này”, bà Hương nói và cho biết, trường hợp BV GTVT trước đây đã trót “thay áo” nên giờ phải làm, còn lại một số BV khác của Bộ GTVT cũng đã dừng việc chuyển đổi mô hình.

Như vậy có thể thấy, việc chuyển đổi từ đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) sang CTCP đối với BV GTVT đã thất bại? Hiện, các đơn vị liên quan đang trong quá trình nỗ lực giải quyết hậu quả.

Cụ thể, khi mới CPH vào đầu năm 2016, với sự đầu tư, quản trị của Tập đoàn T&T Group, đơn vị này định hướng phát triển BV theo hướng hiện đại, quy mô, mang tầm khu vực. Nhà đầu tư chiến lược T&T Group khi đó sẵn sàng chấp nhận thua lỗ trong vòng 2-3 năm để tái cấu trúc, cải tạo BV, đầu tư thêm cơ sở vật chất. Tuy nhiên, thực tế hoạt động gặp nhiều khó khăn, quy định Nhà nước có sự thay đổi, không như mong muốn của nhà đầu tư, dẫn tới tình trạng BV ngày một “rệu rã”.

Theo ông Trần Trung, Tổng giám đốc BV GTVT, các năm 2017 và 2018, CTCP BV GTVT không tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên, do đó không có kế hoạch kinh doanh. Điều này tác động trực tiếp đến hiệu quả hoạt động của BV. Theo số liệu của BV, năm 2018, số bệnh nhân đến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế giảm hoặc không tăng so với năm 2017. Năm 2018, chỉ có 157.499 số lượt đến khám bệnh và 9.701 trường hợp điều trị nội trú tại BV. Những con số này kém xa so với các BV cùng quy mô ở Hà Nội.

Về kết quả kinh doanh, năm 2018, BV GTVT lỗ 33,08 tỷ đồng, lỗ hơn 1,63 tỷ đồng so với năm 2017. Do thua lỗ, vốn chủ sở hữu của BV này tính đến cuối năm 2017 chỉ còn 122,9 tỷ đồng (giảm 46 tỷ so với đầu năm 2016, thời điểm bắt đầu CPH).

Vì sao nhà đầu tư rút vốn?

Sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động từ tháng 1/2016, BV GTVT có nhiều xáo trộn. Biên bản tại cuộc họp Hội đồng quản trị ngày 11/1/2017 ghi nhận ý kiến của bà Nguyễn Phạm Ý Nhi, Phó Giám đốc BV khi đó nhận định, cán bộ y tế tại đây chưa chuyển mình kịp thời với mô hình mới khi hoạt động theo mô hình CTCP. Đây là thực tế phải thừa nhận.

Cách vận hành khác nên nội bộ lãnh đạo cũng chưa chuẩn bị kịp với những thay đổi”, BV này thừa nhận. Được biết, sau một năm chuyển sang mô hình CTCP, nhiều bác sĩ giỏi của BV đã ra đi, trong đó có các cốt cán như Trưởng khoa Nội C, Phó Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Trưởng khoa Gây mê hồi sức, Phó Trưởng trưởng khoa Hồi sức tích cực và cả Phó Giám đốc BV… Họ đều là những bác sỹ được đánh giá giỏi, có kinh nghiệm tại cơ sở y tế này.

Theo tìm hiểu của PLVN, Tập đoàn T&T Group đã bỏ ra khoảng 150 tỷ đồng để sở hữu trên 51% cổ phần tại BV GTVT; sau đó, đầu tư thêm hàng chục tỷ đồng, với định hướng phát triển BV mang tầm cỡ khu vực. Tuy nhiên, BV này được đầu tư xây dựng cơ sở mới bằng vốn ODA, do đó vốn điều lệ cũng sẽ được tăng lên, phần vốn Nhà nước cũng sẽ được tăng theo. Cụ thể, vốn điều lệ của CTCP BV GTVT tăng từ 168 tỷ đồng lên 391,4 tỷ đồng, trong đó, phần vốn của Nhà nước là khoảng 278,4 tỷ đồng, chiếm 71,12% vốn điều lệ. Như vậy, sau khi tăng vốn điều lệ, phần vốn của T&T Group chỉ còn dưới 30% nên không có quyền quyết định hoạt động phát triển của BV.

Trước đó - năm 2015, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, BV GTVT sẽ thoái vốn xuống đến mức vốn nhà nước chỉ còn 30%. Tuy nhiên, sau đó việc thoái vốn tại BV diễn ra chậm, thoái không như cam kết ban đầu, cộng với việc vốn điều lệ tăng lên, vốn nhà nước chiếm áp đảo đã khiến cho cổ đông T&T Group quyết định thoái toàn bộ vốn khỏi BV này. Theo đại diện T&T Group, đơn vị này đã làm văn bản gửi Bộ GTVT xin được rút toàn bộ vốn khỏi đây.

Như vậy, trong tương lai gần, cổ đông của BV này chủ yếu là của Nhà nước, ngoại trừ hơn 1% của cán bộ, người lao động BV. Nhiều ý kiến cho rằng, để hoạt động hiệu quả, BV này nên chuyển về mô hình ĐVSNCL như gốc gác trước kia của nó.

Xung quanh vấn đề này, bà Lê Thị Thu Hương, Vụ trưởng Vụ Quản lý DN (Bộ GTVT) cho biết thêm, chưa có quy định nào về việc chuyển đổi BV công lập sang CTCP. Quyết định của Thủ tướng chuyển đổi BV GTVT sang mô hình CTCP chỉ là trường hợp thí điểm.

(còn tiếp)

Sau một năm chuyển sang mô hình CTCP, nhiều bác sĩ giỏi của BV GTVT đã ra đi, trong đó có các cốt cán như Trưởng khoa Nội C, Phó Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Trưởng khoa Gây mê hồi sức, Phó Trưởng trưởng khoa Hồi sức tích cực và thậm chí là cả Phó Giám đốc BV… Họ đều là những bác sỹ được đánh giá là giỏi, có kinh nghiệm. Tuy nhiên, lãnh đạo BV này thừa nhận, nhiều người ở đây không chuẩn bị kịp cho sự thay đổi của mô hình này.

Minh Hữu

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/kinh-te/don-vi-su-nghiep-cong-lap-thanh-cong-ty-co-phan-toc-do-rua-vi-thieu-co-che-bai-2-nha-dau-tu-rut-von-nguoi-tai-ra-di-468167.html