Đồng đội cũ

Khi ông Thược rao bán mảnh vườn để lấy tiền cho đứa cháu gái duy nhất đi xuất khẩu lao động bên Nhật thì bà Thoa giục ông Trụ, chồng bà sang hỏi mua.

Hai nhà cạnh nhau, cách có bờ tường cắm mảnh chai. Vừa là hàng xóm mở mắt ra đã nhìn thấy nhau, vừa là đồng đội cũ vì thời gian huấn luyện trước khi vào chiến trường, hai ông ở cùng đơn vị nhưng sau này hai gia đình không thân thiết như người làng vẫn tưởng. Khi ông Thược đồng ý bán vườn cho ông Trụ thì kèm theo điều kiện: không được xây công trình phụ lên vườn. Hai ông vẫn dè chừng, chỉ lo đối phương “chơi xấu” mình.

Sự tình chỉ vì chuyện từ thời xa xưa, trước khi đi B, ông Thược mang trầu cau sang hỏi cưới bà Thoa nhưng bà đã trả lại. Sau đó, bà nhận lời hẹn ước với ông Trụ, rồi nên duyên vợ chồng. Chuyện chỉ có thế mà ông Trụ vẫn “đề phòng” đến tận bây giờ. Thi thoảng ông đùa bà “tình cũ không rủ cũng tới” khiến bà nói mát: “Được là tình cũ đã nên chuyện, đằng này có tiếng mà không có miếng”.

Sau ngày đất nước thống nhất, hai ông đều trở về. Ông Trụ thì chỉ bị thương nhẹ nên không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Ông và bà Thoa sinh được hai người con đều lành lặn, khỏe mạnh. Nhưng ông Thược bị di chứng của chất độc màu da cam nên ba đứa con đều có dị tật bẩm sinh. Chỉ có người con trai cả của ông Thược là cưới vợ, sinh được một đứa con gái khỏe mạnh thì bố nó qua đời khi còn rất trẻ. Bà Thoa thương cho hoàn cảnh của ông Thược nên thi thoảng gọi vợ ông ra vườn, lúc cho chục trứng gà, lúc cho ít trái chín cây hay có đồ ăn ngon bà cũng đưa qua bờ tường. Ông Trụ biết nhưng không nói gì, chỉ dặn vợ: “Bà làm thế nào thì làm, đừng để làng xóm láng giềng người ta dị nghị”. Bà Thoa gạt đi: “Ơ! Ông này hay nhỉ, chẳng qua là tình làng nghĩa xóm, nhà bên ấy cũng hoàn cảnh, tôi giúp được gì thì giúp, ai nỡ nhắm mắt làm ngơ. Hay là ông ghen?”. Ông Trụ to giọng: “Vớ vẩn, tôi sao phải đi ghen với người ốm yếu như lão Thược. Chẳng gì tôi với ông ta cũng là đồng đội cũ nữa”.

Từ ngày cháu gái đi xuất khẩu lao động, tháng tháng gửi tiền lương về, gia đình ông Thược cũng bớt khó khăn. Mỗi khi trái gió trở trời, vết thương tái phát, ông Thược phải đi viện thì đã có bảo hiểm y tế nên chỉ tốn tiền mua thêm thuốc bổ. Vợ chồng ông và chị con dâu sống cũng hiền lành nên bà Thoa rất mến. Dù mua mảnh vườn nhà ông Thược nhưng ông Trụ vẫn để bờ tường cắm mảnh chai, chỉ phá một góc làm lối đi sang vườn cho tiện. Mảnh vườn vẫn để nguyên như trước, trồng cây ăn quả và ít rau sạch. Bà Thoa mỗi lần hái rau và hái quả đều chia đôi cho hai nhà. Ông Trụ biết chuyện cũng vui vẻ: “Tùy bà, nhà mình ăn làm sao hết”.

Dạo này, dịch Covid-19 đã lắng xuống, mọi hoạt động bình thường trở lại nên ông Trụ hay đi qua lối tắt chỗ bờ tường sang nhà ông Thược chơi cờ. Hai ông ngồi miết, đến bữa ăn mới dừng chơi. Có hôm bà Thoa phải sang gọi thì ông Trụ mới chịu về. Tuổi già, có bạn trò chuyện tâm tình và cùng chung thú vui giải trí khiến hai ông như quên hết những ngày chiến tranh ác liệt. Hôm nay, ông Thược khoe: “Cháu gái tôi sắp về nước, hết hạn hợp đồng lao động bên đó rồi. Nhanh thật đấy, đã ba năm rồi. Nó bảo sẽ đặt vé máy bay cho ông bà đi du lịch một chuyến nhân dịp ngày lễ chiến thắng. Tôi mời ông bà cùng đi nhé!”. Ông Trụ đề xuất: “Chúng ta đi thăm lại chiến trường xưa ông nhé, thăm cả đồng đội cũ nữa. Có cơ hội là phải đi ông ạ, mai kia già yếu, muốn đi cũng không đi nổi”.

Trước khi đi du lịch, ông Thược ngỏ lời muốn chuộc lại mảnh vườn mà ông đã bán cho ông Trụ cách đây ba năm. Tưởng ông Trụ gây khó dễ nhưng không ngờ ông Trụ bộc bạch: “Tôi mua là để giữ hộ ông thôi, chứ người khác ở đâu nhảy vào mua thì án ngữ giữa hai nhà, bất tiện lắm. Bây giờ ông có tiền rồi thì tôi cho ông chuộc lại”. Ông Thược xúc động, bắt tay ông Trụ thật chặt. Nhìn cảnh ấy, bà Thoa cảm thấy nhẹ lòng. Bà hiểu rằng tình đồng đội của người lính thật ấm áp và đáng trọng biết bao.

TRẦN THỊ LÀNH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/gia-dinh/dong-doi-cu-202280