Du lịch 'Inbound' và câu chuyện khai thác du lịch sông Cu Đê

Không ít người, nhất là những người làm trong lĩnh vực du lịch đều hiểu được ý nghĩa của từ tiếng Anh: Inbound, nghĩa tiếng Việt là 'bên trong'.

Vẻ đẹp hoang sơ thượng nguồn sông Cu Đê.

Vẻ đẹp hoang sơ thượng nguồn sông Cu Đê.

Nếu gắn với hoạt động du lịch thì thuật ngữ ngày có thể hiểu là “từ nơi khác di chuyển đến bên trong một địa điểm nào đó”. Mở rộng ra, du lịch Inbound được xác định là một người thuộc quốc gia nào đó đến tham quan, trải nghiệm khám phá các địa điểm du lịch bên trong quốc gia sở tại. Hay dễ hiểu hơn, du lịch inbound tại đất nước Việt Nam là tour du lịch dành cho người Việt sinh sống và làm việc tại các quốc gia nước ngoài quay trở về du lịch trong nước hay những du khách nước ngoài đến Việt Nam.

Xét trên bình diện cả nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng thì du lịch Inbound còn nhiều dư địa để phát triển. Lấy ví dụ khai thác các tuyến du lịch đường sông mà từ nhiều năm nay những con sông ở Đà Nẵng, tuy được đưa vào khai thác nhưng vẫn còn chưa triệt để, hoặc diễn ra chậm hơn kế hoạch, thậm chí là còn bỏ ngỏ. Đơn cử như con sông Cu Đê, một con sông đẹp nối liền “phố với núi”, “quận với huyện” duy nhất của Đà Nẵng với phong cảnh hữu tình, cùng với cảnh vật thiên nhiên mang đậm sắc thái của miền quê thanh bình, những đặc điểm gây được sự quan tâm, thích thú của không ít du khách gần xa, đặc biệt là du khách nước ngoài.

Sông Cu Đê (còn có tên gọi khác là Sông Trường Định) tọa lạc ở phía Tây Bắc TP Đà Nẵng. Nước Cu Đê quanh năm trong xanh, được hợp thành từ 2 nguồn nước sông Nam và sông Bắc chảy từ núi Trường Sơn hùng vĩ. Hai chi lưu chính chính đó hợp lưu lại tạo thành dòng sông Cu Đê ở xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang và hạ nguồn là cửa biển Nam Ô, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu.

Nói về khai thác du lịch trên tuyến sông này, có một điều hơi lạ là trong 5 tuyến đường thủy nội địa của thành phố thì chưa tuyến nào cho phép tàu được vận chuyển khách du lịch hoạt động trên sông trong đó có sông Cu Đê, một con sông rất đẹp, là tuyến đường thủy nối Làng biển Nam Ô (Liên Chiểu) với Làng quê du lịch Hòa Bắc (Hòa Vang). Nguyên nhân chưa đưa vào khai thác có nhiều, theo người viết được biết là do một số tuyến vướng hạ tầng về bến bãi, một số thì do cầu qua sông có độ thông thuyền thấp, tàu lớn không lưu thông qua lại được, trong khi tuyến sông Cu Đê không vướng cây cầu nào bắc qua. Riêng tuyến sông Cu Đê, từ năm 2021, các sở, ban, ngành trên địa bàn thành phố đã nghiên cứu, khảo sát để hình thành các điểm trên tuyến Cu Đê - Trường Định (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) phục vụ cho hoạt động du lịch của thành phố.

Được biết, tuyến sông Cu Đê - Trường Định có 4 vị trí được quy hoạch cảng, bến thủy nội địa tại các khu vực phía bắc cầu Nam Ô (X1); bến Hầm Vàng (X2); phía tây dự án Golden Hills mở rộng (phía tây cầu Trường Định) (X3); khu vực Khe Răm, xã Hòa Bắc (X4). Trong đó các bến đều đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết TL 1:500. Dự kiến quy mô đầu tư bến neo đậu tàu thuyền, đón trả khách kết hợp với các hoạt động thương mại dịch vụ. Nếu thành phố cho phép du lịch tuyến Nam Ô - Hòa Bắc thì người dân khu vực sông Cu Đê của quận Liên Chiểu và huyện Hòa Vang sẽ nhận được nhiều lợi ích từ các hoạt động du lịch. Thành phố muốn phát triển du lịch khu vực Nam Ô – Hòa Bắc, trong đó khu vực Nam Ô có nhiều ngư dân đã lớn tuổi hiện đang mưu sinh bằng nghề lưới và rớ, vì vậy nên quan tâm tạo điều kiện cho bà con chuyển đổi ngành nghề, vì nếu có tuyến du lịch đường sông này, họ sẽ có cơ hội chuyển đổi qua tàu phục vụ khách như đội tàu của TP Hội An (Quảng Nam) để đảm bảo cuộc sống.

Nói về du lịch tuyến sông này, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bắc Lê Thị Thu Hà cho biết: Tổng Giám đốc Mikazuki Đà Nẵng trong một lần lên Hòa Bắc, chứng kiến phong cảnh hữu tình của nơi đây đã tỏ ý muốn tổ chức những chuyến tàu đưa khách của mình lên Hòa Bắc thưởng trà vào buổi chiều vì cảnh vật rất phù hợp với trà đạo truyền thống của người Nhật. Ngoài ra cũng nên nghiên cứu làm tour đi Hòa Bắc theo kiểu tour dành cho khách quốc tế inbound style bằng thuyền đi ngược sông, đến nơi sẽ đạp xe quanh làng, rồi thưởng thức cà-phê, học nấu ăn, ăn trưa v.v...

Tiềm năng để khai thác du lịch sông nước tuyến Nam Ô - Hòa Bắc còn rất dồi dào, nếu được thành phố quan tâm khai thác, sẽ tạo ra một loại hình du lịch hấp dẫn du khách gần xa, đặc biệt là du khách nước ngoài ưa thích loại hình Du lịch Inbound. Hy vọng trong tương lai gần, Đà Nẵng sẽ có thêm loại hình du lịch mới, góp phần tạo thêm điểm đến hấp dẫn và mới lạ cho thành phố.

DÂN HÙNG

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/du-lich-inbound-va-cau-chuyen-khai-thac-du-lich-song-cu-de-post297652.html