Động lực phát triển nông nghiệp, nông thôn

PTĐT - Cùng với các chủ trương, chính sách của Trung ương, những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong sản xuất, trở thành 'đòn bẩy' giúp khu vực kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển.

- Mô hình liên kết sản xuất lúa chất lượng cao (J02) theo chuỗi giữa UBND xã Cao Xá, huyện Lâm Thao với Công ty cổ phần giống - vật tư nông nghiệp công nghệ cao cho hiệu quả cao.- Đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng khâu thu hoạch.

- Mô hình liên kết sản xuất lúa chất lượng cao (J02) theo chuỗi giữa UBND xã Cao Xá, huyện Lâm Thao với Công ty cổ phần giống - vật tư nông nghiệp công nghệ cao cho hiệu quả cao.- Đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng khâu thu hoạch.

Những năm qua, nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở các chủ trương, chính sách của Trung ương, giai đoạn 2015-2020 tỉnh đã ban hành, triển khai nhiều cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch cùng các văn bản chỉ đạo, điều hành về phát triển nông nghiệp, nông thôn phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Trong đó tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, có cơ chế đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Thông qua các cơ chế, chính sách, người nông dân được hỗ trợ về giống; công nghệ; hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật; hỗ trợ về đất đai; tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi… Đồng thời vận dụng có hiệu quả các cơ chế, chính sách, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước vào tình hình thực tiễn địa phương, triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển, các chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM); giảm nghèo bền vững; đào tạo nghề cho lao động nông thôn... lồng ghép với các chương trình đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; chính sách miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, thủy lợi phí; chính sách tín dụng…
Bên cạnh tập trung phát triển sản xuất, tỉnh luôn quan tâm, chú trọng thu hút đầu tư vào phát triển nông nghiệp. Tích cực đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn. Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đã thu hút 85 dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó: 73 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư 3.466 tỷ đồng, có 27 dự án đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với số vốn đăng ký đầu tư 2.166 tỷ đồng. Các cơ chế, chính sách được triển khai sâu rộng đã tạo điều kiện cho các địa phương đẩy mạnh ứng dụng KH-KT vào sản xuất, nhờ đó nông nghiệp có nhiều bước phát triển đáng ghi nhận, sản xuất nông nghiệp dịch chuyển theo hướng từ “lượng” sang “chất”; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, tạo động lực đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho người dân nông thôn; ổn định tình hình kinh tế - xã hội, trật tự an ninh, qua đó củng cố và giữ vững niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đóng góp tích cực vào quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tại nhiều địa phương. Hiện tỷ trọng kinh tế nông nghiệp chiếm khoảng 20% cơ cấu kinh tế chung của tỉnh với mức tăng trưởng bình quân sản xuất nông nghiệp đạt trên 4,5%/năm; giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác nông, lâm, thủy sản bình quân ước đạt trên 103,6 triệu đồng/ha, thu nhập bình quân của người dân khu vực nông thôn ước đạt 32 triệu đồng/người/năm.

Nhờ chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp đã tạo điều kiện phát triển sản xuất quy mô tập trung, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.- Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng cho hiệu quả kinh tế cao tại HTX Thanh Minh, xã Thanh Minh, thị xã Phú Thọ.

Nhờ chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp đã tạo điều kiện phát triển sản xuất quy mô tập trung, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.- Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng cho hiệu quả kinh tế cao tại HTX Thanh Minh, xã Thanh Minh, thị xã Phú Thọ.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các cơ chế, chính sách còn gặp không ít khó khăn, thách thức. Một số cơ chế, chính sách khi đưa vào thực tiễn gặp vướng mắc về thủ tục, đất đai, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Kết quả một số chương trình hỗ trợ sản xuất chưa tương xứng với tiềm năng. Một số cơ chế như: Hỗ trợ giống chè, bưởi Diễn, dồn đổi ruộng đất… có nhu cầu lớn nhưng chưa đáp ứng điều kiện về diện tích, đối tượng thụ hưởng. Các chính sách về nông nghiệp, nông thôn của tỉnh đôi khi chưa đồng bộ; việc đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ ở nông thôn chưa theo kịp nền sản xuất hàng hóa lớn; mức hỗ trợ chưa cao nên chưa thu hút được nhiều đối tượng tham gia, kết quả thực hiện dồn đổi ruộng đất vẫn còn hạn chế.Bên cạnh đó, một số chính sách chủ yếu tập trung hỗ trợ vật tư đầu vào, chưa chú trọng nhiều đến việc hỗ trợ đổi mới áp dụng các kỹ thuật tiên tiến sản xuất, tổ chức sản xuất, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm… Nguyên nhân chủ yếu được xác định do đặc điểm, điều kiện thổ nhưỡng không đồng đều, ruộng đất phân tán, dẫn đến tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Mặt khác, sản xuất, nông lâm nghiệp, thủy sản thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão, lũ, dịch bệnh nên hiệu quả đầu tư sản xuất nông nghiệp chưa cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn còn thiếu và chưa đồng bộ, gây hạn chế ứng dụng tiến bộ KH-KT vào sản xuất. Tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, trình độ nhận thức của một bộ phận nông dân còn hạn chế, gây khó khăn trong công tác tích tụ ruộng đất để thu hút đầu tư, liên kết sản xuất…Từ kết quả thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, thời gian tới, tỉnh đề ra nhiều giải pháp đồng bộ, hướng đến mục tiêu thúc đẩy tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nông thôn theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng, năng lực các sản phẩm lợi thế, đặc trưng của tỉnh. Tập trung đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất gắn với đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại. Phát triển các ngành công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến mọi tầng lớp nhân dân. Bà Nguyễn Thị Mai - Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở NN&PTNT cho biết: Thời gian tới, Phòng sẽ chủ động tham mưu cho Sở xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách khuyến khích, phương án hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, tập trung vào các chương trình cụ thể: Hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu chè xanh Phú Thọ; phát triển cây bưởi; phát triển rừng sản xuất; khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tập trung vào các khâu khó, khâu mới như: Ứng dụng công nghệ cao; sản xuất theo quy trình an toàn; xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu; xúc tiến thương mại đến khi đạt được mục tiêu theo chương trình, dự án đề ra.

THÙY PHƯƠNG

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/201912/dong-luc-phat-trien-nong-nghiep-nong-thon-168128