Đồng hành với thành công của con

Nhiều cha mẹ tự hỏi, liệu họ có thể làm gì để giúp con mình thành công ở trường.

Để thành công ở trường, trẻ cần được nghỉ ngơi đầy đủ cũng như có một chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Để thành công ở trường, trẻ cần được nghỉ ngơi đầy đủ cũng như có một chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Việc biết mình nên cung cấp sự hỗ trợ như thế nào không phải điều dễ dàng. Bởi, quá nhiều sự giúp đỡ có thể dễ dẫn đến việc trẻ gặp khó khăn, thất vọng hoặc choáng ngợp trước các thử thách ở trường.

Đặt kỳ vọng tích cực

Bà Maleka Allen - cố vấn trường học ở Portland, Oregon (Mỹ) với hơn 18 năm kinh nghiệm làm việc với trẻ em từ mẫu giáo đến lớp 12, gợi ý rằng, phụ huynh và con nên đặt ra một số kỳ vọng, thói quen cũng như mục tiêu cho năm học. Bà Allen khuyến nghị, cả hai bên nên suy nghĩ về những kết quả mà trẻ muốn hướng tới, dù đó là đọc sách theo chương, hoàn thành bài tập về nhà đúng hạn, phát biểu nhiều hơn trong lớp hay đạt điểm A.

Song, theo nữ cố vấn này, kỳ vọng cũng như mục tiêu của phụ huynh và học sinh có thể khác nhau. Phụ huynh nên hài lòng với điều đó. Đồng thời, nên tìm điểm chung và phù hợp với lứa tuổi của con. Như vậy, trẻ sẽ cảm thấy được lắng nghe, có động lực về các mục tiêu liên quan đến trường học.

Ngoài ra, hãy lưu ý rằng, sự thông minh và điểm cao không phải lúc nào cũng đi đôi với nhau. Việc tập trung quá nhiều vào điểm số hoặc thành tích có thể gây căng thẳng. Điều đó cũng có thể cản trở việc học tập cũng như sự năng động của trẻ. Thay vào đó, cha mẹ hãy tôn trọng khả năng của con.

Thiết lập thói quen làm bài tập về nhà

Cha mẹ cần giúp trẻ có một thói quen tốt về cách thức, địa điểm và thời gian làm bài tập ở trường. “Việc thiết lập thời gian và không gian làm việc tốt cũng rất quan trọng. Trẻ cần làm bài tập về nhà ở một khu vực riêng, không bị phân tâm. Lý tưởng nhất là bên ngoài giường và phòng ngủ. Điều đó có thể thúc đẩy khả năng hoàn thành bài tập về nhà cũng như giúp trẻ ngủ ngon hơn”, bà Allen gợi ý.

Lưu ý rằng, mặc dù có nhiều sự thổi phồng về mối liên hệ tích cực được cho là giữa không gian làm việc lộn xộn và tính sáng tạo, nhưng các nhà nghiên cứu đã không tìm thấy sự khác biệt đáng kể. Số lượng và chất lượng bài tập về nhà sẽ khác nhau khá nhiều giữa các học sinh tùy thuộc vào cấp lớp, phong cách học tập và trường học của trẻ. Nói chung, những đứa trẻ nhỏ hơn có thể không có bài tập về nhà hoặc dưới một giờ làm bài tập về nhà mỗi tối.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, khối lượng quá lớn bài tập về nhà có thể làm giảm giấc ngủ của học sinh, thời gian dành cho gia đình, hoạt động ngoại khóa và đời sống xã hội. Thực tế, quá nhiều bài tập về nhà không phải lúc nào cũng giúp cải thiện thành tích của trẻ.

Do đó, cha mẹ hãy chắc chắn rằng, trẻ đã sẵn sàng với tất cả bài tập về nhà mà chúng cần. Phụ huynh cần dạy trẻ sử dụng một bảng kế hoạch để theo dõi các bài tập, sắp xếp ngăn nắp và quản lý thời gian một cách khôn ngoan. Thực hành viết ra các bài tập và đánh dấu những mục khi hoàn thành để củng cố kỹ năng này.

Cha mẹ cần giúp trẻ có thói quen tốt trong việc làm bài về nhà.

Cha mẹ cần giúp trẻ có thói quen tốt trong việc làm bài về nhà.

Thảo luận thường xuyên với giáo viên

Nếu phụ huynh lo lắng về số lượng bài tập về nhà mà con mình được giao, hãy hỏi giáo viên của trẻ. Nếu nghĩ rằng, trẻ phải làm quá nhiều bài tập về nhà, cha mẹ hãy cho giáo viên của con biết. Ngoài ra, hãy chia sẻ những lo ngại về sự khác biệt trong học tập hoặc các vấn đề xã hội - tình cảm – yếu tố có thể ảnh hưởng đến sự thành công ở trường của trẻ. Thực tế, giao tiếp hiệu quả giữa phụ huynh và giáo viên đã được chứng minh là công cụ giúp nâng cao thành tích của học sinh.

Theo bà Allen, trong hầu hết trường hợp, giáo viên và nhân viên khuyến khích phụ huynh giao tiếp ở tất cả các cấp lớp. Đối với trẻ lớn hơn, nhiều giáo viên sẽ nhắc học sinh liên hệ trước. Song, ngay cả với học sinh trung học, phụ huynh có thể liên hệ với nhà trường nếu có bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc nào. Tuy nhiên, một số trẻ không thân thiện với giáo viên như các bạn cùng lứa. Vì vậy, sẽ có ích khi cha mẹ can thiệp để chia sẻ thông tin thích hợp, chẳng hạn như bất kỳ khó khăn nào ở nhà, bệnh tật, vấn đề với bạn bè hoặc tình hình cụ thể về bài tập về nhà của trẻ.

Nuôi dưỡng thói quen ngủ lành mạnh

Để thành công ở trường, trẻ cần được nghỉ ngơi đầy đủ cũng như có một chế độ dinh dưỡng hợp lý. Các nghiên cứu cho thấy, những trẻ ngủ đủ giấc hằng đêm sẽ học tốt hơn ở trường. Trong khi đó, cả những người ngủ quá ít hay quá nhiều đều có xu hướng học kém.

Hiệp hội Nhi khoa Mỹ (AAP) khuyến nghị, trẻ từ 3 đến 5 tuổi nên dành 10 đến 13 giờ để ngủ (kể cả ngủ trưa). Con số này ở trẻ từ 6 đến 12 tuổi là 9 đến 12 giờ. Trong khi đó, trẻ từ 13 đến 18 tuổi nên ngủ 8 đến 10 giờ. Ngoài ra, AAP khuyên trẻ nên hạn chế thời gian sử dụng thiết bị điện tử (bao gồm cả thời gian làm bài tập về nhà) tối thiểu 30 phút trước khi đi ngủ để có thể ngon giấc. Các thói quen tích cực khác bao gồm một khung thời gian nhất quán, ngủ trong phòng tối, mát mẻ, thoải mái, yên tĩnh và hạn chế các hoạt động khác trong phòng ngủ.

Đôi khi, cha mẹ cần để trẻ mắc sai lầm.

Đôi khi, cha mẹ cần để trẻ mắc sai lầm.

Giúp đỡ - Cản trở

Với những đứa trẻ nhỏ hơn, cha mẹ có thể cần hỗ trợ con trực tiếp khi làm bài tập về nhà, bao gồm xem lại hướng dẫn hoặc cùng bé làm bài tập. Ngoài ra, các nghiên cứu cho thấy, một trong những điều có tác động lớn nhất mà cha mẹ có thể làm đối với việc giáo dục con mình là đọc sách cho chúng nghe. Đồng thời, cha mẹ nên khuyến khích trẻ đọc một cách độc lập. Điều này đúng với trẻ sơ sinh cho đến khi vào trung học.

Khi học sinh tiến bộ trong trường học, chúng thường có khả năng làm bài tập một cách độc lập hơn. Tuy nhiên, theo bà Allen, trẻ vẫn có thể cần một số hướng dẫn về cách bắt đầu và lập kế hoạch, cũng như sự giám sát để giúp thực hiện nhiệm vụ.

Ở bất kỳ cấp học nào, nếu cần thêm trợ giúp, hoặc trong trường hợp cha mẹ không hiểu bài tập về nhà của con, thì hãy liên hệ với giáo viên để được hỗ trợ thêm. Cha mẹ cũng có thể hỏi ý kiến của con mình. Bà Allen nói: “Hãy giữ khoảng trống đó bằng cách hỏi nhu cầu chưa được đáp ứng của trẻ là gì. Cố gắng lắng nghe con và không phán xét”. Theo các nghiên cứu về mối liên hệ giữa thành tích học tập và sự tham gia của cha mẹ, chìa khóa ở đây có thể là cách phụ huynh giúp đỡ trẻ.

Tin tưởng trẻ

Vì vậy, làm thế nào cha mẹ có thể tìm được sự cân bằng hợp lý giữa việc gắn bó và giúp đỡ, nhưng không tỏ ra hống hách hoặc kiểm soát trẻ? Theo bà Allen, đây là một câu hỏi tuyệt vời. Nữ cố vấn này cho biết, cha mẹ thường sợ để con mắc lỗi. Nỗi sợ hãi này có thể khiến cha mẹ quản lý quá chặt hoặc tham gia vào bài tập về nhà đến mức trẻ không học được.

Ngoài ra, phụ huynh hãy cố gắng hạn chế áp lực đặt lên con mình. Căng thẳng học tập quá mức có thể phản tác dụng. Từ đó, gây ra tình trạng kiệt sức, thất vọng, hạ thấp lòng tự trọng, thành tích học tập kém hoặc thậm chí là các vấn đề sức khỏe tâm thần như trầm cảm và lo lắng.

Hãy để trẻ phạm sai lầm

“Khi nghĩ về những chặng đường học tập lớn nhất đã trải qua, tôi cho rằng, đó là khi mình mắc sai lầm”, bà Allen nói. Theo bà, cha mẹ sợ để học sinh học từ những hệ quả tự nhiên. Song, đó thường là lúc trẻ học nhiều nhất. Thay vì dựa trên nỗi sợ hãi, cha mẹ hãy để trẻ học hỏi từ bất kỳ tình huống nào mà chúng gặp phải.

Điều quan trọng là cha mẹ cần biết khi nào nên lùi lại. Bà Allen cho biết: “Nếu đang làm việc chăm chỉ hơn con mình, đã đến lúc phụ huynh cần buông tay. Trẻ sẽ nói rằng, chúng chưa sẵn sàng cho tất cả công việc”. Trong những trường hợp này, cha mẹ vẫn có thể đặt những kỳ vọng cao. Song, điều quan trọng là phải lắng nghe những thông điệp mà trẻ muốn gửi.

Tập trung vào giải pháp

Thay vì khắc phục những gì trẻ đã làm sai (như quên sách ở trường), cha mẹ hãy cố gắng giúp chúng tìm ra con đường phía trước. Bà Allen gợi ý: “Phụ huynh hãy đặt câu hỏi về những gì cần thiết và các nhu cầu chưa được đáp ứng. Điều quan trọng cần biết là mọi thử thách không có nghĩa là “cố định”. Có thể, thời gian là yếu tố cần thiết để học sinh trưởng thành”.

Cha mẹ cần dành thời gian để khám phá những trở ngại mà trẻ có thể gặp phải. Đồng thời, tìm ra giải pháp nào phù hợp nhất với trẻ. Quan trọng nhất, đừng mong đợi con mình giống như tất cả các bạn cùng lứa, hoặc đạt được tiêu chuẩn không phù hợp với tài năng của trẻ. Thay vào đó, bà Allen khuyến nghị, tập trung vào việc nuôi dưỡng niềm yêu thích học tập và các kỹ năng sẽ giúp trẻ đạt được mục tiêu của mình.

Theo Very well family

Kim Dung

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dong-hanh-voi-thanh-cong-cua-con-post650563.html