Du lịch mùa mưa bão: Chú trọng an toàn

Một số tour tuyến khởi hành từ TPHCM và các tỉnh phía Nam đến khu vực phía Bắc đã được 'kích hoạt' trở lại. Doanh nghiệp du lịch cho biết, luôn theo sát diễn biến thời tiết, kết nối thông tin với các địa phương, qua đó đưa ra những khuyến cáo phù hợp, giúp khách có chuyến trải nghiệm vui vẻ, an toàn.

Chọn điểm đến an toàn

Khách du lịch trong và ngoài nước đã bắt đầu đến với các tỉnh thành từng bị ảnh hưởng nặng nề do bão, lũ… Số liệu cập nhật mới nhất từ huyện đảo Cát Bà (Hải Phòng), 80% khách sạn, nhà hàng đã hoạt động trở lại; khoảng 35.000 lượt khách đến tham quan Cát Bà trong gần 1 tháng kể từ sau bão số 3. Cách đây ít ngày, vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) đã đón hơn 3.000 khách tàu biển quốc tế cập cảng vui chơi, du lịch…

Ông Phạm Anh Vũ, Giám đốc Truyền thông Công ty CP Truyền thông du lịch Việt, đánh giá, du khách TPHCM nói riêng, miền Nam nói chung rất mê du lịch khu vực phía Bắc. Những ngày đầu tháng 10, đơn vị đã liên tiếp đưa một số đoàn khách từ TPHCM ra các tỉnh phía Bắc. “Chúng tôi đeo bám thông tin thời tiết, nguy cơ sạt lở sau mưa lũ ở từng địa phương, kết nối chặt chẽ với điểm đến nhằm cảnh báo kịp thời cho du khách”, ông Phạm Anh Vũ nói.

 Đoàn khách TPHCM tham quan Điện Biên đầu tháng 10-2024 do Lữ hành Vietluxtour thực hiện. Ảnh: THU TRẦN

Đoàn khách TPHCM tham quan Điện Biên đầu tháng 10-2024 do Lữ hành Vietluxtour thực hiện. Ảnh: THU TRẦN

Thay vì chọn tour đường bộ qua vùng đồi núi khó đi, một số đơn vị chọn các đường bay thẳng để khách tiết kiệm thời gian, an toàn hơn… Lữ hành Vietluxtour vừa đưa đoàn khách TPHCM trải nghiệm tour liên tuyến Điện Biên (Việt Nam) - Oudomxay - Luang Prabang (Lào) kéo dài 6 ngày. Khách được bay thẳng từ TPHCM ra Điện Biên, sau đó từ Điện Biên di chuyển bằng ô tô sang Lào.

Kết thúc chuyến tham quan và trở về TPHCM an toàn, cả đoàn ai nấy đều vui vẻ, hy vọng sẽ có thêm nhiều chuyến du lịch thú vị như chuyến vừa rồi để trải nghiệm những vùng đất mới… Ông Trần Thế Dũng, Tổng Giám đốc Lữ hành Vietluxtour cho hay, đây là tour liên tuyến mới, đồng thời cũng là một trong những tour đầu tiên khởi hành sau bão số 3.

Trao đổi với PV Báo SGGP, một số công ty du lịch cho biết, đến thời điểm này, việc bảo đảm an toàn cho du khách vẫn được đặt lên hàng đầu. Vietravel nói rằng, đơn vị đã có các đoàn khách đến với khu vực phía Bắc, nhưng tập trung nhiều tại Hà Nội cũng như các tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng.

Ông Thái Doãn Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Công đoàn TPHCM, chia sẻ, tháng 9 vừa qua, công ty hoãn chuyến du lịch của đoàn 500 khách đến với một tỉnh phía Bắc. Đơn vị đã đặt vé máy bay, khách sạn, nhà hàng… lên tới hàng tỷ đồng, nhưng vẫn dời tour sang dịp khác để đảm bảo an toàn tối đa cho khách.

Tương tự, Saco Travel cũng xác nhận dời tour cho hàng chục đoàn khách trong tháng 9 vừa qua. Lữ hành Vietluxtour cho biết, hàng chục đoàn khách nội địa đã dời ngày khởi hành trong tháng 9 sang các tháng cuối năm, nhằm đảm bảo an toàn.

Đồng hành cùng du khách

Theo đại diện các công ty du lịch, doanh nghiệp lữ hành bắt buộc phải mua bảo hiểm du lịch cho khách đoàn, đồng hành cùng khách trong suốt chuyến đi… Trong khi đó, nhóm khách đi tự túc chưa lưu tâm loại bảo hiểm này.

Ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ, nhận định, nhóm khách lẻ, nhất là “phượt thủ”, thường không quan tâm mua bảo hiểm du lịch cá nhân, do họ chưa thấy hết những cái lợi khi đóng bảo hiểm. Ông Dũng kể lại câu chuyện mới đây, một vị khách du lịch tại Phú Quốc (Kiên Giang) đi chơi vô tình sụp hố té trật khớp xương. Người khách này có mua bảo hiểm du lịch, nên đã được bảo hiểm chi trả đến nơi đến chốn, gồm thăm khám, phẫu thuật, lưu trú tại bệnh viện…

“Có thể khách tự tin rằng không gặp rủi ro khi đi chơi xa hoặc cũng có người ngại phiền hà khi mua bảo hiểm. Nhưng với kinh nghiệm lâu năm gắn bó trong ngành du lịch, tôi cho rằng du khách nên mua bảo hiểm du lịch để bảo vệ bản thân trước những tình huống bất trắc”, ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ đưa ra lời khuyên.

Hiện nay, phần lớn thông tin về “gói” sản phẩm bảo hiểm du lịch đều được công khai, nên khách dễ dàng tìm mua. Ghi nhận từ một số công ty bán sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ như Bảo Việt, PVI…, mức đóng phí bảo hiểm du lịch trong nước từ 15.000-30.000 đồng/người/ngày, tương ứng hạn mức bảo hiểm từ 100 triệu đồng trở lên. Với hạn mức bảo hiểm lên tới 1 tỷ đồng/chuyến đi thì mức đóng phí khoảng 150.000 đồng/ngày. Tuy vậy, các công ty bảo hiểm lưu ý khách đọc kỹ các điều khoản, nhất là trường hợp không được bảo hiểm chi trả.

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, nhận định, những tháng gần đây rơi vào mùa thấp điểm của du lịch quốc tế nhưng Việt Nam vẫn có sự tăng trưởng tốt về dòng khách ngoại. Ngành du lịch có thể đạt mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay, phục vụ khoảng 110 triệu khách nội địa, tổng thu 840.000 tỷ đồng.

Thêm nữa, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương đầu tư xây dựng các sản phẩm dịch vụ mới, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đi lại (chính sách thị thực, cải thiện thời gian lưu trú, miễn giảm thuế…) chính là điểm tựa giúp ngành du lịch vượt qua khó khăn sau bão.

THI HỒNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/du-lich-mua-mua-bao-chu-trong-an-toan-post762738.html