Đồng hành cùng trẻ phục hồi chức năng

Không may mắn như những bạn cùng trang lứa được vui vẻ, chơi đùa thỏa thích, những trẻ em điều trị tại Khoa Phục hồi chức năng – Đông y (Bệnh viện Nhi Thanh Hóa) phải hằng ngày làm bạn với những dụng cụ thăng bằng, những bài tập phục hồi đau đớn, mệt mỏi.

Nhân viên y tế tại Khoa Phục hồi chức năng - Đông y luyện tập cho bệnh nhân nhi.

Nhân viên y tế tại Khoa Phục hồi chức năng - Đông y luyện tập cho bệnh nhân nhi.

Đứng trước cửa Khoa Phục hồi chức năng - Đông y, chứng kiến những trẻ em đau đớn khóc ngằn ngặt trước các bài tập phục hồi chắc hẳn ai cũng không khỏi xót xa. Trong căn phòng vận động, hai mẹ con chị Nguyễn Thị Vy (Hoằng Hóa) đang luyện tập cùng kỹ thuật viên. Chị Nguyễn Thị Vy chia sẻ: “Bé bị ngạt từ trong bụng mẹ, sau sinh cháu được chẩn đoán là tổn thương não. Từ 6 tháng tuổi cháu đã điều trị tại Khoa Phục hồi chức năng - Đông y. 3 năm nay, tôi đã nghỉ làm để đưa con xuống viện điều trị hàng ngày, với mong muốn giúp con phục hồi tốt hơn”.

Nhìn bé gái thân hình nhỏ bé cùng cái cổ yếu ớt và ngón tay, ngón chân co quắp đang cố gắng gồng mình để thoát khỏi sự đau đớn về thể xác từ những bài tập vận động cùng người mẹ gầy gò, đôi mắt đượm buồn, chúng tôi có thể hiểu được phần nào sự vất vả của hai mẹ con chị Nguyễn Thị Vy. Bao nhiêu tháng ngày con nằm viện điều trị là bấy nhiêu thời gian hai mẹ con chị Vy xa nhà, gắn bó với bệnh viện.

Kỹ thuật viên Trần Thị Thu Hà, người luyện tập cho con chị Nguyễn Thị Vy, chia sẻ: "Những trẻ điều trị tại khoa đều là những trẻ mắc bệnh mãn tính, phải gắn bó với bệnh viện lâu dài. Điều này khiến cho nhiều gia đình trở nên khó khăn hơn. Điều trị cho các bé, chúng tôi không chỉ đơn thuần là những kỹ thuật viên với bệnh nhân, mà chúng tôi luôn dành tình cảm yêu thương, sự đồng cảm sẻ chia đối với bệnh nhân nhi và gia đình của bé. Chúng tôi thường kiên nhẫn luyện tập cùng bé; chia sẻ, động viên để bé và gia đình cố gắng vượt lên nỗi đau bệnh tật".

..Trẻ điều trị tại khoa thường là chậm mốc phát triển thần kinh vận động, chậm nói, chậm đi, chậm vận động; trẻ bại não, di chứng viêm não; trẻ có các dị tật bẩm sinh như: tổn thương đám rối thần kinh cánh tay, u sơ cơ ức đòn chũm, cứng đa khớp; di chứng sẹo bỏng...

Tại Phòng Ngữ âm - trị liệu, Kỹ thuật viên Nguyễn Thị Hà đang luyện tập cho bé trai khoảng 5 tuổi. Đây có lẽ là căn phòng điều trị mà các bé ít phải chịu đau đớn nhất. Các bé luyện tập tại đây chủ yếu là tập nói, rèn luyện tư duy ngôn ngữ. Chị Nguyễn Thị Hà cho biết: Mỗi bệnh nhân có một cách điều trị, tiếp cận khác nhau. Bé chậm nói đơn thuần thì dễ dàng tiến bộ hơn. Còn những bé bại não thì việc tập nói, luyện tư duy ngôn ngữ sẽ chậm hơn. Như bé Nguyễn N.D. 4 tuổi ở Quảng Xương, bị bại não, mẹ phải nghỉ làm để chăm sóc, nuôi dưỡng và đưa em đi điều trị tại bệnh viện. Em đã điều trị khoảng 2 năm tại khoa. Thường sau khi tập vận động em sẽ tập âm ngữ trị liệu.

Chia sẻ về hoàn cảnh của các bệnh nhân điều trị tại khoa, kỹ thuật viên Nguyễn Thị Hà cho biết: “Các bé điều trị tại khoa đều có hoàn cảnh khó khăn, thường bố hoặc mẹ phải nghỉ làm để theo bé đi điều trị. Hiểu được những thiệt thòi của các bệnh nhân và hoàn cảnh gia đình bệnh nhân, nhân viên y, bác sĩ, kỹ thuật viên trong khoa luôn tự nhủ phải kiên trì, nhẫn nại, chịu khó luyện tập cho các bé. Đặc biệt, phải luôn dành tình yêu thương cho các em”.

Được biết, Khoa Phục hồi chức năng - Đông y thường điều trị cho 90 - 100 bệnh nhân nội trú, ngoại trú và 20 - 30 bệnh nhân điều trị tại giường ở các khoa. Bác sĩ CK1, Lường Văn Hưng, Trưởng khoa Phục hồi chức năng - Đông y, cho biết: Trẻ điều trị tại khoa thường là chậm mốc phát triển thần kinh vận động, chậm nói, chậm đi, chậm vận động; trẻ bại não, di chứng viêm não; trẻ có các dị tật bẩm sinh như: tổn thương đám rối thần kinh cánh tay, u sơ cơ ức đòn chũm, cứng đa khớp; di chứng sẹo bỏng... Mỗi trẻ sẽ được bác sĩ khám, đưa ra phác đồ điều trị phù hợp như vận động trị liệu, hoạt động trị liệu, can thiệp ngôn ngữ trị liệu, vật lý trị liệu. Thời gian điều trị thường kéo dài và phần lớn bệnh nhân đều có hoàn cảnh khó khăn.

“Các bé điều trị tại khoa đều có hoàn cảnh khó khăn, thường bố hoặc mẹ phải nghỉ làm để theo bé đi điều trị. Hiểu được những thiệt thòi của các bệnh nhân và hoàn cảnh gia đình bệnh nhân, nhân viên y, bác sĩ, kỹ thuật viên trong khoa luôn tự nhủ phải kiên trì, nhẫn nại, chịu khó luyện tập cho các bé. Đặc biệt, phải luôn dành tình yêu thương cho các em”.

Để đồng hành cùng những bệnh nhân điều trị phục hồi chức năng, các y, bác sĩ, kỹ thuật viên tại Khoa Phục hồi chức năng - Đông y xác định mỗi người luôn nhẹ nhàng, kiên nhẫn và thấu hiểu để trở thành những người bạn, người mẹ thứ hai hiểu tâm tư, tình cảm, tính cách và sự phát triển của các em. Bởi, những bé ấy phải chiến đấu hàng ngày với cơn đau, thời gian ở viện nhiều hơn ở nhà. Các em cũng như gia đình cần có tinh thần, ý chí và kinh tế để chiến đấu với bệnh tật. Đồng thời, các y, bác sĩ thường xuyên tuyên truyền, vận động để gia đình, người thân hiểu về bệnh của bé, đưa bé đi điều trị đều đặn; tư vấn cách chăm sóc, hỗ trợ bé khi ở gia đình. Khuyến khích cha mẹ quan sát và tham gia cùng điều dưỡng hướng dẫn, hỗ trợ trẻ trong các hoạt động. Từ đó, để gia đình trẻ nhận thức đầy đủ về vấn đề của con em mình và chăm sóc trẻ một cách hiệu quả ngay tại nhà.

Cùng với đó, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa đã thường xuyên kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ những suất cơm miễn phí và quà, tiền cho các bệnh nhân nhi đang điều trị tại Khoa Phục hồi chức năng - Đông y. Đồng thời, tổ chức các hoạt động vui chơi, tặng quà nhân các dịp lễ, tết để những bệnh nhi gắn bó với bệnh viện thấy gần gũi, thân thiết, yên tâm điều trị bệnh.

Bài và ảnh: Thùy Linh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/dong-hanh-cung-tre-nbsp-phuc-hoi-chuc-nang-228273.htm