Donald Trump và Kim Jong Un: Mối quan hệ kỳ lạ của những cá tính mạnh
Donald Trump và Kim Jong Un biến mối quan hệ phức tạp của 2 nước cừu thù trở thành mối quan hệ cá nhân của hai nhà lãnh đạo mạnh mẽ, đầy tinh thần dân tộc.
Lần gần đây nhất Tổng thống Donald Trump ở Việt Nam, ông đang trong chuyến công du dài ngày đến châu Á, dừng lại ở Seoul và Tokyo để bàn về cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên. Đó là tháng 11/2017, sau một năm Bình Nhưỡng leo thang những vụ thử hạt nhân, tên lửa còn Mỹ vẫn kiên quyết với chiến dịch gây áp lực tối đa của họ.
Giờ là tháng 2/2019, tổng thống Mỹ có thể không ngờ được ông lại trở về Hà Nội sớm như thế. Lần này, ông đến đây là để gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, người đứng sau những vụ thử tên lửa gây căng thẳng suốt năm 2017 cho Mỹ và các đồng minh Đông Á.
Sau khi ông Trump nhậm chức tổng thống Mỹ, mối quan hệ của hai ông được xác lập trước hết bằng mối quan hệ của hai quốc gia cừu thù và vẫn đang trong tình trạng chiến tranh. Triều Tiên chào mừng nhiệm kỳ của Tổng thống Trump tại Mỹ bằng những lần phóng tên lửa liên tiếp.
"Triều Tiên lại vừa phóng một quả tên lửa khác. Ông ta (Kim) không có thứ gì tốt đẹp để làm với đời mình sao?", tổng thống Mỹ viết trên Twitter vào tháng 7/2017.
Triều Tiên đã tiến hành ít nhất 16 vụ thử tên lửa và 1 vụ thử hạt nhân trong năm 2017. Mỹ đáp lại bằng các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc và gây áp lực để cộng đồng quốc tế áp đặt lệnh trừng phạt lên Bình Nhưỡng.
Triều Tiên phóng tên lửa vào ngày Quốc khánh Mỹ đầu tiên trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, cho tên lửa bay ngang qua Nhật Bản, đồng minh mà Mỹ cam kết bảo trợ an ninh. Đáp lại, Mỹ gây sức ép để Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua lệnh trừng phạt mạnh mẽ nhất lên một quốc gia trong nhiều thập kỷ, cấm việc mua các sản phẩm từ than, sắt và nhiều sản phẩm khác - chiếm 1/3 tổng giá trị xuất khẩu - từ Triều Tiên.
Khi Triều Tiên tuyên bố tên lửa của họ có thể bay đến Guam, lãnh thổ của Mỹ trên Thái Bình Dương, Tổng thống Trump đe đọa sẽ "phá hủy hoàn toàn Triều Tiên".
Thậm chí trong lần đầu tiên ông Trump đến Việt Nam để dự hội nghị APEC và thăm chính thức, trong một đêm Hà Nội, ông đã viết lên Twitter trăn trở của mình về việc "Tại sao Kim Jong Un lại chê tôi già?".
Cả Trump và Kim đều theo đuổi thứ chính trị "bên miệng hố chiến tranh": Họ gây sự, họ leo thang, rồi họ rút từ thinh không một cuộc gặp chưa từng có tiền lệ, làm cả thế giới bất ngờ.
Ông Kim Jong Un, dù sinh ở một đất nước bí ẩn và thu mình nhất thế giới, đã tiếp nhận một nền giáo dục của phương Tây. Năm 1996, Kim được cho đã đến Bern, Thụy Sĩ, để đi học cùng anh trai Jong Chul của mình. Họ sống cùng một người dì và Kim dùng tên giả là Pak Un cùng lớp vỏ bọc là con trai của đại sứ Triều Tiên.
"Cậu ấy rất im lặng. Cậu ấy không nói chuyện với ai. Có thể là vì mọi người không dành thời gian hiểu cậu ấy. Cậu ấy rất ganh đua trong thể thao. Cậu ấy không thích phải thua, như tất cả chúng tôi. Bóng rổ là tất cả với cậu ấy", người bạn học João Micaelo kể lại trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình.
"Cậu ấy tỏ ra bướng bỉnh. Nếu bị la vì không học hành, cậu ấy sẽ bỏ ăn", Ko Yong Suk, người dì chịu trách nhiệm nuôi dưỡng Kim ở Thụy Sĩ, kể lại với Washington Post. Bà Ko sau đó bỏ đi cùng chồng đến Mỹ. "Cậu ấy không phải kẻ gây rối, nhưng cậu ấy nóng tính".
So với Kim Jong Un, thế giới biết nhiều hơn rất nhiều về Donald Trump. Trong 72 năm của cuộc đời ông, phần lớn thời gian ông đều là tâm điểm chú ý, dù trong vai trò tỷ phú bất động sản, ông trùm truyền hình thực tế hay tổng thống Mỹ.
Tổng thống Mỹ sinh ra trong một gia đình giàu có của Mỹ, cùng bố đi thu tiền thuê nhà ở Brooklyn và sau đó đi học tại trường quân sự. Bạn học kể rằng Trump cũng hiếu thắng, tìm kiếm sự chú ý và vai trò lãnh đạo.
"Đề phòng 100%... cuộc đời là một chuỗi tranh giành chỉ có thắng hoặc thua. Không thể để người khác làm nhục mình", ông viết.
Thế nhưng, dù lớn lên trong đặc quyền, cả Donald J. Trump và Kim Jong Un không hề thấy tương lai mình sẽ là người kế vị sự nghiệp của gia đình. Họ không phải con trai cả.
Fred Trump Jr. là người được chỉ định ban đầu để kế vị gia sản của gia đình Trump, nhưng ông tỏ ra là người không có hứng thú với bất động sản. Fred bỏ đi làm phi công và vào nửa sau của cuộc đời, ông mắc kẹt trong chứng nghiện rượu trước khi chết vì biến chứng của nghiện rượu vào năm 43 tuổi.
Trước đó, người em trai đã cố gắng thuyết phục để Fred trở lại với công việc gia đình nhưng thất bại. Fred giờ vẫn là người thân mà tổng thống Mỹ thường xuyên nhắc đến nhất, cái chết của Fred đã khiến ông thề rằng mình sẽ không bao giờ uống một giọt rượu nào.
Ông Kim Jong Un cũng có một người anh, cũng bị xem là yếu mềm hơn em trai mình. Đối với Triều Tiên, trong một thời gian dài thế giới đã nghĩ rằng người kế nhiệm ông Kim Jong Il sẽ là con trai cả Kim Jong Nam, cho đến năm 2001. Kim Jong Nam bị bắt khi đang cố gắng dùng hộ chiếu giả để vào Nhật và thăm Tokyo Disneyland.
Sau sự cố Disneyland, người em trai Kim Jong Un trở thành người được chọn, bắt đầu đi học tại trường đào tạo sĩ quan tại Bình Nhưỡng.
Sau đó, Kim Jong Un và Donald Trump đều bước vào vị trí lãnh đạo đất nước giữa những ánh mắt nghi ngờ.
Với ông Kim là sự xuất hiện của một nhà lãnh đạo trẻ trên chính trường Triều Tiên với toàn những "lão làng". Theo nhiều suy đoán, phần lớn quãng đời trước đó của ông Kim trải qua tại Thụy Sĩ hoặc trường đại học ở Bình Nhưỡng và ông hầu như không có kinh nghiệm chính trị. Cái tên Kim Jong Un chỉ xuất hiện từ năm 2009, hai năm trước khi ông trở thành lãnh đạo Triều Tiên.
"Ông ấy lên nắm quyền trong tâm thế 'một đứa trẻ' và cần chứng tỏ cho các đồng chí lão thành của ông về năng lực của mình", Alexander L. Vuving nói với Zing.vn.
Ông Kim không ngại tỏ rõ tham vọng xây dựng một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, cuốn hút như ông nội của mình hơn là người cha có phần e dè sự chú ý. Trong khi cố lãnh đạo Kim Jong Il thường viết bài báo chúc mừng năm mới, ông Kim thường xuất hiện trên truyền hình để đọc thông điệp đầu năm.
"Ông ấy rõ ràng là sẵn lòng chấp nhận rủi ro hơn các lãnh đạo trước, ông ấy còn thừa nhận sai lầm. Điều đó hoàn toàn khác hẳn thái độ chúng ta thường thấy trước đó", Guardian dẫn lời Jenny Town, thư ký tòa soạn của trang tin chuyên theo dõi Triều Tiên, 38 North.
Về phía Donald Trump, ông trở thành tổng thống trong sự ngỡ ngàng của thế giới. Cách tiếp cận của ông đối với nhiều vấn đề trở thành tâm điểm chỉ trích vì sự thiếu kinh nghiệm và đầy rẫy bản năng. Không kém gì ông Kim, ông Trump luôn ở trong tình thế cần chứng tỏ bản thân, cần thành tựu để khỏa lấp những sóng gió chầu chực bủa vây nội bộ chính quyền của ông tại Washington DC. Năm 2018, ông đến Singapore để gặp ông Kim sau khi vừa "gây hấn" với tất cả đồng minh G7 tại Canada. Giờ thì ông đến Việt Nam với mục tiêu có một thành tích sau những rối ren nội bộ kể từ khi đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện.
Và trên tất cả, ông Trump cũng muốn hòa bình trên bán đảo Triều Tiên trở thành di sản trong nhiệm kỳ này của ông, trước khi bước vào cuộc đua 2020. Trong mắt các cử tri, ông cần cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên không kém gì việc ông Kim cần cuộc gặp này nhằm thể hiện trước các đồng chí của ông tại Bình Nhưỡng.
Hoặc cũng có thể ông Trump muốn một giải Nobel Hòa bình, thứ mà Ủy ban Nobel đã trao cho người tiền nhiệm Barack Obama nhưng chưa, hoặc không, trao cho tổng thống đương nhiệm.
Khi ông Kim và Trump gặp nhau lần đầu tiên, các chuyên gia về ngôn ngữ cơ thể lưu ý việc ông Trump đã chủ động vỗ vào cánh tay ông Kim trước trong lần đầu hai người chạm mặt, biểu hiện cho thấy việc ông muốn chiếm ưu thế. Đáp lại, ông Kim cũng cố gắng vỗ vào khuyả tay của đối tác, hành động chứng tỏ ông cũng ở thế ngang hàng.
Tuy vậy, biểu hiện chung trong cuộc gặp đầu tiên là họ thật sự ăn ý về mặt cá nhân. Ông Trump thậm chí đã làm một việc ngoài kịch bản là đưa ông Kim đến thăm chiếc xe "The Beast" của mình.
"Trong nhân sinh quan của Trump, lãnh đạo chính là ở tính cách. Tính cách càng lớn, khả năng càng nhiều", nhà báo Tim Stanley viết trên Telegraph.
Với Tổng thống Trump, người luôn tin tưởng vào việc các mối quan hệ cá nhân có thể giải quyết được khủng hoảng, và là người yêu thích những nhà lãnh đạo mạnh mẽ tương tự mình, nhà lãnh đạo Kim là một đối thủ ngang cơ để ông đàm phán vấn đề hạt nhân.
"Tôi phát hiện ra đó là người đàn ông tài năng và rất yêu đất nước mình", tổng thống Mỹ nói sau cuộc gặp. "(Tôi tin ông ấy). Tôi nhận ra được khi ai đó muốn thỏa thuận và khi ai đó không muốn".
Cuộc gặp gỡ với nhà lãnh đạo Kim không chỉ cho ông Trump một cơ hội để "thương thuyết" về mặt cá nhân, một sân khấu để trình diễn trước sự chú ý của thế giới - đúng với sở thích của một cựu ngôi sao truyền hình thực tế.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều mang lại cho ông Trump một đối thủ xứng tầm, khi Kim tỏ ra cũng là một người lãnh đạo mạnh mẽ và yêu nước, những phẩm chất luôn được tổng thống Mỹ coi trọng, như điều ông đã phát biểu cũng tại Việt Nam hai năm trước: "Vì gia đình, vì đất nước, vì tự do, vì lịch sử và vì Chúa, hay bảo vệ ngôi nhà bạn, yêu thương ngôi nhà bạn, bây giờ và mãi mãi".
Ở mặt khác, cuộc gặp với tổng thống Mỹ là bước đệm không thể tuyệt vời hơn khi ông Kim muốn "bình thường hóa" đất nước mình.
"Ông Trump biết ông Kim cần gì trong nước: Đó là vinh quang của một cuộc gặp đối với tổng thống Mỹ, đó là sự công nhận của thế giới, việc được đối xử bằng vai phải lứa bên cạnh các nước lớn. Tất cả sẽ trở thành thành tựu đối nội của ông Kim. Vì vậy, ông Trump không tiếc công gặp gỡ hay khen ngợi ông Kim", giáo sư Vuving nói.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng biết ông phải làm gì để tổng thống Mỹ hài lòng và cảm thấy được tôn trọng.
Hồi tháng 5/2018, khi ông Trump dọa hủy bỏ cuộc gặp Mỹ - Triều vì "sự thù địch" đến từ phía Bình Nhưỡng, Chủ tịch Kim đã gửi ông một lá thư. Tổng thống Mỹ trở lại bàn hội nghị thượng đỉnh. "Lá thư đó rất tuyệt. Ồ, bạn có muốn xem thư viết gì không?", ông nói với các phóng viên sau đó vài ngày.
Đến tháng 8/2018, tổng thống lại nhận được một lá thư buộc ông phải lên Twitter hồi đáp: "Cảm ơn vì lá thư tử tế. Tôi mong gặp lại ông sớm!".
"Ông ấy viết cho tôi những lá thư tuyệt vời", tổng thống Mỹ nói trước đám đông cử tri ủng hộ ở West Virginia hồi tháng 9/2018. "Chúng tôi đã yêu nhau".
Cuộc gặp lần thứ hai của hai nhà lãnh đạo cũng được thống nhất nhờ lá thư được Phó chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong Chol chuyển đến tay ông Kim hôm 24/1.
Thế nhưng, bản thân Kim và Trump, dù đã là những lãnh đạo hết sức khác thường tại đất nước họ và trong thời đại của họ, đều không thể vượt lên trên quá khứ hơn nửa thế kỷ thù địch của Mỹ và Triều Tiên. Sự gắn kết tốt đẹp tại Singapore đã không thể cho ra một thỏa thuận mang tính ràng buộc để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên, trong khi những tháng sau đó chứng minh sự khó khăn của việc biến lời cam kết của hai nhà lãnh đạo, có cảm tình với nhau, trở thành thỏa thuận chi tiết và có thể thực thi.
Ngày 18/8/1976, chiến tranh liên Triều suýt nữa đã nổ ra lại vì một cây bạch dương. Một nhóm công nhân Hàn Quốc, hộ tống bởi lính Mỹ - Hàn, đã mang rìu tiến đến một cây bạch dương tại Khu vực An ninh chung (JSA) ở khu phi quân sự tại biên giới liên Triều với mục đích chặt bớt cành cây làm chắn tầm nhìn qua biên giới. Một nhóm lính Triều Tiên xuất hiện và yêu cầu phía Mỹ - Hàn dừng việc chặt cây. Xung đột nổ ra đã khiến các công nhân Hàn Quốc bị thương, hai lính Mỹ thiệt mạng.
Mỹ quyết định trả đũa bằng việc tiến hành chiến dịch Paul Bunyan, huy động 813 người với dàn oanh tạc cơ và tiêm kích hỗ trợ để trở lại chặt cây bạch dương. Triều Tiên đã huy động khoảng 150-200 lính đến đáp trả. Những người Triều Tiên, dù đứng vào tư thế chuẩn bị bắn, cuối cùng đã đứng im nhìn cây bạch dương bị chặt. Bình Nhưỡng sau đó "bày tỏ sự hối tiếc" về vụ việc trên và bán đảo Triều Tiên tránh được một lần chiến tranh.
Dù xung đột không nổ ra khi đó, cây bạch dương ở biên giới liên Triều là dẫn chứng cho sự mong manh của mối quan hệ Mỹ - Triều, với Washington và Bình Nhưỡng vốn chưa bao giờ xây dựng đủ niềm tin để tạo ra đột phá cho quá trình phi hạt nhân hóa và kết thúc cuộc chiến tranh 1950-1953.
Tổng thống Trump, người luôn tin tưởng vào nghệ thuật thương thuyết của bản thân, buộc phải thấy rằng đứng trước sự phức tạp của một thỏa thuận giải giáp hạt nhân, chỉ riêng nghệ thuật đàm phán và cảm tình cá nhân là không đủ. Các nguồn tin từ Nhà Trắng cho thấy tổng thống thường xuyên nổi cáu khi các cuộc đàm phán với Triều Tiên sau tháng 6 không được như ý muốn, dù ngoài mặt ông vẫn phải tỏ ra lạc quan.
"Sự gắn kết tốt đẹp của họ trong cuộc gặp đầu tiên lại được xây dựng trên những mục tiêu trái ngược nhau. Triều Tiên muốn giữ lại hạt nhân mà vẫn có lợi ích kinh tế, trong khi Mỹ muốn giải giáp hạt nhân trước khi nới lỏng cấm vận. Đó là một vòng luẩn quẩn", tiến sĩ Cheon Seong Whun của Viện chính sách Asan (Hàn Quốc) nói với Zing.vn.
Đối với cả tổng thống Mỹ lẫn lãnh đạo Triều Tiên, những người luôn xây dựng hình ảnh "nhà lãnh đạo mạnh mẽ", họ đều có áp lực phải duy trì quan hệ tốt đẹp với đất nước thù địch còn lại, lại phải giữ hình ảnh mạnh mẽ không khuất phục trước bên kia.
"Liệu có phải ông Kim đã đợi một nhà lãnh đạo như Trump để đưa đất nước mình bước ra thế giới không?"
"Tôi không chắc. Cũng có thể, nhưng việc đổi mới cũng là nhu cầu bức thiết của Triều Tiên", ông Vuving nói.
Chúng ta không thể chắc được liệu ông Kim Jong Un có đợi đến khi nước Mỹ có một lãnh đạo phi truyền thống như Donald Trump để bày tỏ ý định cải cách nền kinh tế Triều Tiên. Nhưng khi hai ông gặp nhau lần thứ hai ở Việt Nam vào tháng này, đó sẽ là cuộc gặp của hai con người không thể khó lường hơn. Dù quá khứ sẽ luôn đeo bám mối quan hệ này, rất nhiều năm sau cả Donald Trump và Kim Jong Un.
Liệu họ có thật sự vượt qua quá khứ hay không, như điều mà ông Kim đã nói trong lần gặp đầu tiên?
"Quá khứ như xiềng xích níu giữ đôi chân chúng ta, những định kiến và kiểu cách cũ ngăn trở chúng ta đi về phía trước. Nhưng chúng ta đã vượt qua tất cả, chúng ta ở đây hôm nay".