Dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam: Cần đảm bảo an ninh tài chính quốc gia
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam được thống nhất trình Quốc hội xem xét chủ trương đầu tư, với yêu cầu đánh giá đúng hiệu quả tài chính, kiểm soát rủi ro.
Chiều tối 6/11, sau phiên họp buổi chiều của Kỳ họp thứ 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất trình Quốc hội xem xét chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.
Kiểm soát rủi ro, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, đây là dự án có quy mô chưa từng có ở nước ta, chưa có tiền lệ thực hiện, đã được cơ quan có thẩm quyền cho ý kiến. Đây cũng là dự án tác động đến nhiều mặt kinh tế xã hội, tài chính ngân sách, nợ công trong điều kiện Việt Nam chưa có công nghệ, chưa có nguồn nhân lực, chưa chủ động được về nguồn vốn.
So thực trạng ngân sách như hiện nay, vốn đầu tư dự án chủ yếu dựa vào nguồn vốn vay. Vì vậy, ông Hải đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra để hoàn thiện hồ sơ dự án, trong đó lưu ý tiếp tục rà soát, tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư và phương án thiết kế sơ bộ đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.
Đánh giá tổng vốn đầu tư cho dự án đặc biệt lớn, do đó, để đảm bảo khả thi và an ninh tài chính quốc gia, ông Hải cho rằng, cần đánh giá kỹ lưỡng hơn, trong điều kiện đất nước đang triển khai nhiều dự án hạ tầng cấp thiết, cấp bách trong lĩnh vực giao thông vận tải, năng lượng để có giải pháp kiểm soát rủi ro.
Đặc biệt là tránh rủi ro do không hoàn thành, đưa vào sử dụng do thiếu vốn, rủi ro mất cân đối ngân sách trong trung hạn khi các khoản nợ đến hạn trả và trả lãi lớn, rủi ro phụ thuộc quá lớn vào nợ vay nước ngoài, ảnh hưởng đến sự chủ động về tài chính, ngân sách của quốc gia, Phó chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Cùng với đó, ông Hải đề nghị đánh giá kỹ yếu tố tác động đến tiến độ thực hiện dự án để có giải pháp phấn đấu đến năm 2035 cơ bản hoàn thành toàn tuyến; lưu ý việc thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ tái định cư, lựa chọn nhà đầu tư, việc đáp ứng công nghệ, nhân lực, vật liệu, nhu cầu điện trong quá trình xây dựng và triển khai, khai thác dự án.
Phó chủ tịch Quốc hội thống nhất cần có những chính sách vượt trội, đặc biệt để thực hiện dự án. Để đảm bảo khả thi và tăng tính thuyết phục, đề nghị Chính phủ rà soát lại 19 chính sách, thuyết minh cụ thể hơn, đánh giá tác động kỹ lưỡng, chỉ đưa vào nghị quyết những chính sách thực sự cần thiết, tác động tiêu cực ít, đảm bảo cơ chế phân công phối hợp kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan đơn vị, cơ chế kiểm tra, giám sát, không để xảy ra thất thoát, lãng phí.
Ông Hải đề nghị rà soát, hoàn thiện các tiêu chuẩn và định mức, đảm bảo tính đồng bộ khi thực hiện. Đồng thời, thuyết minh thêm về công nghệ và chuyển giao để làm chủ công nghệ và nguyên vật liệu. Cần làm rõ các điều kiện xây dựng, khai thác dự án, ưu tiên phát triển công nghiệp phụ trợ. Ngoài ra, ông cũng yêu cầu làm rõ nhu cầu vận tải, hiệu quả kinh tế - xã hội và tài chính của dự án.
Đánh giá khả năng ngân sách nhà nước phải bù lỗ
Theo Báo cáo thẩm định của Hội đồng thẩm định Nhà nước, dự báo doanh thu và tăng trưởng doanh thu đang cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị rà soát kỹ lưỡng để đánh giá đúng thực tế hiệu quả tài chính của dự án và khả năng ngân sách nhà nước phải bù lỗ trong tương lai cho hoạt động kinh doanh vận tải.
Về phạm vi, quy mô đầu tư và phương án thiết kế sơ bộ, có ý kiến đề nghị bổ sung, thuyết minh các phương án so sánh để làm rõ cơ sở lựa chọn hướng tuyến dự án theo đề xuất của Chính phủ, đồng thời làm rõ hướng tuyến theo nguyên tắc “thẳng nhất có thể”, nhất là đoạn đi qua tỉnh Nam Định, để bảo đảm hiệu quả cho dự án.
Để bảo đảm tối đa hiệu quả cho dự án thì các vị trí ga phải được bố trí thuận lợi thu hút được nhiều hành khách nhất. Trong khi đó, các ga hành khách tại một số địa phương được bố trí cơ bản không nằm trong các vị trí trung tâm đô thị, vì vậy ông Thanh đề nghị làm rõ việc lựa chọn các vị trí ga của dự án.
Về hiệu quả kinh tế - xã hội, tài chính, có ý kiến đề nghị làm rõ các cơ sở tính toán về dự báo nhu cầu vận tải của dự án, khi thực tế thời gian qua, việc dự báo nhu cầu vận tải của nhiều dự án giao thông BOT có sự chênh lệch lớn so với thực tế, dẫn đến thiếu hiệu quả về phương án tài chính phải điều chỉnh hợp đồng dự án.
Bên cạnh đó, ông đề nghị bổ sung làm rõ ảnh hưởng của việc dự án đưa vào khai thác đến hiệu quả của các chặng bay quãng ngắn, cũng như đầu tư phát triển của các cảng hàng không trong tương lai.
Ngoài ra, tuyến đường sắt hiện hữu sẽ được tiếp tục cải tạo, nâng cấp để vận chuyển hàng hóa, khách du lịch chặng ngắn và triển khai theo dự án riêng nên cân nhắc đánh giá tổng thể chung việc đầu tư hoàn thiện cả hai hệ thống đường sắt để có cơ sở quyết định đầu tư phù hợp.
Theo ông Thanh, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án vượt quá (bằng 114%) tổng vốn đầu tư công trung hạn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 (tối đa là 1.500.000 tỷ đồng, đã bao gồm số dự phòng) và tương đương 59,7% tổng mức vốn đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách nhà nước cùng giai đoạn. Trong khi đó, giai đoạn 2026 - 2030, nguồn lực đầu tư công cần ưu tiên tiếp tục đầu tư các dự án, chương trình quan trọng.
Với nhu cầu vốn triển khai dự án rất lớn như trên, để đảm bảo nguồn vốn cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để huy động nguồn lực, tăng thu ngân sách nhà nước, cắt giảm chi thường xuyên và có thể phải chấp nhận bội chi ngân sách nhà nước tăng lên trong một số năm.
Vì vậy, cần nghiên cứu, xem xét thận trọng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế lưu ý.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến tham gia chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự án và dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam gửi Quốc hội, Ủy ban Kinh tế hoàn thiện báo cáo thẩm tra trình Quốc hội xem xét.
Tuyến đường sắt tốc độ cao bắt đầu tại Hà Nội (ga Ngọc Hồi) và kết thúc tại TP.HCM (ga Thủ Thiêm), đi qua 20 tỉnh, thành phố; chiều dài tuyến khoảng 1.541 km. Về quy mô, dự án xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Dự kiến lựa chọn tốc độ thiết kế 350km/h, dự án sơ bộ có tổng nhu cầu sử dụng đất khoảng 10.827 ha, số dân tái định cư khoảng 120.836 người. Cơ quan trình đề xuất hình thức đầu tư là đầu tư công, việc phân chia dự án thành phần được thực hiện khi phê duyệt dự án đầu tư. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 1.713.548 tỷ đồng, tương đương khoảng 67,34 tỷ USD.