Đồng bào Pa Cô ở Thừa Thiên Huế góp sức phát triển kinh tế

Những năm qua, nhờ những chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước, đời sống người Pa Cô ở Thừa Thiên Huế có nhiều thay đổi. Người dân đã biết trồng rừng kinh tế, xây dựng trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm... Đặc biệt, với sự 'dám nghĩ, dám làm', nhiều đồng bào dân tộc Pa Cô đã mạnh dạn đầu tư các mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

Thừa Thiên - Huế là địa phương có trên 50% dân số là người đồng bào DTTS, với 46 xã miền núi có đồng bào DTTS. Đồng bào DTTS Pa Cô sống chủ yếu tập trung ở các huyện A Lưới và Nam Đông. Với việc thực hiện các chính sách dân tộc, miền núi trong nhiều năm qua, đồng bào DTTS nơi đây đã có nhiều điều kiện để phát triển.

Cải thiện đời sống đồng bào

Huyện A Lưới có trên 70% đồng bào DTTS, do đó việc thực hiện các chính sách dân tộc, miền núi ở đây được đặc biệt quan tâm. Những năm qua, huyện A Lưới tranh thủ các nguồn vốn hoàn thành nhiều dự án tái định cư thuộc chương trình “Di dân, định canh, định cư cho đồng bào DTTS”, với tổng mức đầu tư hàng chục tỷ đồng, góp phần ổn định, nâng cao đời sống cho bà con DTTS trên địa bàn.

HTX sản xuất chổi đót và gia công mỹ nghệ Hoàng Thiện tại xã A Ngo đã giúp nhiều phụ nữ người Pa Cô có thu nhập ổn định, vươn lên phát triển kinh tế.

HTX sản xuất chổi đót và gia công mỹ nghệ Hoàng Thiện tại xã A Ngo đã giúp nhiều phụ nữ người Pa Cô có thu nhập ổn định, vươn lên phát triển kinh tế.

Cấp ủy, chính quyền các cấp ở địa phương thường xuyên rà soát các chính sách nhằm triển khai thực hiện đầy đủ, đồng thời lồng ghép vào các chương trình trọng điểm về phát triển kinh tế, xã hội, nhất là chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh cho đồng bào DTTS.

Tại HTX sản xuất chổi đót và gia công mỹ nghệ Hoàng Thiện tại xã A Ngo, những năm qua HTX đã giúp nhiều phụ nữ người Pa Cô có thu nhập ổn định, vươn lên phát triển kinh tế.

Bà Hoàng Thị Kén, Giám đốc HTX cho biết, HTX không chỉ tổ chức sản xuất, tạo công ăn việc làm cho bà con, mà còn tham gia truyền dạy nghề cho nhiều người. Mỗi mùa, HTX thu mua trên dưới 5 tấn đót tươi làm chổi cung ứng cho đại lý và khách hàng. Bình quân mỗi tháng, HTX làm được khoảng 1.000 cái chổi, tạo việc làm cho khoảng 50 lao động.

Ngoài công việc chính, bà con có thể nhận đót về làm những công đoạn thích hợp. Tước đót được trả 4.000 đồng/kg; lên lọn 3.000đồng/cái chổi; làm cán 4.000 đồng/cái... Nếu siêng năng, chăm chỉ, mỗi người có thể kiếm thêm thu nhập xấp xỉ 4 triệu đồng/tháng.

Nhờ HTX mà hàng ngàn phụ nữ người Pa Cô ở vùng đại ngàn Trường Sơn đã có thu nhập ổn định. Như bao phụ nữ khác tại địa phương, bà Kăn Thơm (50 tuổi, xã A Ngo) cũng đến HTX Hoàng Thiện nhận hàng về nhà gia công và rất vui với công việc của mình. “Người ta làm phụ chứ với tôi đây là công việc chính. Mùa cao điểm, mỗi ngày tôi kiếm được hơn 100.000 đồng” bà nói.

Trường hợp khác là chị Quyên: “Nếu yêu nghề, gắn bó thì nghề không phụ. Nghề chổi đót cho mình có cơ hội tham gia chương trình “Vượt lên chính mình”, được cấp vốn trả nợ ngân hàng và mở ra một cuộc sống mới. Giờ mình đã nuôi con ăn học nên người, kinh tế gia đình ổn định”.

Không chỉ làm đót, HTX còn sáng tạo thêm mẫu mã từ nghề đan lát làng quê Bao La, trồng nấm bào ngư… tăng thu nhập, tạo thêm việc làm cho nhiều người. Từ năm 2008 đến nay, bà Kén được Trung tâm Dạy nghề huyện A Lưới mời tham gia đào tạo nghề cho hàng trăm đồng bào dân tộc thiểu số, giúp họ tận dụng nguyên liệu phong phú vùng rừng núi, thêm nguồn thu nhập phụ giúp gia đình.

Tạo sinh kế cho đồng bào thoát nghèo

Tại xã Đông Sơn (A Lưới) là xã biên giới có 100% đồng bào DTTS sinh sống, cũng là địa phương được hưởng lợi từ các chính sách ưu tiên đầu tư của tỉnh, huyện. Nổi bật là Chương trình hỗ trợ đồng bào vay vốn để sản xuất, hỗ trợ cây con, trồng rừng… đã mang lại nhiều thay đổi. Nhiều hộ gia đình ngoài tăng gia sản xuất, còn mở rộng kinh doanh, đầu tư phát triển nghề thủ công truyền thống, tăng thu nhập, tạo nên sự thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi Đông Sơn.

Anh Hồ Văn Lợi, người DTTS Pa Cô ở thôn Loah - Ta Vai, xã Đông Sơn nói rằng, không thể ngờ, gia đình anh có thể vươn lên làm giàu từ xuất phát điểm là hộ nghèo. Sau khi được vay nguồn vốn ưu đãi 50 triệu đồng và được cấp cây, con giống từ chương trình hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển sản xuất, gia đình anh đã có trong tay một gia trại trồng rừng, nuôi bò mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ngoài ra, gia đình anh còn mở cửa hàng kinh doanh tạp hóa...

Đời sống kinh tế, văn hóa tinh thần của đồng bào Pa Cô ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần.

Đời sống kinh tế, văn hóa tinh thần của đồng bào Pa Cô ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần.

Anh Lợi bày tỏ: “Đến nay, mỗi năm gia đình tôi thu nhập từ chăn nuôi và buôn bán gần 200 triệu đồng. Nhờ có chính sách hỗ trợ, nhiều hộ đồng bào Pa Cô ở đây đã phát triển trồng rừng và chăn nuôi gia súc đạt hiệu quả cao, cho thu nhập mỗi năm 250 - 300 triệu đồng, góp phần giúp đồng bào DTTS ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu”.

Ngoài ra, còn có rất nhiều mô hình kinh tế hộ gia đình được hình thành và phát triển. Chẳng hạn như, hộ gia đình ông Hồ Chí Mạnh cũng là người Pa Cô, với mô hình VAC cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới, cho biết: Chính sách DTTS được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện kịp thời, ngoài ra tỉnh, huyện đã ưu tiên các nguồn lực để đầu tư vùng DTTS trong nhiều năm qua, đã làm cho đời sống đồng bào được nâng lên rất nhiều. Tất cả các xã đều có trạm y tế và trường học khang trang, có bưu điện văn hóa, trạm truyền thanh, nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

"Các lĩnh vực đầu tư phát triển sản xuất, khai hoang, bố trí lại dân cư, lập vườn, trồng cây lâm nghiệp, luôn được ưu tiên đến hộ đồng bào DTTS. Nhờ đó, 100% hộ đồng bào DTTS đều được bố trí đất ở, đất sản xuất. Được tạo sinh kế, nhiều hộ gia đình đồng bào đã thoát nghèo bền vững", ông Hùng cho biết thêm.

Xây dựng bản, làng no ấm

Ông Lê Xuân Hải - Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ, việc huy động nguồn lực cho vùng DTTS được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện kịp thời, đạt hiệu quả. Đặc biệt là các Chương trình 134, 135, 160... đã tạo được bộ mặt nông thôn mới cho các huyện miền núi, huyện có đông đồng bào DTTS sinh sống. Tất cả các xã đều có trạm y tế và trường học khang trang, có bưu điện văn hóa, trạm truyền thanh, nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Các lĩnh vực đầu tư phát triển sản xuất, khai hoang, bố trí lại dân cư, lập vườn, trồng cây lâm nghiệp luôn được ưu tiên đến hộ đồng bào DTTS. Nhờ đó, 100% hộ đồng bào DTTS đều được bố trí đất ở, đất sản xuất.

Theo số liệu thống kê của Ban Dân tộc tỉnh, chỉ tính riêng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn DTTS toàn tỉnh trong 5 năm qua, đạt hơn 50 tỷ đồng, với gần 6.000 hộ được hưởng lợi.

Ngoài ra, đã có gần 200 nghìn lượt người dân ở các khu vực vùng sâu, vùng xa tỉnh Thừa Thiên Huế được vay vốn từ chính sách tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư vào các mô hình sản xuất, vươn lên thoát nghèo thay đổi cuộc sống, với tổng số vốn lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Chưa kể các nguồn vốn đầu tư đường giao thông nông thôn, trợ giá lãi suất vay… lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Nhờ đó, đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của Thừa Thiên Huế, đời sống kinh tế, văn hóa tinh thần của đồng bào DTTS ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần.

“Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tận dụng nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi để đầu tư, hỗ trợ phát triển nhanh và bền vững vùng miền núi, vùng đồng bào DTTS”, ông Lê Xuân Hải nhấn mạnh.

Kim Yến

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//business-cooperative/dong-bao-pa-co-o-thua-thien-hue-gop-suc-phat-trien-kinh-te-1093471.html