Du lịch Đông Nam Á và cơ hội lớn từ thị trường khu vực

i dịch Covid-19 đã làm chững lại sự phát triển của Đông Nam Á, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch. Các quốc gia ASEAN đang háo hức đón chào sự trở lại của khách du lịch quốc tế, song thực ra nguồn khách nội địa và trong khu vực mới thực sự quan trọng trong giai đoạn chuyển giao này.

Bức tranh tươi sáng về Đông Nam Á

Nhiều năm qua, Đông Nam Á là một trong những khu vực năng động và giàu tiềm năng phát triển bậc nhất trên thế giới. Theo một thống kê vào năm 2019, tổng sản phẩm quốc nội của 10 quốc gia ASEAN đạt tới 3200 tỷ USD, đưa khu vực này trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trên toàn cầu, chỉ sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức.

Ảnh minh họa: Internet

Với các dự báo tăng trưởng kinh tế đầy lạc quan và các cam kết vững chắc cho một thị trường mở và hội nhập, ASEAN thậm chí còn được khẳng định đang trên đường trở thành nền kinh tế lớn thứ tư vào năm 2030. Tuy nhiên, đó là câu chuyện trước đại dịch Covid-19. Không thể phủ nhận, đại dịch đã ngăn cản Đông Nam Á vươn mình trở thành một con rồng kinh tế thực sự, không chỉ tại châu Á, mà còn trên toàn thế giới.

Tất nhiên, mọi quốc gia, kể cả 2 cường quốc hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc, đều chịu thiệt hại nặng nề bởi đại dịch Covid-19, cũng như bất cứ khu vực nào trên thế giới, song rõ ràng tác động của nó đối với Đông Nam Á là không thể so sánh. Lý do vì những lĩnh vực bị tác động mạnh mẽ nhất bởi đại dịch Covid-19 là thu hút đầu tư nước ngoài, xuất nhập khẩu và đặc biệt du lịch lại đóng vai trò như những động lực chính của gần như mọi nền kinh tế tại Đông Nam Á. Thậm chí, doanh thu từ du lịch còn chiếm tới gần 20% giá trị nền kinh tế của Thái Lan, một trong những quốc gia điển hình của Đông Nam Á.

Rõ ràng, những viễn cảnh về Đông Nam Á trước đại dịch Covid-19 là vô cùng tươi sáng, từ những quốc gia đã có lịch sử phát triển khá lâu đời như Singapore hay những nền kinh tế rất năng động như Indonesia và Việt Nam. Thậm chí trước đại dịch, một nghiên cứu chỉ ra rằng có tới 65% dân số trong khu vực Đông Nam Á sẽ bước vào tầng lớp trung lưu vào năm 2030, trong đó 60% trong số này là những người dưới 35 tuổi, khiến họ trở thành người tiêu dùng hoàn hảo cho thị trường du lịch quốc tế.

Thực tế trong năm 2019, ASEAN-6, gồm các quốc gia năng động hàng đầu khu vực là Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Singapore và Việt Nam, đã chi gần 90 tỷ đô la Mỹ cho chi phí du lịch nước ngoài. Có nghĩa, tổng số chi tiêu cho du lịch quốc tế của ASEAN-6 xấp xỉ một phần ba của Trung Quốc, quốc gia chi tiêu lớn nhất cho du lịch toàn cầu và đóng góp gần 20% tổng chi tiêu cho du lịch quốc tế!

Mặc dù dân số nhỏ, Singapore là quốc gia chi tiêu nhiều nhất trong ASEAN-6, với 25,24 tỷ USD vào năm 2019. Tiếp theo là Thái Lan ở vị trí thứ hai với 16,85 tỷ USD. Trong khi đó, khách du lịch từ Indonesia, Malaysia và Philippines đã chi khoảng 12 tỷ đến 14 tỷ USD trong năm trước khi đại dịch Covid-19 ập đến này. Theo thống kê của McKinsey, Việt Nam cũng chi tới gần 6 tỷ USD cho du lịch quốc tế vào năm 2019.

ASEAN đã cho thấy sự tăng trưởng ổn định trong chi tiêu du lịch quốc tế những năm qua, nhưng đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch quốc tế của khu vực này. Tổng chi tiêu cho du lịch quốc tế từ ASEAN-6 giảm xuống còn 24,83 tỷ USD vào năm 2020 và chỉ tăng lên 38,55 tỷ USD vào năm 2021. Dữ liệu từ Economist Intelligence Unit dự đoán rằng tổng chi tiêu cho du lịch quốc tế của ASEAN-6 sẽ chỉ trở lại mức trước đại dịch vào năm 2024.

Có nghĩa, khoảng thời gian từ 2 đến 3 năm tới là thời điểm tốt để ngành du lịch các quốc gia Đông Nam Á cần khai thác triệt để tiềm năng du lịch rất lớn từ chính những khách hàng trong nước và trong khu vực, trước khi nghĩ đến thị trường khách du lịch từ các khu vực và lục địa khác.

Du lịch Đông Nam Á cần làm gì?

Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý ASEAN dù là một khu vực đồng nhất, nhưng có các phân khúc thị trường rất đa dạng. Để thu hút khách du lịch từ khu vực này đòi hỏi sự hiểu biết về sự đa dạng và các hành vi du lịch của từng quốc gia.

Du lịch Việt Nam cũng cần khai thái triệt để khách quốc tế từ chính các nước ASEAN. Ảnh minh họa: Internet

Theo nghiên cứu của Ủy ban Du lịch châu Âu, Singapore có một lượng lớn khách du lịch đến Úc trong năm 2017. Trong khi đó, Indonesia, quốc gia có dân số đông nhất trong ASEAN, đã ghi nhận một số lượng đáng kể du khách đến các quốc gia Trung Đông, do dân số có nhiều người theo hồi giáo.

Cũng rất thú vị khi phân tích sở thích của các công dân ASEAN nói chung. Trong một cuộc khảo sát gần đây do Viện ISEAS-Yusof Ishak công bố, Nhật Bản đứng đầu danh sách các điểm đến du lịch yêu thích, với 22,8% công dân ASEAN trong cuộc khảo sát chọn nước này là điểm đến yêu thích của họ trong kỳ nghỉ.

Những người chọn Nhật Bản chủ yếu đến từ Lào, Singapore, Thái Lan, Philippines, Indonesia và Malaysia. Trong khi đó, Liên minh châu Âu và chính các nước ASEAN lần lượt đứng thứ hai và thứ ba trong số các điểm nước ngoài đến được yêu thích nhất, với 19,2% và 14,0% tỷ lệ phiếu bầu.

Cụ thể hơn, trong số những người ASEAN chọn chính các quốc gia Đông Nam Á là điểm đến yêu thích, Singapore là lựa chọn hàng đầu với 27,9%, tiếp theo là Thái Lan và Indonesia. Điều thú vị là một số người ASEAN được hỏi trong cuộc khảo sát đã chuyển sang du lịch nội địa do những vấn đề liên quan đến đại dịch Covid-19. Ví dụ, hơn một nửa số người Thái Lan được hỏi thích đi du lịch ở chính đất nước của họ.

Mặc dù sở hữu lượng khách du lịch nước ngoài đầy hứa hẹn, nhưng nhiều nước ASEAN lại không được hưởng đặc quyền đi du lịch một cách tự do. Người mang hộ chiếu Indonesia, Philippines, Việt Nam, Lào, Miến Điện và Campuchia có thể sẽ phải đối mặt với những thách thức khi đi du lịch, đặc biệt là đến các quốc gia đòi hỏi lệ phí thị thực cao và khắt khe về thủ tục giấy tờ.

Song điều đó lại chính là một yếu tố thuận lợi để các quốc gia Đông Nam Á khai thác triệt để nguồn “khách quốc tế” trong chính khu vực của mình. Cần lưu ý thêm, các hoạt động đón khách du lịch quốc tế tại Đông Nam Á đều đã sẵn sàng. Nhiều quốc gia như Thái Lan, Philippines, Campuchia, Việt Nam hay Singapore đều đã và sẽ sớm chọn chung sống với đại dịch, đều đang mở rộng biên giới của mình với các du khách.

Như vậy, khách du lịch trong nước và đặc biệt khách du lịch khu vực đang là những thị trường rất rộng lớn và đầy tiềm năng mà ngành du lịch Đông Nam Á cần phải khai thác triệt để, trước khi nghĩ tới viễn cảnh du lịch toàn cầu trở lại hoàn toàn bình thường.

Hải Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/du-lich-dong-nam-a-va-co-hoi-lon-tu-thi-truong-khu-vuc-post187395.html