Dự án Cao tốc Bắc - Nam: Đối mặt với nguy cơ chậm tiến độ
Không chỉ là vấn đề chậm giải phóng mặt bằng (GPMT), gần đây, nhiều đoạn tuyến thuộc Dự án cao tốc Bắc-Nam đang đối mặt với việc khan hiếm vật liệu xây dựng. Điều này khiến cho cơ quan chức năng cũng như đơn vị quản lý, thực thi dự án lo lắng cả dự án lớn sẽ chậm tiến độ.
Phải đặt chất lượng lên hàng đầu
Ngày 22/2, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cùng đoàn công tác Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã đi kiểm tra hiện trường hai dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam phía Đông, đoạn Cao Bồ - Mai Sơn và Mai Sơn - QL45. Báo cáo với Bộ trưởng, lãnh đạo Ban QLDA Thăng Long cho biết, dự án Mai Sơn - QL45 đi qua 3 huyện, thành phố thuộc tỉnh Ninh Bình và 8 huyện, thành phố thuộc tỉnh Thanh Hóa với tổng chiều dài 63,37km.
Dự án được chia thành 5 gói thầu xây lắp (từ gói thầu số 10-XL đến gói thầu số 14-XL). Công tác bàn giao mặt bằng cho các nhà thầu thi công hiện chưa đáp ứng yêu cầu, mới bàn giao được 55,64/63,37km cho nhà thầu thi công.
Cụ thể đoạn qua tỉnh Ninh Bình mới bàn giao được 8,18/14,41km (còn 6,23km); đoạn qua tỉnh Thanh Hóa bàn giao được 47,46/48,96km (còn 1,5km). Nguyên nhân vướng mắc do TP Tam Điệp (tỉnh Ninh Bình) chưa xây dựng được đơn giá đền bù đối với các loại đất vườn ao trong khu dân cư; việc xác định đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề còn chậm, một số hộ dân chưa được cấp đất tái định cư hoặc chưa xây dựng xong nhà mới ở khu tái định cư; một số hộ dân còn khiếu kiện liên quan đến chính sách bồi thường hỗ trợ...
Ngoài ra, trong các đoạn tuyến đã bàn giao vẫn còn tồn tại một số hộ dân chưa di dời nằm rải rác, với nhiều lý do như chưa nhận đủ tiền bồi thường hoặc còn phát sinh các công trình kiến trúc chưa được thống kê bồi thường, chưa xây xong nhà mới ở các khu tái định cư...
Sau khi nghe ý kiến của các đơn vị liên quan, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thẳng thắn: "Đây là dự án trọng điểm quốc gia, là công trình mẫu nên không được phép sai sót trong quá trình thực hiện. Phải đặt vấn đề chất lượng lên hàng đầu".
Đối với tỉnh Thanh Hóa, Bộ trưởng ghi nhận và đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương trong công tác GPMB, hiện chỉ còn 1,5km. Với Ninh Bình, trong thời gian qua cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực trong GPMB nhưng còn nhiều vướng mắc về mặt bằng, xử lý nền đất yếu...
Bộ trưởng cũng bày tỏ mong muốn, sau khi HĐND các tỉnh thông qua nghị quyết thì tiến độ GPMB được đẩy nhanh vì thời gian không còn nhiều. Bộ trưởng cũng đề nghị tỉnh Ninh Bình quyết tâm hoàn thành GPMB trong tháng 3 để bàn giao cho dự án. Với tỉnh Nam Định, còn 1 hộ dân, Sở GTVT Ninh Bình phối hợp với tỉnh Nam Định tập trung để giải quyết dứt điểm trong tháng 3…
Giải quyết khâu thiếu vật liệu
Không chỉ là hai dự án thành phần kể trên, mới đây, đi kiểm tra đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu; đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cũng đã được nghe báo cáo tư vấn về mối lo thiếu vật liệu xây dựng.
Cụ thể, theo báo cáo của tư vấn TEDI, để thi công 50km đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu sẽ cần khoảng 7,9 triệu m³ đất đắp, trong đó đất tận dụng khoảng 1 triệu m³, còn thiếu 6,9 triệu khối. Đá dăm cần khoảng 500.000m³ và một số lượng cát để xử lý nền đất yếu. Trong đó, một số gói thầu sẽ sử dụng các mỏ ở khu vực Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành, trữ lượng đảm bảo nhưng đều trong dạng quy hoạch chưa được cấp phép khai thác. Đây là vấn đề đáng lo ngại nên đại diện đơn vị tư vấn TEDI đề nghị UBND tỉnh Nghệ An và đơn vị liên quan sớm thực hiện các thủ tục cấp phép cho các mỏ để đảm bảo quá trình xây dựng sắp tới.
Đối với đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt, các mỏ đã được khảo sát nằm ở huyện Diễn Châu, Nghi Lộc và Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh). Trong đó, đá phân bổ dọc theo tuyến, riêng đá bê tông nhựa lớp trên thì sẽ vận chuyển từ Yên Thành vào để đảm bảo chất lượng. Ở đoạn này các mỏ đất cũng đang trong quá trình quy hoạch chưa được cấp phép.
Về vấn đề này, ông Phạm Văn Toàn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An cho biết: Trên địa bàn tỉnh có 12 mỏ đất đã cấp phép và thăm dò, trữ lượng khoảng 6,9 triệu m³. Hiện Sở tiếp nhận hồ sơ đấu giá 30 mỏ đất san lấp trên địa bàn. Tổng trữ lượng dự kiến khoảng 45 triệu m³. Đến 10/3/2021 sẽ kết thúc tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá. Sau đó, sẽ tiến hành đấu giá, cấp phép thăm dò, đến quý III-2021 có thể cấp phép khai thác mỏ. Với trữ lượng này chắc chắn sẽ đạt yêu cầu.
Đánh giá cao sự nỗ lực của lãnh đạo tỉnh Nghệ An và các sở ngành, Thứ trưởng Nguyễn Nhật nhấn mạnh: "Bản thân chúng ta chắc chắn ai cũng mong muốn sớm có một tuyến cao tốc đảm bảo tiến độ và chất lượng cao nhất trên quê hương mình. Đây là giai đoạn quan trọng nhất để chúng ta rà soát lại lần nữa, giải quyết tất cả các vướng mắc, không để xảy ra đội giá vật liệu, chậm GPMB".
Thứ trưởng Nguyễn Nhật cũng giao Ban QLDA 6 ngay trong tuần sau phối hợp địa phương đi rà soát lại mốc GPMB toàn tuyến. Quá trình rà soát tới đâu Ban tiếp nhận tới đó, đồng thời khôi phục lại mốc đã mất; lập danh sách những vấn đề, những nơi còn vướng mắc, báo cáo tỉnh và Bộ xử lý dứt điểm.
80% địa phương sẽ có đường cao tốc vào năm 2030
Theo Bộ GTVT, đến nay cả nước có 1.139km đường cao tốc đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, trong đó khu vực phía Bắc có 898km (không phải 2.000km), miền Trung có 127km, khu vực Đông Nam Bộ có 74km và khu vực ĐBSCL có 40km.Theo Bộ Giao thông vận tải, mục tiêu của ngành là đến năm 2030, cơ bản hoàn thành các tuyến cao tốc kết nối các trung tâm kinh tế, các hành lang kinh tế chính, phấn đấu đến năm 2030 có trên 80% các địa phương có cao tốc kết nối và xây dựng hoàn thành trên 5.000km (bao gồm cả cao tốc phân kỳ quy mô đầu tư), trong đó tập trung ưu tiên hệ thống cao tốc Bắc - Nam phía Đông, một số tuyến cao tốc hướng tâm khu vực phía Bắc và phía Nam.