Đồng hành cùng nhà nông
Bám sát định hướng của ngành nông nghiệp trong thực hiện cơ cấu lại ngành thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tích cực phối hợp tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chú trọng triển khai xây dựng dự án, mô hình gắn với nhu cầu thực tế của nông dân, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh.
Ông Công Xuân Ngọc, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết: Từ nguồn vốn của Trung ương và ngân sách tỉnh, năm 2023, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai mới và tiếp tục triển khai 7 mô hình, dự án về trồng thâm canh cây ăn quả có múi an toàn, theo hướng hữu cơ cho nông dân xã Tân Lang và Mường Thải, huyện Phù Yên, với quy mô 3 ha; mô hình nuôi bò đực giống, quy mô 5 con cho các hộ xã Chiềng Khay, huyện Quỳnh Nhai; nuôi gà bản địa thương phẩm (giống gà H’mông), quy mô 2.000 con tại xã Bắc Phong, huyện Phù Yên và dự án “Xây dựng mô hình tái canh cà phê Arabica, đào tạo nông dân và các hỗ trợ khác về sản xuất cà phê Arabica nhằm tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu” với diện tích 30 ha, thực hiện trên địa bàn huyện Thuận Châu, Mai Sơn và Thành phố...
Anh Nguyễn Đại Phong, bản Yên Sơn 1, xã Yên Sơn, huyện Yên Châu, một trong những hộ dân được hỗ trợ mô hình trồng dứa, cho biết: Chúng tôi được hỗ trợ giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật. Đồng thời, được kết nối với Trung tâm chế biến rau, quả Doveco Sơn La thu mua sản phẩm dứa cho gia đình theo giá thị trường. Đầu ra sản phẩm đảm bảo, chúng tôi yên tâm sản xuất hơn.
Bên cạnh thực hiện các mô hình trình diễn, hệ thống khuyến nông còn có nhiệm vụ thông tin tuyên truyền; đào tạo tập huấn, hướng dẫn người dân các biện pháp quản lý dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và tư vấn dịch vụ khuyến nông. Anh Lò Văn Sam, xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn, chia sẻ: Gia đình tôi trồng chanh leo nhiều năm nay, thường xuyên bị sâu bệnh, năng suất không ổn định. Cán bộ khuyến nông tỉnh đã trực tiếp xuống hướng dẫn kỹ thuật, xử lý, khắc phục cũng như tuyên truyền kỹ năng phòng tránh sâu bệnh hại trên cây chanh leo. Theo đó, nhiều loại bệnh phổ biến như đốm mắt cua, bệnh vết loang dầu và bệnh phấn trắng đã được xử lý.
Triển khai Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng” của Bộ Nông nghiệp và PTNT, đến nay, toàn tỉnh thành lập thí điểm 2 tổ khuyến nông cộng đồng trên địa bàn huyện Mai Sơn và Thuận Châu; Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố thành lập 8 tổ khuyến nông cộng đồng mở rộng. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đưa từ khóa “Khuyến nông cộng đồng” đến nhiều hơn với nông dân Sơn La theo phương châm “Ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông” với nhiệm vụ tư vấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân; hướng dẫn tư vấn, hỗ trợ xây dựng kế hoạch sản xuất, tập huấn kỹ thuật, liên kết nông dân với doanh nghiệp, giải quyết vấn đề đầu ra cho nông sản.
Bám sát nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi cây trồng; xây dựng các mô hình trình diễn, áp dụng tiến bộ kỹ thuật để giảm chi phí, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Đồng thời, liên kết doanh nghiệp, mở rộng vùng nguyên liệu, tạo hiệu ứng phát triển tích cực cho nông nghiệp.
Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/dong-hanh-cung-nha-nong-zgTMIpcSR.html