Dòng tiền mới từ nhà đầu tư F0

'Sóng gió' do Covid-19 có thể sẽ chưa dừng lại sớm và vẫn có những tác động tới các hoạt động kinh tế. Tuy nhiên nhiều nhà đầu tư cũng như giới phân tích kỳ vọng, thị trường chứng khoán Việt Nam đủ sức vượt khó.

Chứng khoán vẫn được coi là kênh đầu tư hiệu quả.

Chứng khoán vẫn được coi là kênh đầu tư hiệu quả.

Khẳng định nội lực

Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán (Ủy ban Chứng khoán nhà nước) khi nói về dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã khẳng định như đinh đóng cột: Đã có sự thay đổi!

Nếu như những năm trước đây, động thái của dòng vốn ngoại luôn ảnh hưởng mạnh mẽ tới Việt Nam, thậm chí diễn biến thị trường có thể được đoán trước theo xu hướng của thị trường chứng khoán thế giới.

Còn nay thì đã khác, yếu tố nội lực đã thể hiện rõ ràng và không bị phụ thuộc vào diễn biến của khối ngoại cũng như dòng vốn ngoại.

Đà leo dốc của thị trường đang nhận được lực đẩy tích cực từ dòng tiền nội địa, nhất là lớp nhà đầu tư mới tham gia thị trường. Trong tháng 9 có 31.418 tài khoản chứng khoán của các nhà đầu tư cá nhân được mở mới, lũy kế 9 tháng đầu năm 2020 đạt 252.026 tài khoản, cao hơn 34% lượng tài khoản mở mới của cả năm 2019 (180.000 tài khoản).

Số lượng tài khoản tăng kéo theo giao dịch tăng khiến thị trường ngày càng trở nên sôi động. Khối lượng giao dịch trung bình trên 2 sàn HOSE và HNX trong 2 quý II và III tăng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Chúng ta gần như đã lấy lại những gì đã mất từ đầu năm. Vốn hóa thị trường đạt 71,3% GDP. Điều này cho thấy sự phục hồi cả về chỉ số, quy mô và nội lực”.

Hiện tại thị trường chứng khoán Việt Nam đã thể hiện được sức sống mạnh mẽ, nhất là trước tác động của dịch Covid-19.

Cổ phiếu thuộc nhóm thoái vốn không hứa hẹn chắc chắn mang lại lợi nhuận cho mọi nhà đầu tư theo “sóng”, nhưng dẫu sao, đây vẫn là những câu chuyện được kỳ vọng “tiếp lửa” cho thị trường trong bối cảnh giới đầu tư luôn phải vận động kiếm tìm thông tin hỗ trợ.

Có thể nói dòng tiền mới hay còn gọi là nhà đầu tư “F0” (thậm chí là F0-1) là nguyên nhân chính giúp các thị trường liên tục tăng mạnh. Chỉ tính riêng sàn HoSE, tính từ tháng 4 đến tháng 9, thanh khoản tăng vọt so với 6 tháng trước với khối lượng giao dịch bình quân ở mức gần 320 triệu cổ phiếu/phiên, tương ứng tăng hơn 50%. Giá trị giao dịch cũng tăng 34,5% lên mức trung bình gần 5,5 nghìn tỷ đồng/phiên.

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, vai trò của khối ngoại là rất quan trọng đối với sự phát triển của thị trường chứng khoán. Chính vì vậy, những chính sách dành cho khối ngoại luôn được đặc biệt chú trọng để tạo điều kiện và thu hút nhà đầu tư ngoại.

Theo nhận định của ông Bùi Hoàng Hải -Vụ trưởng Vụ Quản lý chào bán chứng khoán (Ủy ban Chứng khoán nhà nước), so sánh tổng giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ thấp hơn Singapore và Thái Lan, ngang bằng với Malaysia.

Trong năm 2020, khối ngoại rút vốn ở các thị trường mới nổi rất nghiêm trọng nhưng tại thị trường Việt Nam lại rất ít.

“Điều này minh chứng thế giới vẫn đang đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam khá cao”, ông Hải nhận định.

Hiện nay, Việt Nam đang nằm trong danh sách chờ nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE và MSCI. Ông Hải cho biết, cơ quan quản lý rất coi trọng vấn đề nâng hạng thị trường với hy vọng uy tín của Việt Nam tăng lên sẽ thu hút được dòng vốn nước ngoài.

Hưng phấn

Cho đến thời điểm hiện tại, VN-Index đang giao dịch xung quanh ngưỡng 960 điểm - ngưỡng chốt năm của năm 2019. Điều này có nghĩa trong năm 2020 đầy biến động như vậy nhưng thị trường chứng khoán vẫn có sự phục hồi mạnh mẽ hơn so với các hoạt động kinh tế bình thường.

Thời gian qua, có thể thấy được sự nhảy vọt của thanh khoản, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư cá nhân. Thanh khoản trung bình quý 3 rơi vào khoảng 5.300 tỷ đồng khớp lệnh mỗi ngày (cao hơn trung bình quý 2 và 3 của năm 2018).

Điều này có nghĩa thanh khoản đang dần quay về mức cao nhất của năm 2018 khi mà VN-Index giao dịch quanh mốc 1.200 điểm. So với thời điểm đỉnh điểm nhất này, VN-Index vẫn thấp hơn khoảng 20%. Tuy nhiên, giai đoạn vừa qua là giai đoạn thực sự hứng khởi của thị trường chứng khoán, đặc biệt là với nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ.

Có khá nhiều nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán phục hồi tốt trong năm nay dù các chỉ số kinh tế vẫn tăng trưởng thấp hơn cùng kì. Một trong những nguyên nhân chính là do việc kiểm soát dịch bệnh tốt của Nhà nước trong suốt đợt 1 và đợt 2 khiến hoạt động kinh tế nhanh chóng trở lại bình thường. Nhà đầu tư vẫn đang kì vọng vào việc kiểm soát này. Từ đó, GDP sẽ sớm quay lại mốc kì vọng là 6-6,5%.

Yếu tố thứ 2 cực kì quan trọng là yếu tố về lãi suất ngân hàng. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, mức lãi suất ngân hàng đã giảm khoảng 2%. Điều này đã khuyến khích các dòng tiền ngắn hạn, kích hoạt làn sóng đầu tư, nhất là với những kênh như chứng khoán.

Thị trường sẽ ra sao?

Ông Lê Ngọc Nam - Phó Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Tân Việt cho rằng, trong bối cảnh làn sóng dich bệnh Covid-19 trên thế giới vẫn đang khá phức tạp, nếu Việt Nam kiểm soát tốt sẽ là điểm đến của dòng tiền. Yếu tố kiểm soát dịch bệnh sẽ là yếu tố quan trọng nhất với thị trường chứng khoán trong giai đoạn sắp tới.

“Chúng ta đang giao dịch ở thị trường tương đối nóng, nhất là dòng tiền vẫn mang tính đầu cơ. Việc giao dịch xung quanh mốc 960 hiện tại đã là vượt kì vọng. Do đó, chốt năm 2020, thị trường có thể dao động trên dưới mốc này 5%”, ông Nam chia sẻ

Với triển vọng kinh tế, lãi suất rất thấp do nguồn tiền lớn sẵn có trong hệ thống ngân hàng khiến các nhà đầu tư tìm sang kênh đầu tư khác như chứng khoán. Dư địa tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam còn rất lớn, tạo nhiều cơ hội để đầu tư.

TS Lê Đức Khánh, Giám đốc Phòng Phát triển năng lực đầu tư Công ty cổ phần chứng khoán VPS nói, với số tiền giải ngân lớn và được quay vòng trong thị trường thì VN-Index có thể sẽ tiếp tục đi lên trong thời gian tới.

Đặc biệt trong quý 4, các nhóm ngành được dự báo tăng trưởng tốt đồng thời Ngân hàng Nhà nước đang duy trì lãi suất thấp sẽ giúp dòng tiền đổ vào thị trường.

“Nhà đầu tư cần lưu ý chọn nhóm ngành cơ bản, kinh doanh tăng trưởng tốt để giảm thiểu rủi ro khi đầu tư. Bản thân tôi cho rằng thị trường sẽ sớm quay lại mốc 990 – 1000 điểm trong cuối năm 2020”, ông Khánh chia sẻ.

Nhiều quan điểm lạc quan khác nhìn nhận thị trường chứng khoán luôn được định nghĩa là “phong vũ biểu” của nền kinh tế. Điều này có nghĩa kinh tế tăng trưởng, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tốt thì thị trường chứng khoán cũng tốt lên.

Tuy vậy, năm 2020 là một năm kỳ lạ vì thông thường mô hình kinh tế và thị trường tài chính thường phổ biến nhất là đi theo hình chữ V, chữ W hay chữ U thì năm nay lại đi theo mô hình chữ K (nghĩa là kinh tế đi xuống còn thị trường chứng khoán đi lên).

Ở những phân tích khác cũng nói rằng, năm 2020 là năm nhà nước đẩy mạnh đầu tư công để thúc đẩy nền kinh tế. Mà đầu tư công đòi hỏi Nhà nước phải tăng kích cầu cho nền kinh tế, điều này như con dao 2 lưỡi bởi lẽ nếu như không kiểm soát tốt sẽ gây ra lạm phát và tăng nợ công.

Với ngân sách đang chịu nhiều áp lực do nguồn thu suy yếu khi nền kinh tế thiệt hại lớn bởi đại dịch Covid-19, trong khi nhu cầu chi tiêu gia tăng song song với việc phải giải ngân vốn đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng, Chính phủ càng mong muốn sớm đẩy mạnh thoái vốn để có thêm nguồn tiền mà không phải bơm thêm tiền làm áp lực lạm phát tăng cao.

Nhiều cổ phiếu trước khi nhà nước thoái vốn sẽ được nhà đầu tư săn đón bởi doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tốt, tiềm năng tăng trưởng tích cực nên giá cổ phiếu tăng “nóng”. Vì vậy cổ phiếu thoái vốn có thể là cơ hội cho các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận.

Nhưng cũng cần lưu ý, các nhà đầu tư ngắn hạn cần cân nhắc khi xuống tiền đầu tư cổ phiếu thoái vốn Nhà nước, bởi đợt tăng “nóng” của những cổ phiếu này không bền vững.

Các nhà đầu tư cần phải chờ những chuyển biến tích cực từ kết quả kinh doanh cốt lõi của các doanh nghiệp sau khi nhà nước thoái vốn để xuống tiền mua vào đầu tư dài hạn.

Hồ Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dong-tien-moi-tu-nha-dau-tu-f0-522249.html