Dòng Ngàn Sâu nặng tình 'từ mẫu'

'Những bữa cơm, giấc ngủ và cả những kỳ nghỉ phép thường không trọn vẹn đó là 'chuyện thường ngày ở huyện ' của các thầy thuốc Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Hà Tĩnh làm nhiệm vụ ở bản Rào Tre (xã Hương Liên, huyện Hương Khê)'.

Lời của Thượng tá Hồ Năng Bảo, Phó chủ nhiệm Chính trị BĐBP tỉnh Hà Tĩnh đưa chúng tôi từ TP Hà Tĩnh ngược dòng sông La, dưới chân dãy núi Giăng Màn thuộc dãy Trường Sơn heo hút gió mây để gặp những con người ấy…

Bữa cơm không trọn

Trong tiết trời mùa xuân, xã Hương Liên chìm trong không khí mát rượi và vẻ xanh mướt của cây rừng. Nơi đây, con sông Ngàn Sâu bắt nguồn từ núi Ông Giao Thừa (cao 1.100m) và núi Cũ Lân (cao 1.014m) thuộc dải Trường Sơn đi qua hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình lặng lẽ đưa dòng nước nguồn xanh trong tưới mát đồng đất phía hạ nguồn. Anh Bảo tươi cười nói: “Từ ngày đưa đồng bào dân tộc Chứt đến bản Rào Tre định cư, Hương Liên được sự quan tâm của các ngành, các cấp nên những năm gần đây rất khởi sắc, điện, đường, trường, trạm đầy đủ. Thời gian đầu khi nhận nhiệm vụ cắm bản, bảo tồn dân tộc Chứt, cán bộ, chiến sĩ BĐBP phải vượt sông, vượt suối, đi bộ nhiều giờ để ra, vào giúp đồng bào”.

 Đại úy QNCN, y sĩ Nguyễn Đức Long khám bệnh cho người dân tộc Chứt ở bản Rào Tre.

Đại úy QNCN, y sĩ Nguyễn Đức Long khám bệnh cho người dân tộc Chứt ở bản Rào Tre.

Cán bộ, chiến sĩ Tổ công tác bản Rào Tre tiếp đón chúng tôi bằng bữa cơm giản dị với những món ăn cây nhà lá vườn. Bữa cơm hôm ấy còn có sự hiện diện của Bí thư Đảng ủy xã Hương Liên Đinh Xuân Thường. Anh Thường đến tổ công tác liên hệ công việc và cũng nhận lời ở lại dùng cơm với chúng tôi. Mâm cơm vừa dọn ra, thì từ phía cổng, một bé gái hớt hải chạy đến: “Chú Long ơi! Cứu ông cháu với!”. Nghe tiếng gọi, buông bát cơm chưa kịp ăn, Đại úy QNCN, y sĩ Nguyễn Đức Long đến hỏi chuyện bé gái và được biết, ông Hồ Hóa bỗng nhiên bị ngã, ngất lịm. Vớ vội túi thuốc và một số dụng cụ y tế, anh Long lên đường ngay. Trung tá Dương Thanh Tịnh, Đội trưởng Đội Công tác BĐBP Rào Tre nhìn theo bóng đồng đội và tâm sự: "Ở đây, những y sĩ, bác sĩ cắm bản vất vả lắm. Vừa phải trực ở tổ để khám, chữa bệnh, vừa phải đi cấp cứu và đến từng nhà theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào. Vì thế, bữa cơm bỏ dở, giấc ngủ không trọn vẹn là chuyện thường xảy ra đối với đội ngũ thầy thuốc. Thậm chí được phép về với gia đình, nhưng ai cũng trả phép sớm vì lo chẳng may có bà con đau ốm, sẽ không có ai điều trị".

Phần thưởng quý nhất là sự thương mến của nhân dân

Từ lúc y sĩ Nguyễn Đức Long đi cứu người, không ai bảo ai, tất cả đều buông đũa chuyển sang chuyện trò để đợi anh Long trở về. Trò chuyện với các anh, chúng tôi được biết: Đồng bào dân tộc Chứt có lối sống rất đặc biệt, “đói không lo, no không mừng”. Ban ngày thì ngủ, còn ban đêm bà con vào rừng săn bắt. Lối sống biệt lập và lạc hậu, cộng thêm hôn nhân cận huyết thống nên sức khỏe người dân tộc Chứt rất yếu và hay bị ốm đau. Ví như, khi người phụ nữ đến kỳ sinh nở là vào rừng, đến nơi đã chuẩn bị lương thực, thực phẩm từ trước để tự vượt cạn. Nếu sinh xong, sau một tháng, người mẹ mới được bế con về (trong điều kiện bình thường). Nếu chẳng may trong gia đình có người bị đau ốm thì nhờ thầy cúng đến đuổi con ma rừng… “Phong tục tập quán lạc hậu như một rào cản, ngăn đồng bào đến với cuộc sống văn minh. Nên để đi vào được lòng đồng bào phần lớn là nhờ đội ngũ y, bác sĩ cắm bản”, Trung tá Dương Thanh Tịnh cho hay.

Nhắc đến đây, ánh mắt anh Tịnh bỗng man mác nỗi buồn, rồi tâm sự tiếp: “Để có được sự thay đổi trong nhận thức và cuộc sống của đồng bào như bây giờ là nhờ công của Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Nam Giang. Anh Giang rất giỏi về chuyên môn và rất trách nhiệm, tận tụy trong công việc. Tiếc rằng, anh Giang bị mắc bệnh hiểm nghèo và đã mất vào đầu năm 2019".

Anh Tịnh vừa dứt lời, anh Thường xúc động nói tiếp: "Đối với đồng bào dân tộc Chứt, khi có người chết đi họ coi là chuyện bình thường và không bao giờ khóc. Vậy mà khi nghe tin anh Giang mất, đồng bào dân tộc Chứt và nhân dân xã Hương Liên ai cũng khóc".

Kỷ niệm và ân tình về bác sĩ Giang như nước nguồn dòng Ngàn Sâu không cạn trong lòng đồng đội, cũng như nhân dân xã Hương Liên. Năm 2007, vừa đến nhận nhiệm vụ tại bản Rào Tre, bác sĩ Giang đã dành nhiều thời gian vào từng hộ đồng bào dân tộc Chứt để nắm bắt tình hình. Ngày ấy, đồng bào vẫn chưa một lần đến bệnh viện hay tin tưởng vào y học hiện đại. Cho vào nhà đấy, tiếp chuyện đấy, nhưng nói đến khám bệnh hay cầm viên thuốc uống là đồng bào không đồng ý. Lần một nói không được, lần hai chưa ưng... bác sĩ Giang vẫn tận tình, kiên trì đến khuyên giải và vận động đồng bào. Lâu dần, đồng bào bị bệnh uống thuốc của bộ đội thấy khỏe mạnh, thế là dần ưng cái bụng. Đặc biệt, khi biết chị Hồ Thị Lìn đẻ ngược, bác sĩ Giang cùng anh em trong đội đến vận động đưa về bệnh xá để mổ. Nhờ vậy, mẹ con Hồ Thị Lìn được cứu sống. Bé gái Hồ Thị Lài ngày đó, giờ sức khỏe tốt và đang học lớp 7 ở Trường Dân tộc nội trú tỉnh Hà Tĩnh. Hay đợt thầy cúng Hồ Púc bị sốt rét ác tính, bác sĩ Giang cũng đến tận nhà thuyết phục ông chữa trị. Sau lần chữa khỏi cho thầy cúng Hồ Púc, tiếng lành đồn xa, đồng bào thêm tin vào bác sĩ Giang và cán bộ, chiến sĩ BĐBP.

Hầu hết, những người dân ở xã Hương Liên đều được bác sĩ Giang hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp khám, chữa bệnh và hướng dẫn phương pháp giữ gìn vệ sinh trong cuộc sống và sinh hoạt. Vì thế, khi biết bác sĩ Giang bệnh nặng và không qua khỏi, người dân trong xã ai cũng rất đau lòng...

Tấm lòng từ mẫu mạch nguồn chảy mãi

Tiếng xe máy vang lên cắt đứt câu chuyện của chúng tôi. Sau khi cất đồ đạc, y sĩ Long tiếp tục dùng bữa cơm tối với chúng tôi. Anh kể: "Ông Hồ Hóa bị tai biến. Sau khi được tôi tiêm thuốc và xoa bóp, sức khỏe ông ấy đã tốt lên nhiều".

Tuy vừa làm một việc ân nghĩa, nhưng giọng anh Long vẫn thản nhiên như không. Nơi rừng thiêng, nước độc đầy khắc nghiệt và khó khăn của vùng biên cương nghèo khó, ngoài chữa bệnh, anh Long còn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực, chủ động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho chính mình và người thân. Bữa cơm muộn vừa kết thúc, chưa kịp nghỉ ngơi, y sĩ Nguyễn Đức Long lại tiếp tục lên đường thăm khám bệnh cho bà Hồ Thị Thiên. Thấy vậy, tôi xin đi theo. Trên đường đi, anh Long tâm sự: "Đồng bào đều được bảo hiểm y tế. Nhưng phần vì do đường xa, phần vì tin yêu BĐBP nên chỉ khám bệnh ở đội công tác, trường hợp nặng mới chịu chuyển lên bệnh viện huyện khám, điều trị. Mỗi lần đi viện, chúng tôi đều phải đưa đồng bào đến tận nơi. May mà nhà tôi ở trên huyện, nên sau khi khám và đợi kết quả xét nghiệm, siêu âm… thì đưa đồng bào về nhà mình ăn nghỉ".

Quả thật, vài giờ cùng Nguyễn Đức Long xuống bản, đi đến đâu, chúng tôi cũng nhận được những ánh mắt trìu mến, tình cảm nồng hậu của đồng bào dành cho những người thầy thuốc quân hàm xanh-những người đã dùng tấm lòng từ mẫu để gieo trồng niềm tin yêu mãi xanh tươi nơi đầu nguồn Ngàn Sâu.

Bài và ảnh: VIỆT HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/cuoc-thi-viet-noi-theo-guong-sang-bac-ho/dong-ngan-sau-nang-tinh-tu-mau-612111