Đốt vàng mã: Tốn kém và ẩn họa
Có lẽ đã đến lúc cần vận động loại bỏ hành vi đốt vàng mã trong cộng đồng, một tập tục gây tốn kém, tiềm tàng hiểm họa.
Thông tin về việc do bất cẩn khi đốt vàng mã nhân ngày ông Công ông Táo gây cháy nhà khiến 4 thanh niên mất mạng vì ngạt khói ở quận Đống Đa (Hà Nội) làm nhiều người bàng hoàng. Rất đau xót khi tất cả đều là sinh viên, có 2 cháu vừa tốt nghiệp chuẩn bị về quê đón Tết cùng gia đình.
Lại nhớ thời gian tôi làm quản lý một chung cư lớn tại TP. Pleiku, chuyện đốt vàng mã luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ trong tòa cao ốc khi cư dân liều lĩnh mang vàng mã ra đốt ngay trên hành lang.
Xin kể ngay đến quá trình từ bỏ tục đốt vàng mã trong chính gia đình tôi. Từ khi còn nhỏ, tôi đã thấy bố mẹ cũng như hầu hết gia đình hàng xóm đều hóa vàng trong các sự kiện cúng bái, nhà có cả một công cụ bằng sắt tây khá to chuyên dùng cho việc này. Khi lớn lên, chị em tôi đều tiếp nối tập tục “khói lửa” này trong một thời gian dài.
Nhưng khi nhận ra cái vô lý của tập tục, tôi phân tích và không chỉ ngày một ngày hai, tôi nói về sự siêu thoát và vất vưởng nếu có của một linh hồn, về chi phí tốn kém khi phải bỏ tiền ra mua những thứ khá mơ hồ về giá trị thật; quan điểm của tôi về giỗ chạp thuần chất là một hành vi tưởng nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ… Cuối cùng, tôi đã thuyết phục được mọi người trong gia đình chấm dứt việc tốn tiền cho một tập tục không hợp lý này.
Tục đốt vàng mã đã tồn tại khá lâu trong cộng đồng người Việt và một số nước châu Á. Hiện nay, người ta đốt đủ thứ, kể cả biệt thự và xe sang, đính kèm iPhone đời mới… Với quan niệm trần sao âm vậy, người làm vàng mã đã “sáng tạo” ra đủ mặt hàng, từ biệt thự, ô tô đến iPhone, máy ảnh để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Người ta không khó để mua online trên Lazada, Shopee… đủ loại hàng, đủ loại giá, 1 chiếc Mercedes hay ngôi biệt thự cắt dán tinh xảo có giá tới vài trăm ngàn đồng.
Bên hông Trung tâm Thương mại Pleiku có vài tiệm chuyên kinh doanh mặt hàng này, có thể đặt trước, gia chủ sẽ được ship tận nhà. Các thành phố lớn có cả dãy phố đầy màu sắc của hàng mã các loại như phố Hàng Mã (Hà Nội) hiện vẫn còn giữ được nghề truyền thống, đã tồn tại hàng thế kỷ; TP. Hồ Chí Minh có khu Hải Thượng Lãn Ông, Lương Nhữ Hộc. Doanh số hàng năm của mặt hàng vàng mã được ước tính lên đến hàng ngàn tỷ đồng (Theo thống kê không chính thức của giới truyền thông, mỗi năm, người dân đốt tới 5.000 tỷ đồng vàng mã. Thực hư về độ chính xác của con số này chưa được cơ quan chức năng kiểm chứng, xác thực. Tuy nhiên, lượng vàng mã mà người dân đốt trong các dịp hành lễ đền, chùa hay dịp lễ Vu lan là vô cùng lớn. Cần thiết phải loại bỏ-theo Báo Nhân Dân).
Trở lại với lập luận của tôi để thuyết phục gia đình, đó chính là cái nghịch lý giữa mong muốn người thân mình khi mất đi được siêu thoát, nhưng luôn cư xử với họ như những “hồn ma vất vưởng”. Thế mới rõ, tất cả đều do ta nghĩ ra, quy ước, tin tưởng và tự trói mình vào đó.
Giáo lý nhà Phật cũng nêu rõ: “Trong giáo lý nhà Phật không có việc đốt vàng mã cúng tế người chết. Quan điểm Phật giáo hoàn toàn bác bỏ tục lệ mê tín này mà chỉ khuyên trong ngày lễ Vu lan thì nên ăn chay niệm Phật để tưởng nhớ và cúng những vong hồn lưu lạc một mâm cỗ chay để bố thí siêu sinh…”.
Có lẽ đã đến lúc cần vận động loại bỏ hành vi đốt vàng mã trong cộng đồng, một tập tục gây tốn kém, tiềm tàng hiểm họa.
Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12381/202102/dot-vang-ma-ton-kem-va-an-hoa-5724763/