Đông Giang giảm nghèo bền vững

Đông Giang là huyện miền núi thuộc tỉnh Quảng Nam, có khoảng 75% dân số là đồng bào Cơ Tu. Thời gian qua, nhiều chính sách giảm nghèo bền vững đã được chính quyền huyện Đông Giang triển khai thực hiện, mang lại hiệu quả rõ rệt trong công tác xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Trung tuần tháng 7/2024, PV Báo CAND tìm đến trang trại nuôi hươu sao lấy nhung của nhóm hộ tại thôn A Xanh Gỗ, xã Zà Hung, huyện Đông Giang khi ông Alăng Toi, Hội viên Hội Nông dân xã Zà Hung, thành viên nhóm hộ nuôi hươu sao đang chăm chỉ cho hươu ăn. Vui vẻ trò chuyện với chúng tôi, ông Toi cho biết, trang trại hươu sao của ông cùng 2 hộ nghèo khác tại địa phương được hỗ trợ con giống, kỹ thuật chăn nuôi từ tháng 3/2024 với tổng số 15 con hươu trưởng thành (9 con đực và 6 con cái).

“Con đực nuôi để lấy nhung, còn con cái thì nuôi để sinh sản, mở rộng đàn. Hươu sao đực cho nhung rất nhanh, thường vào khoảng 1 năm khai thác được 1 lần. 1 cặp nhung bình quân khoảng 9 lạng đến 1,2kg, giá bảo hiểm của đơn vị chủ trì liên kết cam kết mua bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con là 12 triệu đồng/kg. Điều này làm chúng tôi rất phấn khởi”, ông Toi chia sẻ và cho biết thêm, thức ăn của hươu sao rất dễ kiếm gồm các loại cỏ, mít, chuối,…

Hiện tại xã Zà Hung có 10 hộ dân được hỗ trợ mô hình nuôi hươu sao với số lượng 5 con hươu trưởng thành (3 đực, 2 cái)/ hộ. Trong đó có 2 nhóm hộ cùng nuôi hươu sao gồm nhóm 3 hộ của ông Toi và một nhóm 2 hộ, 5 hộ còn lại làm chuồng trại nuôi riêng lẻ.

Ông A Vô Tô Phương, Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết, thời gian qua, nhiều mô hình phát triển kinh tế, giảm nghèo đã được triển khai, qua đó đã hỗ trợ cây trồng, con vật nuôi cho hàng trăm hộ gia đình trên địa bàn huyện. Chính quyền huyện Đông Giang cũng đã thực hiện các dự án liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị tiêu thụ sản phẩm như quế, sầu riêng, mít, heo đen địa phương, hươu sao lấy nhung. Trong đó, đến nay huyện Đông Giang đã chuyển đổi được hơn 1.200ha đất trồng cây keo kém hiệu quả sang trồng quế; cấp 225 con hươu sao, 540 con heo đen để nuôi thí điểm tại một số khu vực, sau đó sẽ rút kinh nghiệm để nhân rộng trên địa bàn huyện.

“Chúng tôi đang triển khai các dự án liên kết trồng quế; nuôi heo đen, heo cỏ địa phương, hươu sao theo chuỗi giá trị sản xuất thuộc nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia. Ngoài ra, huyện cũng đang triển khai Dự án phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại trên địa bàn huyện giai đoạn 2022-2025, định hướng đến 2030. Trong đó định hướng lại phát triển trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn huyện, dần thay thế cây keo theo Nghị quyết 15-NQ/TU ngày 14/10/2021 của Tỉnh ủy Quảng Nam nhằm vừa phát triển kinh tế vừa gắn với công tác quản lý, bảo vệ rừng. Đây là cơ hội để người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo”, ông Phương thông tin thêm.

Đáng chú ý, lãnh đạo huyện Đông Giang đặc biệt chú trọng đến công tác thu hút đầu tư để tạo công ăn việc làm cho người dân, góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo, thực hiện an sinh xã hội. Từ năm 2019 đến nay, tuy còn nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm cao của nhà đầu tư và sự vào cuộc quyết liệt của huyện Đông Giang, dự án Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang đã được đưa vào khai thác thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động địa phương.

Ngoài ra, huyện Đông Giang còn chủ động, mời gọi doanh nghiệp vào khảo sát, đề xuất các dự án đầu tư trên địa bàn, đặc biệt là lĩnh vực du lịch và nông, lâm nghiệp như Nhà máy Thủy điện A Vương 5; dự án nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao Tây Bà Nà tại xã Ba; Nhà máy sản xuất gạch tuynel công nghệ cao tại Cụm công nghiệp thôn Bốn, xã Ba; dự án trồng 100ha quế kết hợp xen canh gừng, nghệ trên địa bàn xã Tư; dự án trồng dược liệu theo hướng công nghệ cao (cây chi tử, cây bách bộ, cây thổ phục linh) trên địa bàn các xã Ba, Tư, A Ting và Jơ Ngây.

Ngoài ra, huyện Đông Giang còn đẩy mạnh công tác đưa người lao động trên địa bàn huyện đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Chỉ tính trong năm 2023, 45 lao động người đồng bào thiểu số tại huyện Đông Giang đã được đưa đi lao động ở nước ngoài. Dự kiến trong năm 2024 sẽ có gần 100 lao động tiếp tục được đưa đi làm việc ở nước ngoài, đặc biệt là làm việc trong ngắn hạn tại một số quốc gia đang cần số lượng lớn lao động phổ thông, như Hàn Quốc. Ngày 17/5/2024, UBND huyện Đông Giang đã có Tờ trình gửi Ban Thường vụ Huyện ủy về việc xin chủ trương để xúc tiến hợp tác đưa lao động trên địa bàn huyện Đông Giang đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc.

Ông Alăng Toi chăm sóc hươu sao lấy nhung tại trang trại.

Ông Alăng Toi chăm sóc hươu sao lấy nhung tại trang trại.

UBND huyện Đông Giang cho rằng, việc tổ chức đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc là một trong những giải pháp quan trọng và tối ưu nhất trong việc giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định và góp phần giảm nghèo, hướng đến mục tiêu thoát nghèo bền vững cho người dân. Người lao động của huyện Đông Giang được phái cử đến Hàn Quốc để làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp; công việc cụ thể do các công ty, trang trại, nhà vườn... ở quận (huyện) phân công, công việc chính là thu hoạch, trồng trọt và quản lý hoa màu nông sản, như chăm sóc vườn táo; làm việc trong các trang trại trồng các loại nấm; trồng dâu tây...

Sau khi Ban thường vụ Huyện ủy Đông Giang xem xét, có ý kiến về chủ trương, UBND huyện sẽ xúc tiến các bước tiếp theo; dự kiến hoàn thành thủ tục trình UBND tỉnh Quảng Nam và ký kết với địa phương nước bạn chậm nhất trước ngày 11/12/2024; chính thức xét chọn, ký kết đưa lao động đi làm việc có thời hạn vào trước tháng 6/2025.

Nhờ triển khai nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững mà chỉ tiêu giảm nghèo đề ra tại huyện Đông Giang đã giảm hằng năm trên 5%/ năm. Nếu cuối năm 2021, số hộ nghèo của huyện Đông Giang (theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2022-2025) là 3.905 hộ, chiếm tỷ lệ là 52,88% thì kết quả rà soát thời điểm cuối năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 37,46% với 2.878 hộ nghèo và 783 hộ cận nghèo. Thu nhập bình quân đầu người tăng dần qua các năm, đến cuối năm 2024 ước đạt 42 triệu đồng/người/năm; các chính sách an sinh xã hội được giải quyết kịp thời, không để xảy ra đói giáp hạt và trong dịp Tết, chất lượng cuộc sống của người dân ngày một tốt hơn trước.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung khai thác hiệu quả các tiềm năng lợi thế về địa hình, đất đai, thổ nhưỡng và khí hậu, bản sắc văn hóa độc đáo, đặc trưng truyền thống của đồng bào dân tộc Cơ Tu để thu hút kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp có tiềm năng, có uy tín đến khảo sát, nghiên cứu đầu tư các dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa cộng đồng và các dự án nông nghiệp công nghệ cao; chuyển dần lao động tại chỗ, lao động trong nước sang nước ngoài làm việc… Qua đó góp phần quan trọng vào công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững cho người dân địa phương”, ông A Vô Tô Phương nhấn mạnh.

Ngọc Thi

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/dong-giang-giam-ngheo-ben-vung-i737343/