Hiệu quả ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà
Những năm gần đây, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An có nhiều hộ nuôi gà với số lượng lớn. Trước đây, các trang trại này chủ yếu chăn nuôi theo hướng truyền thống, vấn đề xử lý phân gà chưa được chú trọng, gây ô nhiễm môi trường.
Từ thực tế đó, Hội Nông dân (ND) xã Mỹ Lộc chuyển giao kỹ thuật “Ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà” cho các hộ dân trên địa bàn xã giúp giảm ô nhiễm môi trường, tăng sức đề kháng cho vật nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trước khi triển khai mô hình, Hội ND xã Mỹ Lộc phối hợp Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Cần Giuộc hướng dẫn quy trình sử dụng chế phẩm Balasa N01 làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi; các loại nguyên liệu phù hợp làm chế phẩm sinh học Balasa N01; hướng dẫn phương pháp làm đệm lót trực tiếp trên nền chuồng kín hoặc hở; kỹ thuật làm đệm lót để nuôi gà; cách sử dụng, bảo dưỡng và chống nóng trong mùa hè. Chế phẩm sinh học Balasa N01 được dùng làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi cho gà, vịt, heo, dê, thỏ.
Chủ tịch Hội ND xã Mỹ Lộc - Lê Hoài Nam cho biết, sử dụng chế phẩm Balasa N01 làm đệm lót trong chăn nuôi giúp làm giảm mùi hôi thối, khí độc trong chuồng nuôi; cải thiện môi trường sống cho người nuôi; giảm tối đa nhân công vệ sinh; giảm tỷ lệ mắc bệnh cho gia cầm; tăng chất lượng thịt và hiệu quả kinh tế,... Úm gà trên đệm lót giúp gà con khỏe mạnh, ít bị bệnh, phát triển tốt. Gà nuôi trên nền đệm lót không bị thối bàn chân, què chân, lông tơi mượt và sạch, thịt chắc, thơm ngon, giảm tồn dư kháng sinh.
Ông Nguyễn Văn Khi (SN 1963, ngụ ấp Thanh Ba, xã Mỹ Lộc) có hơn 40 năm gắn bó với nghề nuôi gà. Ban đầu, ông chỉ nuôi ít với phương pháp truyền thống. Đến nay, đàn gà của ông khoảng 6.000 con, có thời điểm cao nhất 13.000 con. Trước khi áp dụng đệm lót sinh học, mùi hôi từ chuồng gà rất nồng, ảnh hưởng không chỉ đến môi trường xung quanh mà còn tác động trực tiếp đến gia đình ông, gây nhiều khó khăn trong sinh hoạt.
Sau khi tham gia tập huấn của Hội ND xã, ông mua 4kg chế phẩm Balasa N01, ủ với 20kg cám ngô trong 48 giờ rồi rải đều lên mặt chuồng sau khi lót trấu. Ông cũng theo dõi độ ẩm và bổ sung thêm men vi sinh dạng nước. Sau khoảng 15 ngày, nền chuồng luôn khô ráo, phân gà được phân hủy mà không tạo mùi hôi, giúp đàn gà phát triển khỏe mạnh.
Trước đây, mỗi lứa gà với số lượng này, ông phải chi khoảng 40 triệu đồng cho thuốc thú y và vắc-xin nhưng nay chỉ cần 15 triệu đồng. Đặc biệt, nhờ ứng dụng đệm lót sinh học, mùi hôi từ hoạt động chăn nuôi giảm đáng kể, góp phần bảo vệ môi trường cho khu vực xung quanh.
Ông Khi chia sẻ: “Trước đây, việc nuôi gà tự phát thường gặp rủi ro về dịch bệnh, gà phát triển không đồng đều, tốn rất nhiều chi phí thuốc men. Từ khi áp dụng đệm lót sinh học, không chỉ giảm được mùi hôi mà chuồng trại còn khô thoáng hơn, sức khỏe của đàn gà cải thiện rõ rệt, chi phí nuôi giảm đáng kể. Phương pháp này thực sự hiệu quả, vừa bảo vệ môi trường, vừa giúp người nuôi tiết kiệm được chi phí”.
Việc ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà giúp bảo vệ môi trường, góp phần giữ vững và nâng chất tiêu chí về thu nhập và tiêu chí về môi trường trong xây dựng xã nông thôn mới nâng cao./.
Sử dụng đệm lót sinh học (ĐLSH) trong chăn nuôi trở thành một trong những mô hình tiên tiến, đạt hiệu quả cao, đặc biệt là chăn nuôi theo nông hộ, nuôi quy mô nhỏ.