Đồng chí Lê Văn Lương với quê hương Hưng Yên

Đồng chí Lê Văn Lương, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là người con ưu tú của quê hương Hưng Yên. Trọn đời vì nước, vì dân, vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, đồng chí Lê Văn Lương vẫn dành những tình cảm quý báu với cán bộ và Nhân dân quê hương Hưng Yên.

Đồng chí Lê Văn Lương trực tiếp đổ gầu bê tông đầu tiên xây dựng cầu Nghĩa Trụ (năm 1981) (Nguồn: Tư liệu của gia đình đồng chí Lê Văn Lương)

Đồng chí Lê Văn Lương tên khai sinh là Nguyễn Công Miều, sinh ra trong gia đình yêu nước và khoa bảng ở làng Xuân Cầu (xã Nghĩa Trụ, Văn Giang). Làng Xuân Cầu từ xưa đã nổi tiếng là đất khoa bảng với 12 người đỗ đại khoa trong các kỳ thi thời phong kiến. Trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc, làng Xuân Cầu đều có những nghĩa binh, tướng lĩnh tài ba tham gia.

Thân phụ của đồng chí Lê Văn Lương là cụ Nguyễn Đạo Khang, từng đỗ Tú tài, làm Huấn đạo. Họ Nguyễn ở Xuân Cầu là một dòng họ nối đời khoa bảng, như: Nguyễn Hằng đỗ Tiến sĩ năm Bính Tuất (1586), Nguyễn Tính (con trai út của Nguyễn Hằng) đỗ Tiến sĩ khoa thi Bính Tuất (1646), Nguyễn Hành (cháu ngoại của Nguyễn Tính, đỗ Tiến sĩ năm Mậu Thìn (1693), Nguyễn Gia Cát (hậu duệ của Nguyễn Tính) đỗ Tiến sĩ năm Đinh Mùi (1787), Nguyễn Đạo Quán (bác ruột của Nguyễn Công Miều) đỗ Phó bảng năm Mậu Tuất (1898)... Thân mẫu đồng chí Lê Văn Lương là cụ bà Tô Thị Tám, con gái cụ Đốc Nam Tô Ngọc Nữu. Dòng họ Tô cũng là một dòng họ có nhiều người đỗ đạt, như: Tô Trân đỗ Tiến sĩ năm Bính Tuất (1826), Tô Đăng (con trai Tô Trân) đỗ Cử nhân năm 1867, Tô Hiền đỗ Hương Cống, Tô Huân (con trai Tô Hiền) đỗ Phó bảng năm Mậu Thìn (1868), v.v...

Trong hoàn cảnh đất nước chìm trong ách đô hộ của thực dân Pháp, truyền thống tốt đẹp của quê hương, gia đình đã tác động và hun đúc tinh thần yêu nước của đồng chí Lê Văn Lương, đồng thời giúp đồng chí sáng suốt lựa chọn con đường làm cách mạng, giải phóng quê hương, đi theo chủ nghĩa cộng sản. Và khi bắt đầu trở thành đảng viên cộng sản, đồng chí Lê Văn Lương đã nghĩ ngay đến giác ngộ cách mạng những người đồng hương với mình, để họ nhanh chóng trở thành đồng chí, đồng đội.

Khi nắm giữ các vị trí quan trọng của Đảng, dù rất bận việc công, song đồng chí Lê Văn Lương vẫn dành nhiều tình cảm cho quê hương Hưng Yên. Những lần về thăm, làm việc với Tỉnh ủy và các địa phương trong tỉnh, đồng chí đều tiếp xúc với đông đảo cán bộ, Nhân dân, ân cần hỏi thăm tình hình ăn ở, và động viên cán bộ, Nhân dân thi đua lao động, sản xuất dựng xây tỉnh nhà giàu đẹp.

Trong thời kỳ đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược ở miền Nam, Đảng bộ tỉnh Hưng Yên đã lãnh đạo Nhân dân thực hiện nhiều phong trào để vừa sản xuất vừa chiến đấu nhằm xây dựng và bảo vệ quê hương. Xác định thủy lợi là khâu đột phá trong phong trào “Tứ hóa” (thủy lợi hóa, hợp tác hóa, bổ túc văn hóa, quân sự hóa), Đảng bộ tỉnh Hưng Yên đã cùng Nhân dân làm nên những kỳ tích, thay đổi bộ mặt nông thôn của tỉnh, được Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Trung ương đánh giá cao. Là người con quê hương Hưng Yên, đồng chí Lê Văn Lương đã nhiều lần cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước về thăm và động viên đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà. Từ ngày 21.3 đến ngày 29.3.1961, Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ V (vòng 2) diễn ra tại Hội trường Trường Đảng tỉnh. Đại hội đã vinh dự được đón đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị và đồng chí Lê Văn Lương, Bí thư Trung ương Đảng về dự và chỉ đạo. Tại Đại hội, đồng chí Lê Văn Lương đã truyền đạt tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng. Là người trực tiếp ghi biên bản Đại hội III của Đảng, đồng chí Lê Văn Lương đã quán triệt sâu sắc và có những phân tích xác đáng các quan điểm, đường lối được nêu ra trong Nghị quyết. Điều đó, đã góp phần quan trọng vào thành công của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ V theo đúng yêu cầu đặt ra.

Đồng chí Lê Văn Lương nói chuyện với cán bộ và nhân dân xã Nghĩa Trụ (năm 1981) (Nguồn: Tư liệu của gia đình đồng chí Lê Văn Lương)

Ngày 4.2.1963 (sáng mồng 3 Tết Quý Mão), đồng chí Lê Văn Lương cùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng về thăm Hưng Yên. Thủ tướng và đồng chí Lê Văn Lương đã đến thăm xã Ngô Quyền (huyện Tiên Lữ) - xã có nhiều thành tích làm thủy lợi và công tác lương thực để động viên cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong xã.

Đầu tháng 2.1963, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Hùng và đồng chí Lê Văn Lương về thăm Hưng Yên. Phó Thủ tướng và đồng chí Lê Văn Lương đã đi thăm Nhân dân ở các huyện Tiên Lữ, Khoái Châu đang tích cực chống hạn và dự Hội nghị của tỉnh bàn về nạo vét sông Bắc - Hưng - Hải.

Đối với quê hương Văn Giang, đồng chí Lê Văn Lương cũng luôn quan tâm, có nhiều tình cảm chân thành, quý báu. Đó không đơn thuần chỉ là tình cảm của người lãnh đạo cấp cao của Đảng với địa phương mà còn là tình cảm của một người con xa quê với mong muốn được góp sức mình xây dựng quê hương. Những lần về thăm và làm việc với huyện Văn Giang, đồng chí đều để lại những ấn tượng sâu sắc đối với cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Tháng 9.1962, Đại hội Đảng bộ huyện Văn Giang lần thứ VII đã vinh dự được đón đồng chí Lê Văn Lương về dự, phát biểu, đồng chí đặc biệt quan tâm tới công tác xây dựng Đảng, đồng thời nhấn mạnh việc nâng cao trình độ lý luận, tư tưởng văn hóa và kỹ thuật cho cán bộ, đảng viên, quán triệt tư tưởng tự lực cánh sinh, đẩy mạnh đấu tranh phê bình và tự phê bình, giữ vững nguyên tắc của Đảng…

Những năm đế quốc Mỹ leo thang ném bom đánh phá miền Bắc, mỗi khi nghe tin Văn Giang bị ném bom, đồng chí đều gọi điện gặp các đồng chí lãnh đạo thăm hỏi, động viên, đồng thời căn dặn phải nhanh chóng khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống cho Nhân dân, phải thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội…

Trên các cương vị của mình, đồng chí còn nhiều lần về làm việc với lãnh đạo huyện và có lẽ do xuất thân từ gia đình trí thức, dòng dõi khoa bảng nên đồng chí đặc biệt quan tâm tới công tác giáo dục - đào tạo và việc biên soạn lịch sử truyền thống cách mạng của quê hương để giáo dục cho các thế hệ người Văn Giang, bản thân đồng chí nhiều lần trực tiếp tham dự hội thảo cuốn “Sơ thảo lịch sử Đảng bộ huyện Văn Giang (1936-1972)”.

Mỗi lần về thăm quê, đồng chí thường đến thăm các trường học trong huyện. Nhiều thầy, cô giáo cũ ở Trường cấp 1-2 Tô Hiệu, xã Nghĩa Trụ, cấp 1-2, xã Long Hưng vẫn nhớ dáng vẻ giản dị và lời hỏi thăm ân cần của đồng chí với Hội đồng giáo dục nhà trường. Hiện nay, ở Trường tiểu học xã Long Hưng vẫn còn 2 cây phượng vĩ do đồng chí trồng lưu niệm nhân lần về thăm và khánh thành ngôi trường cấp 1- 2 kiên cố cao tầng đầu tiên của huyện Văn Giang (20.11.1977). Về thăm Hợp tác xã Ngọc Long, xã Long Hưng, đồng chí ân cần thăm hỏi đời sống của Nhân dân, việc tổ chức sản xuất nông nghiệp, những khó khăn của địa phương trong phát triển kinh tế. Nếu những khó khăn, vướng mắc nằm trong phạm vi có thể giải quyết được hoặc hỗ trợ được, đồng chí đều rất nhiệt tình giúp đỡ... Khi về quê, đồng chí thấy các xã Nghĩa Trụ, Vĩnh Khúc chỉ cách Quốc lộ 5 vài trăm mét mà Nhân dân đi lại rất khó khăn, già trẻ đều phải đi qua cây cầu gỗ bấp bênh rất nguy hiểm, đồng chí đã xin Chính phủ tạo điều kiện xây dựng cây cầu bê tông giúp cho Nhân dân đi lại, giao thương thuận tiện hơn. Năm 1981, cây cầu bê tông kiên cố bắc qua sông Nghĩa Trụ làm xong, đồng chí Lê Văn Lương về dự lễ khánh thành. Ngày 11 tháng 1 năm 1984, khi Đảng bộ và Nhân dân xã Nghĩa Trụ khởi công xây dựng Nhà truyền thống của xã, đồng chí Lê Văn Lương đã về thăm bà con quê hương và dự lễ khởi công. Ngoài ra, đồng chí còn quan tâm tạo điều kiện đưa đường điện về xã Nghĩa Trụ, xây dựng Trường cấp 1 - 2 Tô Hiệu tại quê hương…

P.M.H

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/chinh-tri/202203/dong-chi-le-van-luong-voi-que-huong-hung-yen-e5d231e/