Dư địa tăng trưởng năm 2024 vào tay ngành hàng nào?
Dư địa tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2024 sẽ không chia đều cho các ngành hàng, mà dự báo tiếp tục vào tay ngành gạo, rau quả, cà phê, điều. Nhóm công nghiệp chế biến nhiều khả năng vẫn trầy trật vì cầu phục hồi chậm.
Nông sản tiếp tục ghi điểm
Xuất khẩu các sản phẩm của ngành nông nghiệp có đóng góp ấn tượng, là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu Việt Nam trong năm 2023, đặc biệt là gạo, rau quả, cà phê, hạt điều. Bốn mặt hàng trên cùng với thủy sản đã đóng góp ước tính 32,3 tỷ USD trong tổng kim ngạch xuất khẩu 354,5 tỷ USD của cả nước.
Nổi bật trong nhóm này là mặt hàng hàng rau quả với kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 6 tỷ USD, tăng 78,6%; gạo 4,7 tỷ USD, tăng 36,1%; điều 3,1 tỷ USD, tăng 16,7%.
Nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo - vốn có đóng góp lớn nhất vào kim ngạch xuất khẩu, phải đối mặt đà giảm sâu, đặc biệt là hàng dệt may, giày dép, điện thoại, gỗ và sản phẩm gỗ… Do đều là các ngành hàng có kim ngạch từ trên chục tỷ đến vài chục tỷ USD, nên sự suy giảm này đã kéo giảm kim ngạch xuất khẩu năm 2023 âm 4,6%, tức hụt hơi khoảng 17 tỷ USD.
Theo dự báo của Bộ Công thương, năm 2024, sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức lớn.
Báo cáo của Bộ Công thương cũng chỉ ra những áp lực bên ngoài đối với sản xuất công nghiệp và hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2024. Trong đó, kênh thương mại quốc tế suy giảm mạnh khi nhiều nền kinh tế là đối tác lớn của Việt Nam tăng trưởng chậm, dẫn đến tổng cầu khó phục hồi.
Kênh đầu tư quốc tế cũng không khả quan, khi mặt bằng lãi suất thế giới nhìn chung còn neo ở mức cao, khó thu hút vốn cho đầu tư nói chung và trực tiếp tạo áp lực trong việc giữ vốn đã đầu tư ở lại Việt Nam.
Cuối cùng, kênh tài chính tiền tệ với áp lực mất giá đồng nội tệ so với USD, tuy phần nào thuận lợi cho xuất khẩu, nhưng sẽ khiến chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tăng cao và làm tăng quy mô thanh toán của các khoản nợ nước ngoài.
“Kinh tế toàn cầu năm 2024 được dự báo tiếp tục đối mặt với những thách thức từ tăng trưởng yếu và lạm phát tăng cao, tăng trưởng dự kiến chậm lại chủ yếu do việc thắt chặt chính sách tiền tệ được thực hiện trong 2 năm qua”, Bộ Công thương nhận định.
Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho hay, sự phục hồi yếu hơn dự kiến của nhu cầu bên ngoài tiếp tục cản trở tăng trưởng công nghiệp và dịch vụ, làm chậm quá trình phục hồi của việc làm và tiêu dùng trong nước của Việt Nam.
Đà phục hồi trong năm 2024 với với xuất khẩu một số mặt hàng công nghiệp chế biến như dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ... được nhận định còn chậm. Riêng nhóm hàng nông sản, gạo, trái cây vẫn sẽ là điểm sáng trong năm 2024 do đơn hàng về nhiều, nhu cầu nhập khẩu của thế giới vẫn tăng và Việt Nam đã ghi điểm là nhà cung ứng hàng xuất khẩu nông sản ngày càng chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu từ các thị trường khó tính.
Củng cố vị thế nhà cung ứng
Với gạo, mục tiêu xuất khẩu năm 2024 dự tính mang về 5,3 tỷ USD, tăng gần 13% so với năm 2023.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho hay, xuất khẩu gạo trong nửa đầu năm tới tiếp tục thuận lợi do nhu cầu thế giới cao. Năm 2023, trong bối cảnh an ninh lương thực bất ổn, Ấn Độ, Nga thắt chặt xuất khẩu, Việt Nam nổi lên là quốc gia xuất khẩu với sản lượng lớn, nhiều chủng loại gạo chất lượng cao, ổn định cho nhiều phân khúc thị trường, từ châu Á tới châu Âu.
Theo Tập đoàn Tân Long, doanh nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu 700.000 tấn gạo trong năm 2024, khoảng 10 - 20% trong sản lượng đó sẽ là lúa chất lượng cao xuất đến các thị trường châu Âu.
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ dự báo, sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2023 - 2024 sẽ đạt gần 518 triệu tấn. Trong khi tổng mức tiêu thụ của thế giới là 525 triệu tấn, tăng 2,8 triệu tấn so với năm trước. Ấn Độ có khả năng duy trì hạn chế xuất khẩu gạo, là cơ hội thuận lợi cho xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Đối với ngành cà phê, nhiều chuyên gia đầu ngành dự báo giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam trong năm tới tiếp tục trì ở mức cao, thậm chí có thể lập đỉnh mới trong năm 2024 do những lo ngại về nguồn cung cà phê toàn cầu. Dự báo xuất khẩu cà phê có thể thu về 4,3-4,5 tỷ USD trong năm 2024.
Ngành rau quả cũng bận rộn hơn trong năm tới nhờ cú hích từ loạt nghị định thư đã ký để tăng tốc xuất hàng sang Trung Quốc. “Đòn bẩy” từ thị trường tỷ dân này đã mang lại doanh thu gần 6 tỷ USD năm 2023 (riêng xuất khẩu sang Trung Quốc tăng thêm khoảng 2 tỷ USD nhờ mặt hàng sầu riêng).
Với việc dưa hấu vừa được phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, đến thời điểm này có 14 loại nông sản của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này. Ngành nông nghiệp kỳ vọng sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, giao thương nông sản sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn, tạo thêm doanh thu xuất khẩu hàng tỷ USD trong năm 2024.
Thị trường xuất khẩu rộng mở nhờ 16 FTA đang thực thi, dự kiến nâng lên 17 FTA vào năm tới. Quan hệ chính trị tốt đẹp được củng cố, nâng cấp với các đối tác lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, tạo tiền đề để xuất khẩu rộng đường hơn. Nhưng nông sản vốn là ngành hàng nhạy cảm, cũng nhiều rủi ro, nhất là các rào cản kỹ thuật được nhiều thị trường lớn dựng lên.
Bà Ngô Tường Vy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho hay, thị trường đã mở, nhưng nếu doanh nghiệp không liên tục cải tiến sản xuất, chế biến, nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu, cải thiện giá bán… thì sẽ khó tận dụng được cơ hội.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/du-dia-tang-truong-nam-2024-vao-tay-nganh-hang-nao-d205974.html