Dự án 1 luật sửa 7 luật về tài chính - ngân sách sẽ giải phóng được rất nhiều nguồn lực

Theo chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, sáng ngày mai, 29/10, Quốc hội sẽ cho ý kiến về Dự án 1 Luật sửa 7 luật do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo trình Chính phủ trình Quốc hội. Những đề xuất trong dự án Luật quan trọng này được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những 'điểm nghẽn' lớn của nền kinh tế. Xung quanh nội dung của dự án Luật, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đã có buổi trao đổi với báo chí.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi trả lời phỏng vấn báo chí.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi trả lời phỏng vấn báo chí.

PV: Thưa Thứ trưởng, dự kiến tại kỳ họp tháng 10/2024, Quốc hội sẽ thông qua Dự án 1 luật sửa 7 luật trong lĩnh vực tài chính. Việc cùng một lúc chúng ta dùng 1 luật sửa 7 Luật sẽ có ý nghĩa như thế nào?

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi: Chúng ta đã biết, việc xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng. Tháo gỡ những vướng mắc, “điểm nghẽn” trong thể chế tức là chúng ta giải quyết được “điểm nghẽn của điểm nghẽn”.

Dự án 1 Luật sửa 7 Luật do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo sẽ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.

Với quyết sách của Trung ương cũng như Bộ Chính trị về việc xử lý các vướng mắc, “điểm nghẽn” trong hệ thống pháp luật về tài chính vừa qua, chúng tôi cho rằng đây là chủ trương rất trúng, rất đúng và rất kịp thời.

Sau khi được Chính phủ đồng ý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận, Bộ Tài chính đã chủ trì soạn thảo trình Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung 7 luật thuộc lĩnh vực tài chính theo trình tự, thủ tục rút gọn, tập trung vào các vấn đề mà thực tế đòi hỏi, yêu cầu. Việc dự án luật được soạn thảo theo thủ tục rút gọn đã rút ngắn được thời gian so với trình tự, thủ tục xây dựng Luật thông thường và Luật cũng có hiệu lực ngay sau khi được phê chuẩn.

Với những nội dung báo cáo Quốc hội phê duyệt tại kỳ họp này, chúng tôi khẳng định sẽ giải phóng được rất nhiều nguồn lực, tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi để đóng góp vào sự phát triển của kinh tế xã hội trong thời gian tới, nhất là tại thời điểm này, chúng ta chỉ còn hơn 1 năm cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII của Đảng.

PV: Bộ Tài chính là đơn vị chủ trì soạn thảo dự án luật này. Dự kiến những mục tiêu lớn, mang tính cấp bách nào cần phải sửa ngay để đáp ứng việc quản lý và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế?

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi: Các chính sách lớn khi chúng tôi đề xuất sửa đổi, bổ sung tại Dự án luật này tập trung giải quyết những vướng mắc, điểm nghẽn, có thể kể đến như tháo gỡ điểm nghẽn trong cơ chế chia sẻ, phân bổ, huy động nguồn lực ngân sách nhà nước, tài sản công nhằm huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính nhà nước cho tăng trưởng kinh tế. Các nội dung này được thể hiện ở việc sửa Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Chúng tôi cũng tập trung chính sách nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, tăng cường phân cấp, phân quyền cho các cấp, đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, Tổng Bí thư là phân cấp mạnh, để “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Quan điểm này thể hiện trong sửa Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Kế toán.

Cùng với đó, chúng tôi đề xuất thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp quản lý chặt chẽ nguồn thu, mở rộng cơ sở thu để đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời và đảm bảo sự công bằng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế. Nội dung này được thể hiện trong sửa Luật Quản lý thuế.

Ngoài ra, chúng tôi cũng đề xuất các chính sách hướng tới đảm bảo tính công khai, minh bạch, thuận lợi để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, quyền tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp, thu hút các nguồn lực của nhà đầu tư trong và ngoài nước, đảm bảo phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán một cách bền vững… Những nội dung này thể hiện trong nội dung sửa Luật Chứng khoán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Kế toán.

Đồng thời, đề xuất chính sách khi sửa Luật Ngân sách nhà nước, Luật Dự trữ quốc gia nhằm tăng tính chủ động trong quan hệ đối ngoại với các nước anh em.

Dự án Luật có bổ sung cơ chế cho phép sử dụng vốn đầu tư phát triển của địa phương để hỗ trợ ngân sách trung ương, hỗ trợ các địa phương khác đầu tư dự án hạ tầng. Ảnh: TL.

Dự án Luật có bổ sung cơ chế cho phép sử dụng vốn đầu tư phát triển của địa phương để hỗ trợ ngân sách trung ương, hỗ trợ các địa phương khác đầu tư dự án hạ tầng. Ảnh: TL.

PV: Với Luật Ngân sách nhà nước sửa đổi, dự kiến có 3 nhóm chính sách lớn, nổi bật là bổ sung cơ chế cho phép sử dụng vốn đầu tư phát triển của địa phương để hỗ trợ ngân sách trung ương, hỗ trợ các địa phương khác đầu tư dự án hạ tầng có tính chất vùng và liên vùng. Các chính sách này có tháo gỡ được các “điểm nghẽn” thực tế không, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi: Trong thời gian qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết thí điểm cho phép một số địa phương được sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư vào các công trình, dự án trọng điểm của Trung ương và trên địa bàn.

Nội dung này cũng đã được luật hóa trong Luật Thủ đô. Một số công trình hạ tầng trọng điểm đã được thực hiện và thực tế đã phát huy hiệu quả tích cực. Có thể kể đến nhiều dự án thực hiện theo cơ chế này, như các tuyến đường vành đai của Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, dự án sân bay Điện Biên, dự án cầu Bạch Đằng (nối TP. Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh), dự án cầu Như Nguyệt…

Trên cơ sở chủ trương của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Bộ Tài chính cũng đề xuất với Chính phủ trình Quốc hội bổ sung nội dung này trong Luật Ngân sách nhà nước để làm sao chúng ta huy động được nguồn ngân sách của các cấp, các địa phương tham gia đầu tư vào các dự án hạ tầng quan trọng, có tính chất liên vùng, liên tỉnh, liên quốc gia, thậm chí là liên quốc tế.

Chúng tôi đánh giá, nếu cơ chế này được giải quyết, sẽ tạo ra nguồn lực tổng thể, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả trung ương và địa phương để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm của đất nước, đóng góp vào sự phát triển của kinh tế xã hội của từng địa phương, của vùng, của cả quốc gia, không những ở thời điểm hiện tại mà còn trong tương lai.

PV: Vậy điều này cũng sẽ giúp chúng ta giảm bớt tình trạng các dự án đợi vốn đầu tư công từ ngân sách nhà nước, đặc biệt trong bối cảnh sắp tới chúng ta cũng sẽ có những dự án mang tính chất liên vùng như Thứ trưởng vừa chia sẻ?

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi: Tôi hoàn toàn đồng tình. Việc này sẽ huy động được sức mạnh tổng thể của cả trung ương và các địa phương và nó không chia cắt ngân sách nhà nước nhưng phải trên cơ sở các dự án có tính chất động lực cho phát triển vùng, liên tỉnh, cả quốc gia.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Để đảm bảo chất lượng dự án luật, trong phiên họp mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cơ quan thẩm tra, lưu ý rà soát đảm bảo sửa những vấn cần thiết, cấp bách có thể cải thiện ngay, có sự đồng thuận cao.

Đông Mai (ghi)

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/du-an-1-luat-sua-7-luat-ve-tai-chinh-ngan-sach-se-giai-phong-duoc-rat-nhieu-nguon-luc-162667.html