Đồng Tháp sẽ chi 1.000 tỉ xóa 'điểm nghẽn' kết nối Kiên Giang - TPHCM

Để xóa 'điểm nghẽn' kết nối từ tỉnh Kiên Giang về TPHCM khi dự án cầu Cao Lãnh và Vàm Cống lần lượt đã được thông xe, tỉnh Đồng Tháp cam kết bỏ ra 1.000 tỉ đồng từ vốn ngân sách để đầu tư mới tuyến kết nối từ Cao Lãnh (Đồng Tháp) đến An Hữu (Tiền Giang).

 Tuyến đường An Hữu - Cao Lãnh sẽ kết nối vào cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang được xây dựng. Ảnh: baogiaothong.vn

Tuyến đường An Hữu - Cao Lãnh sẽ kết nối vào cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang được xây dựng. Ảnh: baogiaothong.vn

Trục kết nối từ thành phố Rạch Giá (Kiên Giang) về TPHCM với các phân đoạn dự án chính, gồm dự án Lộ Tẻ - Rạch Sỏi kết nối từ TP. Rạch Giá về cầu Vàm Cống; cầu Vàm Cống; đường nối cầu Vàm Cống đến cầu Cao Lãnh; cầu Cao Lãnh; quốc lộ 30 hiện hữu kết nối từ Cao Lãnh về An Hữu; cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (hoặc quốc lộ 1 hiện hữu) kết nối về TPHCM.

Trong đó, dự án Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đang đầu tư và Bộ Giao thông Vận tải cam kết đến cuối quí 1-2020 hoàn thành; cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh và đường nối hai cầu đã được đầu tư đồng bộ và đang khai thác. Trong khi đó, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, thì Bộ Giao thông Vận tải cam kết đến cuối năm 2020 thông xe toàn tuyến để kết nối đồng bộ vào dự án cao tốc TPHCM - Trung Lương đang được khai thác.

Còn với quốc lộ 30 hiện hữu được kết nối vào cầu Cao Lãnh đến quốc lộ 1 (giao với đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang được xây dựng), thì trong tình trạng quá tải, không đáp ứng được nhu cầu di chuyển đồng bộ cho toàn tuyến từ Rạch Giá về TPHCM.

Chính lý do nêu trên, UBND tỉnh Đồng Tháp, Bộ Giao thông Vận tải và các đơn vị liên quan đang khẩn trương chuẩn bị đầu tư xây dựng mới tuyến đường từ Cao Lãnh có điểm đầu kết nối vào cầu Cao Lãnh đến điểm cuối tại An Hữu kết nối với cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (nằm song song quốc lộ 30 hiện hữu) định hướng theo tiêu chuẩn đường cao tốc.

Liên quan đến việc đầu tư mới dự án nêu trên, tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2019 của tỉnh Đồng Tháp được tổ chức hôm 25-6 ở địa phương này, ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Sau khi thông xe 2 cầu này (Cao Lãnh và Vàm Cống), thì đây (quốc lộ 30 hiện hữu) là điểm nghẽn rất lớn, xe đi ngày càng nhiều, trong khi đường nhỏ hẹp, xuống cấp nên đi rất chậm”.

Theo ông Dương, khi làm việc với Chính phủ, Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải có ý kiến đề xuất phương án đầu tư mới tuyến kết nối từ Cao Lãnh về An Hữu như nêu ở trên. “Chúng tôi dự kiến làm theo hình thức đối tác công tư (PPP) vì đang có nhà đầu tư và đồng thời đang nghiên cứu tài chính”, ông cho biết và nói rằng nếu đầu tư đấu nối dự án vào đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận về tới Đồng Tháp (Cao Lãnh) với chiều dài khoảng 21 km, có tổng vốn đầu tư khoảng 5.000 tỉ đồng.

Theo ông, với 5.000 tỉ đồng thì phương án tài chính sơ bộ được nhà đầu tư tính toán làm theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) sẽ không khả thi (không có lời) trong khoảng thời gian thu phí 20 năm để hoàn vốn. “Nhà đầu tư tính toán phương án khoảng 2.000 tỉ đồng, trong khi đầu tư 5.000 tỉ đồng sẽ không có lời nên không làm”, ông nói.

Tuy nhiên, ông Dương cho biết, địa phương rất quyết tâm thực hiện dự án nêu trên, mà cụ thể tại buổi làm việc mới đây với Bộ Gia thông Vận tải, Đồng Tháp cam kết sẵn sàng xuất ngân sách 1.000 tỉ đồng để thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng. “Chúng tôi quyết tâm đến mức độ như vậy”, ông nhấn mạnh.

Theo ông, như báo tài chính trước đó, thì phần Chính phủ bỏ ra cho dự án khoảng 2.700 tỉ đồng và nhà đầu tư tính toán bỏ ra 1.300 tỉ đồng để thu phí hoàn vốn trong 18 năm theo giá thu đầu tư 4 làn đường xe chạy ở giai đoạn 1. “Tính toán thì ở giai đoạn 1 sẽ làm theo hướng đó, tức nhà đầu tư bỏ vốn vào khoảng 32% trong cơ cầu vốn của dự án”, ông cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Dương, hướng tuyến nếu khảo sát lại và điều chỉnh giảm quy mô tại những nút giao (làm nhỏ lại), thì tổng mức đầu tư dự án có thể được kéo giảm xuống 750 tỉ đồng, tức tổng mức đầu tư dự án chỉ còn hơn 4.000 tỉ đồng. Khi đó, có thể dùng ngân sách để thực hiện luôn dự án, mà không cần làm theo hình thức BOT nữa.

Theo ông, UBND tỉnh Đồng Tháp cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải đề xuất Chính phủ giao UBND tỉnh là cơ quan thẩm quyền điều hành dự án, chứ không phải bộ nữa.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp kỳ vọng, nếu đầu tư hoàn chỉnh tuyến mới như nêu trên sẽ giúp Đồng Tháp kết nối với TPHCM thuận lợi hơn, thời gian di chuyển được rút ngắn xuống chỉ còn 1 giờ 30 phút, nếu kết nối được vào cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Trung Chánh

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/290561/dong-thap-se-chi-1000-ti-xoa-diem-nghen-ket-noi-kien-giang--tphcm-.html