Đồng hành đưa nông nghiệp Việt Nam vươn lên mạnh mẽ
Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (One Commune One Product - OCOP) được ra đời với mục đích giúp cho sức mạnh nội tại của nông nghiệp địa phương được hỗ trợ và đẩy mạnh. Cũng từ lý do này, Báo Nhân Dân cho ra mắt Chuyên trang về OCOP với mong muốn góp phần đồng hành để giúp nông nghiệp Việt Nam có bước tiến mạnh mẽ và vươn tầm thế giới.
Chương trình OCOP - Mỗi xã một sản phẩm ra đời với mục đích khuyến khích các chủ thể sản xuất, kinh doanh ở nông thôn khai thác tiềm năng về đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị truyền thống của địa phương để nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập và góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần ở nông thôn.
Đồng thời, phát triển kinh tế nông thôn theo hướng tổ chức sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị đối với các nhóm sản phẩm đặc sản có lợi thế ở làng, xã trong lĩnh vực nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ trên địa bàn nông thôn, nhất là chú trong phát triển các nghề, làng nghề truyền thống.
Cùng với đó, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, tổ chức lại sản xuất, cơ cấu lại sản xuất ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, sáng tạo ở nông thôn.
Chương trình quốc gia "Mỗi xã một sản phẩm" với mục tiêu phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực, gia tăng giá trị đầu tiên được Việt Nam triển khai trên toàn quốc từ năm 2018 tại Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.
Đây là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhằm thực hiện bền vững các tiêu chí về sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân. Trọng tâm chương trình là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế tại mỗi địa phương theo chuỗi giá trị do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện.
Một trong những thành công quan trọng của OCOP là tạo được sinh kế cho người dân ở nhiều địa phương, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vừa phát triển kinh tế nhưng cũng đồng thời bảo tồn, phát huy được văn hóa bản địa và bảo vệ được môi trường sinh thái.