Truyền thanh thông minh về làng quê
Truyền thanh thông minh là một xu hướng tất yếu của các địa phương. Chuyển đổi sang truyền thanh thông minh đã và đang góp phần xây dựng hệ thống hạ tầng thông minh, nâng cao chất lượng thông tin, tuyên truyền tại cơ sở.
Xã Hoằng Đạo là một trong những địa phương của huyện Hoằng Hóa triển khai thí điểm việc lắp đặt truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông (hay truyền thanh thông minh) theo Dự án “Chuyển đổi số hệ thống truyền thanh cơ sở ở các xã XDNTM trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2021”. Từ năm 2022, hệ thống truyền thanh thông minh của xã bắt đầu đi vào hoạt động đồng bộ với 11 cụm loa lắp đặt tại 7 thôn. Hệ thống loa truyền thanh được cài đặt tự động phát vào khoảng 5 sáng và 17 giờ từ thứ 2 đến thứ 7 hằng tuần. Hệ thống loa truyền thanh sẽ tiếp âm chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam, đài truyền thanh huyện và cuối cùng là chương trình, thông báo của xã.
Công chức văn hóa xã Hoằng Đạo Nguyễn Đình Thiết cho biết: Hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông của xã được đầu tư trên 260 triệu đồng. So với hệ thống cũ, đài truyền thanh thông minh quản lý, vận hành đơn giản, dễ sử dụng, tiết kiệm thời gian và nhân lực hơn hệ thống loa truyền thanh cũ. Người quản lý, vận hành hệ thống đài truyền thanh có thể giám sát và vận hành thiết bị cụm thu phát truyền thanh và phát hiện các thiết bị hỏng/không hoạt động từ xa. Có hệ thống đọc tự động, có chế độ cài đặt ngày giờ tự động cho lịch tiếp âm phát sóng, chất lượng tiếp sóng tốt, âm thanh rõ ràng.
Thực hiện chương trình chuyển đổi số, xã Minh Tân (Vĩnh Lộc) đã ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi lĩnh vực của đời sống, sản xuất, kinh doanh. Trong đó, xã đã quan tâm đầu tư và đi vào sử dụng hệ thống đài truyền thanh thông minh của xã. Bởi, lắng nghe thông tin từ hệ thống loa truyền thanh đã trở thành thói quen của nhiều người dân. Như với ông Trịnh Văn Thảo, trưởng thôn 9 xã Minh Tân nhiều năm nay ông luôn duy trì thói quen nghe thông tin qua hệ thống loa truyền thanh của xã đầu giờ sáng và cuối buổi chiều mỗi ngày. Qua đó, ông đã nắm bắt được những thông tin, sự kiện thời sự, chính trị nổi bật diễn ra mỗi ngày hay những chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương hay những sự kiện nổi bật của địa phương.
Ông Trịnh Văn Thảo chia sẻ: Hệ thống loa truyền thanh không chỉ giúp người dân nắm bắt kịp thời thông tin mà còn biểu dương, khích lệ các phong trào thi đua tại địa phương. Việc chuyển đổi hệ thống truyền thanh thông minh giúp người dân được tiếp cận với công nghệ thông tin, hòa mình vào công cuộc chuyển đổi số nói chung.
Chị Lê Thị Hương, công chức văn hóa - xã hội xã Minh Tân cho biết: Từ tháng 7/2024, toàn xã Minh Tân đã lắp đặt hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông với 7 cụm loa, mỗi cụm 3 cái loa phủ sóng ở 8 thôn trong xã với tổng số hơn 430 triệu đồng. Hệ thống truyền thanh thông minh gọn nhẹ hơn, vận hành đơn giản hơn hệ thống loa truyền thanh có dây, người vận hành có thể quản lý, điều khiển từ xa. Đặc biệt, hệ thống truyền thanh thông minh có chế độ đọc tự động từ bản word sang giọng nói, điều này giúp người quản lý hệ thống truyền thanh giảm áp lực và xử lý công việc nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Không chỉ riêng xã Minh Tân hay Hoằng Đạo, mà nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã lắp đặt đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông. Bởi đây là xu hướng tất yếu trong thời đại ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số.
Để thực hiện chuyển đổi số trong hệ thống truyền thanh cơ sở, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành và triển khai nhiều quyết định, chương trình, dự án như: Quyết định số 3668/QĐ-UBND về việc phê duyệt danh mục, danh sách, dự toán chi tiết và kế hoạch lựa chọn nhà thầu Dự án “Chuyển đổi số hệ thống truyền thanh cơ sở ở các xã XDNTM trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2021”; Nghị quyết 500/NQ-HĐND quyết định về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng và triển khai hệ thống truyền thanh thông minh cho UBND cấp huyện, xã trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2024-2027... Theo các chương trình, nhiều địa phương đã được đầu tư kinh phí triển khai hệ thống truyền thanh thông minh. Bên cạnh đó, cũng nhiều địa phương đã chủ động kinh phí và kết nối với các đơn vị để chủ động triển khai hệ thống truyền thanh thông minh.
Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông, tính đến tháng 6/2024, toàn tỉnh có 55 xã đã lắp đặt đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông. Hệ thống truyền thanh thông minh là hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông truyền dẫn tín hiệu trên hạ tầng viễn thông internet thay vì dẫn truyền qua sóng FM hoặc qua dây. Mỗi hệ thống truyền thanh thông minh được trang bị máy tính, micro, bộ thu phát truyền thanh internet, cụm loa. Hệ thống truyền thanh thông minh có ưu điểm hơn hệ thống truyền thanh thông thường, như quản lý điều hành tập trung, dữ liệu sử dụng được đồng bộ, dễ dàng kiểm tra hoạt động của các cụm loa, điều khiển được từ xa.
Có thể thấy, hệ thống truyền thanh thông minh đã và đang từng bước nâng cao chất lượng nội dung và phương thức truyền thông tin tại cơ sở. Đồng thời, việc thực hiện truyền thanh thông minh cũng góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong công tác thông tin, tuyên truyền tại cơ sở, góp phần XDNTM thông minh hiệu quả, bền vững.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/truyen-thanh-thong-minh-ve-lang-que-229507.htm