Đồng bào K'Ho 'mở đường' làm cà phê hữu cơ

Một thời kỳ, để phát triển cây cà phê ở Di Linh, bà con đã lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu, ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm. Nhận thấy hệ lụy này, nhiều bà con đồng bào dân tộc K'Ho đã tiên phong làm cà phê sạch thông qua thành lập tổ hợp tác Oh Mi Kơ ho coffee, mở ra cánh cửa mới nhằm nâng cao giá trị từ loại cây trồng này.

Lâm Đồng là địa phương sản xuất cà phê đứng thứ 2 cả nước (sau Đắk Lắk), trong đó huyện Di Linh là địa phương sản xuất cà phê lớn nhất tỉnh Lâm Đồng với khoảng 45,6 ngàn ha, sản lượng hàng năm đạt trên 150 ngàn tấn, cà phê đóng góp cho nền kinh tế địa phương hàng năm trên 9 ngàn tỷ đồng.

Những người anh em K’Ho làm cà phê

Đinh Trang Hòa là một xã thuần nông ở huyện Di Linh, trong đó đồng bào dân tộc bản địa chiếm trên 50% dân số, sống bằng nghề canh tác cà phê là chủ lực. Do hạn chế về kiến thức khoa học - kỹ thuật, để cây cà phê phát triển tốt, cho năng suất cao, hầu hết người dân nơi đây thường lạm dụng phân hóa học, sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) gây nên hệ lụy mất cân bằng hệ sinh thái cũng như ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Ngày 10/3/2022, tổ hợp tác Oh Mi Kơ ho coffee tại thôn 1B chính thức thành lập, gồm 7 thành viên.

Ngày 10/3/2022, tổ hợp tác Oh Mi Kơ ho coffee tại thôn 1B chính thức thành lập, gồm 7 thành viên.

Tuy nhiên, từ năm 2018, một số hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số K’Ho ở thôn 1B, xã Đinh Trang Hòa đã thống nhất cùng nhau canh tác, sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ trên diện tích khoảng 5 ha. Từ quy trình trồng, chăm sóc đến chế biến, họ muốn xây dựng một vùng cà phê sạch, nâng cao giá trị cho cây này. Đến ngày 10/3/2022, tổ hợp tác Oh Mi Kơ ho coffee tại thôn 1B chính thức thành lập, gồm 7 thành viên.

Sau gần 5 năm thực hiện quy trình trồng, chăm sóc và sản xuất theo hướng hữu cơ, Oh Mi Kơ ho coffee (còn gọi là "Những người anh em K’Ho làm cà phê") đã tạo dựng được thương hiệu và sản phẩm cà phê sạch, ngon.

Chị Ka Jràn Lum - thành viên trong Tổ hợp tác Oh Mi Kơ ho coffee chia sẻ: Ban đầu nhóm được thành lập vào năm 2018 với 7 thành viên là chị em người K’Ho. Sau khi được Văn phòng Caritas Đà Lạt (Tổ chức Phi Chính phủ) giới thiệu, tạo điều kiện cho chị em trong nhóm được đi tham quan các mô hình sản xuất cà phê hiệu quả ở TP Bảo Lộc và những vùng lân cận, các thành viên trong nhóm đã trao đổi, bàn bạc, tìm giải pháp, định hướng sản xuất mới.

Đầu tiên, nhóm áp dụng, thử nghiệm việc cải tạo đất với quy mô diện tích nhỏ bằng cách giảm số lượng phân bón vô cơ, tăng cường phân ủ Compost được ủ từ lá cây dã quỳ, lá chuối, rơm rạ, trấu cà phê, phân chuồng… để bón cho cây. Sau vài năm thực hiện, đến nay sản phẩm cà phê hữu cơ, cà phê sạch của nhóm đã chính thức đưa ra thị trường.

“Chúng tôi xây dựng 2 dòng sản phẩm chủ lực là cà phê hữu cơ và cà phê sạch trên diện tích 5,5 ha. Vì là sản phẩm mới, chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến nên chủ yếu cung cấp cho khách hàng quen ở Sài Gòn. Để quảng bá thương hiệu sản phẩm, thời gian qua, chúng tôi cũng đã tham gia Phiên chợ hữu cơ (Đà Lạt), bán hàng trên fanpage Facebook, Zalo… để khách hàng tiện tìm hiểu sản phẩm hữu cơ (không sử dụng phân hóa học, thuốc BVTV)”, chị Ka Jràn Lum nói.

Thành công sau những cái lắc đầu

Chị Nròng Thể, 1 trong 7 thành viên Tổ hợp tác Oh Mi Kơ ho coffee, cho biết việc thay đổi này ban đầu cũng bị chồng chị phản đối kịch liệt. Thậm chí, chồng chị chia đất ra mỗi bên một nửa, làm theo 2 hướng canh tác. Theo thời gian, việc không phải đeo từng bình thuốc nặng trên vai đi xịt trong vườn, tránh tiếp xúc chất hóa học độc hại mà cây cà phê vẫn xanh tốt, không sâu bệnh đã giúp chồng chị có cái nhìn khác, dần dần ủng hộ cách làm này.

Sản phẩm cà phê hữu cơ được các thành viên rang xay thủ công và đóng gói.

Sản phẩm cà phê hữu cơ được các thành viên rang xay thủ công và đóng gói.

Theo chị Nròng Thể, trồng cà phê sạch theo kiểu thuần tự nhiên, không thuốc bảo vệ thực vật, không phân bón hóa học thì đất ở đây như được hồi sinh, tơi xốp. Do đó, có thể canh tác thêm rau củ quả dưới tán cây cà phê để phục vụ nhu cầu hằng ngày.

Chị Nròng Hương, Tổ trưởng Tổ hợp tác Oh Mi Kơ ho coffee, nhớ lại những tháng ngày mới bắt tay vào việc làm cà phê sạch: "Các thành viên trong tổ khi ấy đã thống nhất cùng nhau sản xuất cà phê sạch, tập trung vào khâu sơ chế, chế biến để nâng cao giá trị cho sản phẩm. Chúng tôi mong muốn đem những hạt cà phê ngon nhất do chính tay đồng bào K’Ho làm ra gửi tới khách hàng. Các thành viên phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất đã đề ra, từ khâu chăm sóc, thu hái quả chín đến chế biến ướt".

Theo chị Nròng Hương, cà phê sạch phải sạch từ khâu làm đất, tức là ngưng hoàn toàn việc sử dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Về kỹ thuật làm phân compost, theo đúng liều lượng là 25% phân động vật, 25% phân nâu và 50% phân xanh (gồm các thành phần như phân chuồng, rơm, trấu, lá khô, thân và cành cây xanh).

Đến nay, sau nhiều vất vả và gian nan, các thành viên Oh Mi Kơ ho coffee không khỏi tự hào vì làm nông nghiệp sạch không chỉ bảo vệ sức khỏe cho mình và người dùng mà còn góp phần cải tạo nguồn đất, bảo vệ môi trường. Đáng chú ý, sản phẩm cà phê của tổ hợp tác được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến. Theo thông tin, mùa Hè năm nay, nhiều bạn học sinh người Pháp có dịp tham quan Việt Nam, và đã chọn cà phê Oh Mi Koho làm quà biếu cho gia đình.

Tổ hợp tác tiếp hành trình mở rộng nguyên liệu và thị trường

Chị Nròng Hương cho biết hướng đi của Tổ hợp tác Oh Mi Kơ ho coffee sắp tới là phát triển các sản phẩm của mình đạt chuẩn OCOP. Ngoài ra, tổ sẽ đầu tư trang thiết bị, máy móc mở rộng sản xuất, tham gia các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh để học hỏi kinh nghiệm, chủ động mở rộng thị trường.

Sản phẩm cà phê của tổ hợp tác được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến.

Sản phẩm cà phê của tổ hợp tác được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến.

Có thể khẳng định, tổ hợp tác được thành lập đã tạo điều kiện để bà con dân tộc bản địa tại xã Đinh Trang Hòa cũng như toàn huyện Di Linh từng bước mở rộng vùng nguyên liệu, xây dựng thương hiệu cà phê sạch sản xuất theo hướng hữu cơ.

Trong thời gian tới, tổ hợp tác tiếp tục kết nối thêm những đơn vị sản xuất cà phê quy mô lớn trên địa bàn tỉnh để học hỏi kinh nghiệm cũng như quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Qua đó, từng bước thay đổi tư duy, nâng cao trình độ canh tác, quy trình kỹ thuật sản xuất cà phê bền vững cho các nông hộ, góp phần cùng địa phương đưa thương hiệu cà phê Di Linh vươn xa đến các thị trường trong nước và quốc tế.

Ông Bùi Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Trang Hòa, nhận xét: "Đây là tổ hợp tác thành lập đầu tiên của xã, hoạt động theo hình thức liên kết chuỗi sản xuất để tạo vùng nguyên liệu cà phê sạch, đặc sản của địa phương. UBND xã Đinh Trang Hòa đã phối hợp với các ngành chức năng và tổ hợp tác Oh Mi Kơ ho coffee mở các lớp tập huấn để người dân địa phương ý thức về sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ, bền vững. Từ đó, giúp thay đổi tư duy, phương thức canh tác, từng bước mở rộng quy mô sản xuất cà phê chất lượng cao".

Theo ông Vũ Hồng Long, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Di Linh, các ngành chức năng huyện Di Linh đang triển khai đề án nhằm phát triển sản phẩm cà phê sạch này thành các sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Qua đó, kêu gọi người dân liên kết với nhau theo các mô hình tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại, tham gia các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh để học hỏi kinh nghiệm, kết nối thị trường tiêu thụ.

Minh Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//business-cooperative/dong-bao-k-ho-apos-mo-duong-apos-lam-ca-phe-huu-co-1094760.html