Dư âm Tết

Ngày Tết là dịp mà toàn xã hội nghỉ ngơi , hưởng thụ, vui chơi sau một năm làm việc, là thời gian để tích lũy năng lượng cho một năm mới an khang thịnh vượng. Nhưng riêng lực lượng lao động của ngành văn hóa thì Tết lại là những ngày vất vả nhất năm.

Chị Lâm trông coi đền Hùng trong Công viên Tao Đàn (TPHCM) nói: “Trước Tết, anh em chúng tôi sơn sửa lại đền, lau chùi tượng, lư hương. Vào Tết thì anh chị em phân công nhau trực, tự mình sớm tối thắp hương cho vua Hùng, không lúc nào ngơi. Mỗi ngày Tết, có khoảng 10.000 người vào thắp hương cho các vua Hùng”.

Chị Lâm chia sẻ: “Tết mệt mà vui! Càng vui càng mệt, càng mệt càng vui!”. Số là quanh năm công viên mở cửa miễn phí, chỉ mỗi dịp Hội hoa xuân, vé vào cổng bán 30.000đ/người, tạo ra nguồn thu cho đơn vị và cơ quan tổ chức hội hoa. Để bán vé, Hội hoa xuân trưng bày tới 2.500 hiện vật là hoa cảnh, tiểu cảnh, rồi các sân khấu biểu diễn… Ước tính lượng khách tham quan Hội hoa xuân Tao Đàn khoảng 400.000 lượt người.

Theo chị Lâm dịp Tết, một người làm việc bằng hai, bằng ba bình thường. “Nhưng chúng tôi rất vui. Chạnh lòng nhớ lại hai năm đại dịch COVID-19, lo gồng mình chống dịch, đất nước không có được khí thế và niềm vui như năm nay. Không chỉ công nhân chúng tôi mà tất cả du khách và người dân đã tạo nên một hội hoa thành công hơn mong đợi”, chị nói.

Khu vực trung tâm quận 1 TPHCM, thường ngày là nơi mua sắm, ẩm thực, kinh doanh, là trung tâm tài chính, đầu tư. Nhưng vào ngày Tết, tất cả nhường hết “trận địa” cho ngành văn hóa. Chỗ dựng sân khấu quay trực tiếp, chỗ tấp nập đường hoa, chỗ bắn pháo bông.

Bạn trẻ đến đường sách TPHCM Tết Quý Mão Ảnh: Nguyên Anh.

Bạn trẻ đến đường sách TPHCM Tết Quý Mão Ảnh: Nguyên Anh.

Bác Di, người dân thành phố Huế vào TPHCM du xuân, đặt chân đến đường hoa Nguyễn Huệ, nhận xét: “Trong cuộc đời tôi, lần đầu được trải nghiệm đường hoa lộng lẫy, hoành tráng đã trở thành thương hiệu của TPHCM”. Ngoài linh vật mèo khổng lồ biểu tượng cho năm 2023, biểu tượng cho một cái Tết rất Việt Nam, bác Di còn tận mắt nhìn thấy lễ hội đường sách lớn nhất Việt Nam. Bác rất hài lòng và pha chút ngạc nhiên khi thấy ngày Tết mà hàng vạn người nô nức đi mua sách, ai ai cũng đem về một giỏ sách! Bác nói: “Thì ra, khi cuộc sống đã đầy đủ hơn, người ta không còn chỉ hưởng thụ vật chất mà còn hưởng thụ cả những vẻ đẹp tinh thần”.

Thống kê cho thấy lễ hội Đường sách Tết Quý Mão 2023 tại TPHCM đã đón trên 585.000 lượt người tham quan và mua sách, doanh thu đạt hơn 6 tỷ đồng, số lượng sách đã bán là 41.285 cuốn.

Có mặt ở đường sách, tôi gặp người quen, đó chính là chị bán sách đầu đường Nguyễn Bình. Tôi hỏi: “Chị không nghỉ Tết sao?”. Chị bảo: “Khách còn tới mua, chúng tôi sao nghỉ được. Phục vụ bà con từ trước Tết tới hết Tết, ngày nào cũng đông nghịt người, từ sáng sớm đến tối mịt. Khách nước ngoài cũng có, khách trong nước càng nhiều hơn”.

Chị bán sách chăm chút từ sách mới đến những cuốn sách cũ, mái tóc chị đã hoa râm, nhưng người bán chưa chồng con gì. Chị bảo: “Nghề của chúng tôi là đem tri thức, đem niềm vui đến cho những người khác”. Tôi mua cuốn “Điển cố văn học” in năm 1953. Chị cẩn thận đóng gói, cho vào túi, như một món quà Tết vậy. Chị nói: “Mừng cho anh vì anh đã tìm được cuốn sách hay”.

Nhờ ghé đường sách Tết mà tôi tìm được cuốn sách đọc Tết dưới cành hoa mai, nhưng chạnh lòng chợt nghĩ tới người bán sách vẫn bươn chải giữa dòng người trong cơn mưa xuân lất phất để giữ cho sách khỏi bị ướt. Nhớ câu nói của chị: “Đã mấy năm nay, tôi chưa một lần được ăn Tết với mẹ già, mà từ chiều Ba Mươi qua ngày mồng Một, mồng Hai, rồi mồng Ba… cặm cụi lựa sách, bán sách cho du khách đi du ngoạn và mua sắm mùa xuân”.

NGUYÊN ANH

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/du-am-tet-post1507303.tpo