Đồng Tháp cần 185 tỉ đồng để bảo tồn loài chim quý hiếm

Phục hồi và phát triển đàn sếu đầu đỏ ở Đồng Tháp bằng biện pháp nuôi và thả lại tự nhiên.

Sếu là một loài chim được xem là linh thiêng, quý hiếm nằm trong sách đỏ của thế giới. Với người Việt Nam, sếu còn gọi là chim hạc, là biểu tượng của sức mạnh, sự trường tồn và lòng chung thủy. Việt Nam là một trong số ít quốc gia ở khu vực Đông Nam Á có đàn sếu về cư ngụ, trong đó có Đồng Tháp.

Sếu là biểu tượng của sức mạnh, sự trường tồn và lòng chung thủy. Ảnh: Vườn quốc gia Tràm Chim

Sếu là biểu tượng của sức mạnh, sự trường tồn và lòng chung thủy. Ảnh: Vườn quốc gia Tràm Chim

Năm 1986, trong một chuyến khảo sát về hệ chim nước, các nhà khoa học Việt Nam đã vui mừng phát hiện đàn chim sếu cư ngụ tại Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Lúc bấy giờ, khu vực này thuộc Công ty Nông lâm ngư trường Tràm Chim, vùng sinh cảnh đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười.

Thời gian qua, Vườn Quốc gia Tràm Chim trở thành "Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước của quốc gia" với tổng diện tích 7.313 ha. Kể từ ngày 2-2-2012, khu đất ngập nước này trở thành di sản quý của nhân loại, là khu Ramsar thứ nhất của ĐBSCL, thứ 4 Việt Nam và thứ 2.000 của thế giới.

Tràm Chim hằng năm luôn mong chờ mùa sếu trở về như một khách tri âm của vùng rừng tràm, cỏ năng, lúa ma vẫn còn nhiều nét hoang sơ này. Tuy nhiên, những vị khách quý ấy ngày càng ít đi.

Theo đó, năm cao nhất có đến 1.052 cá thể (năm 1988), thấp nhất là 271 cá thể (năm 1994). Từ năm 2000-2012, dao động từ 48 cá thể (năm 2001) đến 167 cá thể (năm 2000), trung bình 103 cá thể/năm. Từ năm 2013-2020, trung bình 33 cá thể/năm. Năm 2021 có 3 cá thể. Năm 2024 có 4 cá thể sếu.

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, mục tiêu của "Đề án Bảo tồn và Phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022-2032" sẽ nuôi, nhân đàn và thả ra tự nhiên khoảng 100 cá thể sếu, phấn đấu trong số đó có khoảng 50 cá thể sống tốt ngoài môi trường tự nhiên.

Tổng kinh phí thực hiện khoảng 185 tỉ đồng. Trong đó, 50% từ nguồn kêu gọi xã hội hóa của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân với khoảng 93 tỉ đồng, phần còn lại do ngân sách nhà nước cấp.

Phần kinh phí kêu gọi đóng góp, Đồng Tháp sẽ thực hiện một số nội dung, công việc như: Chi phí tiếp nhận, nuôi dưỡng, nghiên cứu cho sinh sản và thả sếu ra môi trường tự nhiên; thực hiện cải tạo, phục hồi hệ sinh thái Vườn Quốc gia Tràm Chim, tạo sinh cảnh sống cho sếu đầu đỏ. Xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái bền vững, tạo sinh kế cho người dân sinh sống trong vùng đệm Vườn Quốc gia Tràm Chim; thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng; đầu tư thiết bị, cơ sở hạ tầng cơ bản, bảo đảm phục vụ nuôi dưỡng sếu.

"Đề án Bảo tồn và Phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022-2032" có 3 nội dung, gồm: Khôi phục môi trường đất ngập nước; nuôi thả sếu đầu đỏ; chia sẻ lợi ích với cả cộng đồng.

Tiến sĩ Trần Triết, Giám đốc Chương trình Bảo tồn sếu Đông Nam Á, giảng viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM, cho biết: "Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp có một quyết tâm rất lớn để xây dựng đề án cũng như quyết tâm thực hiện mục tiêu của đề án. Về mặt kỹ thuật, chuyên môn thì đây là một đề án rất khả thi. Đặc biệt, đề án sẽ góp phần rất quan trọng trong việc phục hồi hệ sinh thái vùng đất ngập nước của vùng Đồng Tháp Mười. Đây là một đóng góp quan trọng nhất đối với đề án. Không những thế, đề án cũng đóng góp vào mục tiêu phát triển nông nghiệp sinh thái của tỉnh Đồng Tháp".

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong cho rằng tỉnh sẽ kiên trì, quyết tâm bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ. Ảnh: TÂM MINH

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong cho rằng tỉnh sẽ kiên trì, quyết tâm bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ. Ảnh: TÂM MINH

Ông Lê Quốc Phong - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp - cho rằng: "Để bảo tồn được sếu, chúng tôi mong người dân Đồng Tháp phải xem việc bảo tồn sếu là câu chuyện của mỗi người dân, trước mắt là của người dân ở huyện Tam Nông, những con người trực tiếp có trách nhiệm bảo vệ, xem sếu như người bạn, là người thân để sếu có thể cùng sống với mình ở không gian của Tràm Chim.

Đồng hành với người dân còn có rất nhiều doanh nghiệp về sản xuất, xuất khẩu lúa gạo cũng đã tham gia, đồng hành cùng đề án. Đó là một sự thay đổi rất lớn về phương thức sản xuất, về quan điểm, tư duy tiếp cận và kể cả tình yêu với sếu, với môi trường".

Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp trao tặng quà tri ân đến các đơn vị đồng hành cùng tỉnh trong “Đề án Bảo tồn và Phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022-2032”. Ảnh: TÂM MINH

Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp trao tặng quà tri ân đến các đơn vị đồng hành cùng tỉnh trong “Đề án Bảo tồn và Phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022-2032”. Ảnh: TÂM MINH

Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, đề án bắt đầu triển khai để mỗi người dân tỉnh Đồng Tháp tham gia với một tình cảm, trách nhiệm cao hơn. Bằng chuỗi hoạt động, tuyên truyền giới thiệu về đề án, hướng dẫn cho người dân cách hiểu, cách tiếp cận, cách tham gia trong việc bảo tồn và phát triển đàn sếu từ những em học sinh cho đến sinh viên...

TÂM MINH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dong-thap-can-185-ti-dong-de-bao-ton-loai-chim-quy-hiem-196241103100055217.htm