Dự báo danh mục VN30, hai 'đầu tàu' nhóm bất động sản khả năng bị loại
BSC dự báo trong kỳ điều chỉnh sắp tới của HoSE, chỉ số VN30 nhiều khả năng thêm mới 2 mã ngân hàng và loại bỏ 2 mã bất động sản.
Trong báo cáo thị trường tuần 3/7-7/7, Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) cho biết, ngày 17/7/2023, HoSE sẽ công bố danh mục các cổ phiếu thuộc chỉ số VN30 và VN-Finlead, có hiệu lực từ ngày 7/8/2023.
Căn cứ trên số liệu kết thúc tại ngày 30/6/2023, BSC dự báo, chỉ số VN30 sẽ thêm mới 2 cổ phiếu SSB và SHB, đồng thời sẽ loại bỏ cổ phiếu PDR do giá trị vốn hóa nằm ngoài top 40 và NVL do đang trong diện bị cảnh báo. Hiện tại có 4 chứng chỉ quỹ ETF đang tham chiếu theo chỉ số VN30 và giao dịch tại HoSE bao gồm: E1VFVN30, FUESSVN30, FUEMAVN30, FUEKIV30 với tổng tài sản ước tính khoảng 9.137 tỷ đồng.
Chỉ số VN-Finlead dự kiến sẽ không có thay đổi nào trong kỳ đánh giá lần này. Giá trị có thể sai lệch đến từ việc tỷ lệ free-float áp dụng. Hiện tại đang có 1 chứng chỉ quỹ ETF (FUESSVFL) đang tham chiếu chỉ số này với tài sản 4.207 tỷ đồng.
Với dự báo đó, BSC dự kiến SSB sẽ được mua mới 14,6 triệu cổ phiếu, SHB được mua mới 19,5 triệu cổ phiếu. Ngược lại, NVL dự kiến bị bán ra hơn 9 triệu cổ phiếu và PDR bị bán ra 2,3 triệu cổ phiếu. Ngoài ra, trong kỳ điều chỉnh lần này, VPB và MBB cũng được dự báo sẽ bị bán ra hơn 1 triệu cổ phiếu.
PDR và NVL là hai cổ phiếu chịu “làn sóng” bán tháo, bán giải chấp trong giai đoạn cuối năm 2022. Mặc dù thời gian qua, dòng tiền mua đã quay trở lại giúp thị giá phục hồi phần nào nhưng để trở về như thời kỳ “hoàng kim” năm 2021 thì còn rất xa.
PDR của Bất động sản Phát Đạt lao dốc từ vùng giá sát 70.000 đồng xuống vùng đáy 10.000 đồng, tức giảm 5 lần. Vốn hóa “rơi” từ gần 47.000 tỷ đồng xuống chỉ còn gần 7.000 tỷ đồng. Hiện PDR đang giao dịch ở vùng giá gần 17.000 đồng, vốn hóa đạt hơn 11.400 tỷ đồng. Đây cũng là một trong 3 mã có giá trị thấp nhất VN30, cùng với POW và NVL.
NVL của Novaland có tốc độ “rơi” còn mạnh hơn PDR, khi giảm từ vùng 86.000 đồng xuống vùng đáy 10.000 đồng. Vốn hóa của Novaland trên sàn chứng khoán “bốc hơi” gần 150.000 tỷ đồng sau 5 tháng (từ 168.000 tỷ đồng xuống 19.500 tỷ đồng). Hiện NVL đang giao dịch ở vùng giá gần 15.000 đồng, vốn hóa đạt gần 29.000 tỷ đồng.
Cổ phiếu NVL của Novaland bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) đưa vào diện cảnh báo từ ngày 25/4, do chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán 2022. Công ty đã công bố báo cáo tài chính kiểm toán ngay sau đó nhưng đến nay vẫn chưa có quyết định mới từ HoSE.
Nhận định về thị trường chứng khoán tuần này, BSC cho biết, áp lực chốt lãi xuất hiện khi chỉ số tiến gần đến cản ngắn hạn tại 1.150 điểm và đón nhận thông tin GDP kém khả quan. Tâm lý thận trọng trước mùa công bố kết quả kinh doanh kéo theo thanh khoản thu gọn và vòng tiền luân chuyển giữa nhóm ngành chậm lại. Thị trường nhiều khả năng cần một khoảng thời gian tích lũy tạo nền giá từ 1.100 – 1.125 điểm cùng với sự phân hóa cổ phiếu trước khi có sự đồng thuận và thông tin hỗ trợ để tiếp tục vận động theo xu hướng tăng điểm hiện tại.