Du lịch y tế với y học cổ truyền: Có thế mạnh, nhưng chẳng mấy ai biết!

Dù là quốc gia có một nền y học cổ truyền lâu đời với nhiều bài thuốc quý hiếm, nhiều phương pháp điều trị mang lại chất lượng sống tốt cho người bệnh, nhưng từ rất lâu chúng ta lãng quên, không biết phát huy tiềm năng, thế mạnh của ngành y học cổ truyền ra thị trường quốc tế, trước hết là khách du lịch.

 Một ca cấy chỉ giảm cân tại Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM.

Một ca cấy chỉ giảm cân tại Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM.

Thế mạnh...

Xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu, cứu ngải... là các phương pháp điều trị không dùng thuốc, phương pháp này đã chứng minh hiệu quả điều trị, nâng cao chất lượng sống cho người bệnh trong nhiều trường hợp mà Tây y khó giải quyết được như bệnh liệt mặt, liệt dây thanh quản không nói được... Đó là một trong những ưu điểm và sự khác biệt của y học cổ truyền.

Bà Angie Novak, Việt kiều Mỹ sống tại Las Vegas, Nevada vui mừng cảm ơn bác sĩ và tập thể nhân viên của khoa Y học cổ truyền Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM vì đã lấy lại giọng nói và cải thiện chất lượng sống cho bà.

Bà Novak bị khối u não ở vị trí nguy hiểm, sau ca mổ ở Mỹ bà bị mất giọng nói. Sáu tháng sau, sức khỏe của bà hồi phục dần nhưng đầu óc luôn choáng váng, đi đứng như người say rượu, lỗ tai lùng bùng khó nghe như gõ trống trong đầu. Bác sĩ tai mũi họng đề nghị mổ để kéo một dây thanh quản đã bị liệt xích lại gần nhau để giúp cải thiện giọng nói, nhưng xác suất thành công chỉ 50%. Sức khỏe của bà không thể chịu đựng nổi một lần nữa trên bàn mổ, bà nghĩ ngay tới việc về Việt Nam điều trị bằng phương pháp châm cứu.

Bà tìm cách liên lạc bằng thư điện tử với bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng đơn vị Điều trị đau, cơ sở 3, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, để được tư vấn và bàn cách điều trị. Bà bay về Việt Nam, chỉ sau một tuần được tận tình chăm sóc mỗi ngày bằng phương pháp xoa bóp, châm cứu, xung điện và hơ ngải cứu, giọng nói của bà đã dần trở nên trong trẻo. Sau hơn ba tháng kiên trì, quyết tâm chiến đấu với bệnh tật, cuối cùng bà đã hồi phục hoàn toàn, đi đứng vững vàng, tai hết ù.

Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ cho hay, các bệnh như liệt mặt, liệt dây thanh quản... Tây y rất khó điều trị hết, nhưng với phương pháp xoa bóp bấm huyệt kết hợp với xung điện và châm cứu của y học cổ truyền, sẽ giúp bệnh nhân dần hồi phục, trở lại hình dạng bình thường, mang lại chất lượng sống cho người bệnh. Hoặc với bệnh lý đau nhức cơ, Tây y sẽ cho bệnh nhân uống thuốc giảm đau, kháng viêm, đến khi teo cơ mới đưa bệnh nhân đi phẫu thuật. Còn với Đông y, sẽ thực hiện xoa bóp bấm huyệt, châm cứu kết hợp với dùng thuốc giúp người bệnh giảm đau và vận động trở lại bình thường.

Nhưng chưa biết khai thác

Bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Tân Khoa, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM, cho rằng tiềm năng của ngành y học cổ truyền Việt Nam rất phong phú, nhưng đã từ rất lâu chúng ta không chú trọng việc khai thác tiềm năng của ngành để đóng góp cho việc phát triển du lịch của đất nước. Các kỹ thuật y học cổ truyền của Việt Nam thường rất gần gũi, ít xâm lấn và nhiều khi có thể thấy hiệu quả tức thì. Ví dụ như kỹ thuật xoa bóp bấm huyệt, chườm nóng, châm cứu, kỹ thuật cấy chỉ để làm đẹp, giảm cân và rất nhiều kỹ thuật khác giúp hồi phục sức khỏe, chữa bệnh và làm đẹp cho du khách.

Bên cạnh đó, Việt Nam có nguồn dược liệu đặc trưng là thuốc Nam có thể trồng hoặc khai thác từ tự nhiên, qua quá trình chế biến sẽ nâng cao giá trị thành các túi chườm thảo dược giúp giảm đau nhức, ngủ ngon, và các dược phẩm được sản xuất theo phương pháp y học cổ truyền.

Cùng với nha khoa, phẫu thuật thẩm mỹ, hiếm muộn vô sinh... gần đây y học cổ truyền được TPHCM chú trọng phát triển nhằm tăng sức hút với mảng du lịch y tế của thành phố.

Theo Hội Đông y Việt Nam, trên thế giới hiện có 135 quốc gia áp dụng phương pháp châm cứu vào việc điều trị cho người bệnh. Việt Nam đứng thứ 2 trong số 5 quốc gia đạt được thành tựu cao nhất trong lĩnh vực châm cứu, và đã có các tour (chuyến du lịch) kết hợp khám, chữa bệnh bằng châm cứu, luyện khí công... Đáng chú ý, về Đông y, thế giới đã công nhận Viện Châm cứu Trung ương của Việt Nam có khả năng chữa khỏi 53 bệnh lý với giá cả dịch vụ y tế thấp.

Tuy nhiên, điểm yếu của du lịch y tế ở Việt Nam hiện nay là thiếu thông tin quảng bá cho dịch vụ du lịch kết hợp chữa bệnh; các hãng du lịch lữ hành cũng ít quan tâm tổ chức các tour kết hợp chăm sóc sức khỏe. Nhiều du khách nước ngoài không biết Việt Nam có dịch vụ du lịch y học cổ truyền và càng không biết về những thế mạnh của y học cổ truyền. Việt Nam cũng chưa có các văn phòng quảng bá du lịch y tế tại các quốc gia trên thế giới.

Trong khi đó, ví dụ như Hàn Quốc, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công nhận Hanbang - Y học cổ truyền Hàn Quốc, là hợp pháp và có hiệu quả. Các phương pháp cổ truyền chủ yếu thiên về tự nhiên, như thuốc thảo dược, châm cứu, đốt ngải, thay vì sử dụng phác đồ thuốc nhân tạo, kháng sinh và thuốc giảm đau.

Phải làm gì?

Hiện nay, Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM đã thành lập khu khám và điều trị, làm đẹp với các dịch vụ xoa bóp bấm huyệt phục hồi sức khỏe, chống đau nhức cổ gáy, chống đau lưng, hoặc chống suy tĩnh mạch... PGS.TS. Phạm Vũ Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý y dược cổ truyền Việt Nam, cho rằng để đẩy mạnh việc quảng bá du lịch y tế của Việt Nam ra thế giới, rất cần sự tham gia của các doanh nghiệp lữ hành cùng các ban ngành có liên quan. Việc chuyên nghiệp hóa dịch vụ du lịch y tế, đầu tư cơ sở vật chất khang trang là điều mà các bệnh viện cần làm ngay nếu muốn thu hút khách du lịch đến khám chữa bệnh.

Theo ông Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, sau khi thống nhất, thành phố đã lựa chọn chăm sóc sức khỏe bằng y học cổ truyền theo hướng chuyên sâu là một trong các sản phẩm mũi nhọn trong dịch vụ du lịch y tế. Bác sĩ Đỗ Tân Khoa cũng cho biết Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM đã được đầu tư theo định hướng chuyên sâu để phát triển các đơn vị điều trị đau, chăm sóc da và làm đẹp, xoa bóp bấm huyệt phục hồi sức khỏe, phục hồi sau tai biến mạch máu não, sản xuất thuốc đạt chuẩn GMP...

Hoàng Nhung

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/293581/du-lich-y-te-voi-y-hoc-co-truyen-co-the-manh-nhung-chang-may-ai-biet-.html