Đồng thuận xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu

Triển khai Đề án thí điểm xây dựng mô hình 'Làng văn hóa kiểu mẫu', bà con nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đều phấn khởi khi nhiều công trình được khánh thành và đưa vào sử dụng.

Các em nhỏ tại khu thiết chế văn hóa, thể thao của Tổ dân phố Trong Ngoài, thị trấn Hương Canh, Vĩnh Phúc tự tay làm những chiếc bình gốm. Ảnh: Khắc Trí.

Các em nhỏ tại khu thiết chế văn hóa, thể thao của Tổ dân phố Trong Ngoài, thị trấn Hương Canh, Vĩnh Phúc tự tay làm những chiếc bình gốm. Ảnh: Khắc Trí.

Điều này khẳng định nỗ lực, sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, sự ủng hộ của người dân để cùng chung tay xây vùng quê ngày càng giàu đẹp.

Xã Quang Yên, huyện Sông Lô có hơn 95% dân số là đồng bào dân tộc Cao Lan với nhiều nét văn hóa đặc trưng như tiếng nói, chữ viết, ẩm thực, trang phục truyền thống, các bài thuốc dân gian, tranh thờ, sách cổ, các điệu dân ca, đặc biệt là Lễ hội Xuống đồng. Trong đó, việc triển khai xây dựng thí điểm mô hình “Làng văn hóa kiểu mẫu” tại thôn Đồng Dong của xã đã giúp người dân phát huy tiềm năng sẵn có phát triển kinh tế, quảng bá những giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Cao Lan.

Ông Đỗ Văn Dương - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Quang Yên, huyện Sông Lô cho biết, khi thôn Đồng Dong được chọn thí điểm xây dựng mô hình “Làng văn hóa kiểu mẫu”, thôn đã tiến hành họp, triển khai đề án và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của toàn thể nhân dân. Chi bộ thôn ra nghị quyết chuyên đề; trưởng thôn, Ban Công tác Mặt trận và các tổ chức đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân cải tạo vườn tạp, chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, khuôn viên gia đình, đảm bảo môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp.

Còn Tổ dân phố Trong Ngoài, thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên cũng là địa phương được tỉnh Vĩnh Phúc lựa chọn để xây dựng thí điểm mô hình “Làng văn hóa kiểu mẫu”. Tổ dân phố Trong Ngoài được mở rộng có diện tích 20.000m2, bao gồm các hạng mục công trình như: Nhà văn hóa, sân, bãi đỗ xe, khu thể dục - thể thao, bể bơi, vườn hoa, cây xanh… điều này đã đáp ứng nhu cầu mong mỏi bấy lâu của nhân dân. Trước đây, nhà văn hóa của Tổ dân phố khá chật hẹp, người dân không có chỗ để tổ chức những lễ hội lớn. Vì thế việc tổ chức các hoạt động văn hóa để người dân trong Tổ dân phố giao lưu rất hạn chế.

Ông Nguyễn Văn Đoàn - Chủ tịch UBND thị trấn Hương Canh cho biết, khi có chủ trương của Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ thị trấn đã cùng với Ban Công tác Mặt trận Tổ dân phố thực hiện ngay các bước, đặc biệt chú trọng tuyên truyền tới người dân các nội dung của đề án, lợi ích cũng như ý nghĩa của việc xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu để người dân nắm được và đồng lòng ủng hộ. Vì vậy, đến nay phần lớn các hạng mục về xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu của Tổ dân phố Trong Ngoài đã cơ bản được hoàn thành. Đảng ủy, chính quyền đánh giá cao vai trò của MTTQ thị trấn, đặc biệt là công tác tuyên truyền vận động nhân dân hiến đất, đóng góp ngày công, kinh phí để xây dựng các công trình và tuyến đường sáng-xanh - sạch - đẹp. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương còn hướng dẫn các Ban giám sát đầu tư của cộng đồng trong giám sát, triển khai các hạng mục” - ông Đoàn chia sẻ.

Được biết, để triển khai Đề án thí điểm xây dựng mô hình “Làng văn hóa kiểu mẫu”, Ủy ban MTTQ tỉnh Vĩnh Phúc đã tham mưu xây dựng quy trình giám sát các tiêu chí xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu đối với các Ban Công tác Mặt trận. Sau khi có văn bản hướng dẫn của Ủy ban MTTQ tỉnh, MTTQ các huyện, thành phố đã chỉ đạo, hướng dẫn Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp xã, nơi xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu căn cứ tình hình thực tế địa phương để tham mưu với cấp ủy, phối hợp với chính quyền, các tổ chức thành viên chủ trì tổ chức phát động cũng như đẩy mạnh tuyên truyền, vận động ủng hộ xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu. Đến nay, kinh phí xã hội hóa toàn tỉnh vận động được trên 35 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Tuấn Khanh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Vĩnh Phúc, Đề án thí điểm xây dựng mô hình “Làng văn hóa kiểu mẫu” mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc với mục tiêu hình thành các thiết chế văn hóa - thể thao, sinh hoạt cộng đồng của làng, xây dựng khu dân cư văn hóa, khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống trong các thôn, làng, tổ dân phố trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ, làng nghề truyền thống, sản xuất, tiêu dùng hàng hóa địa phương để cải thiện thu nhập của người dân. Bên cạnh đó, góp phần bảo tồn, phát huy và làm sống dậy các giá trị văn hóa tốt đẹp, nhất là truyền thống giữ làng, giữ nước cũng như nâng cao năng lực của bộ máy hệ thống chính trị ở cơ sở trong tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Tấn Minh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/dong-thuan-xay-dung-lang-van-hoa-kieu-mau-10282213.html