Dư quỹ dự phòng rủi ro, VDB vẫn không thể xử lý được nợ xấu (!?)
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với Dự thảo Quyết định của Thủ tướng về cơ chế xử lý rủi ro (XLRR) tín dụng tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).
Theo Bộ Tài chính, việc ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế XLRR tín dụng tại VDB là cần thiết, cả về cơ sở pháp lý và thẩm quyền ban hành, cơ sở chính trị, đặc biệt là cơ sở thực tiễn.
Cụ thể, căn cứ quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng TCTD năm 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2017, Chính phủ đã thành lập 2 ngân hàng chính sách (VDB và Ngân hàng Chính sách xã hội - NHCSXH) hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Theo đó, cơ chế xử lý nợ rủi ro tại NHCSXH đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành từ năm 2010 tại Quyết định 50/2010/QĐ-TTg (sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định 08/2021/QĐ-TTg).
Đối với VDB, Ngân hàng này được thành lập theo Quyết định 108/2006/QĐ-TTg ngày 19/05/2006 của Thủ tướng Chính phủ. Hoạt động nghiệp vụ chủ yếu của VDB là cấp tín dụng (dưới hình thức cho vay, bảo lãnh vay vốn) đối với các dự án đầu tư phát triển theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong từng thời kỳ.
Dự thảo Quyết định về cơ chế XLRR tín dụng tại VDB đã được Bộ Tài chính nghiên cứu, triển khai xây dựng từ năm 2013 trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, đã thực hiện lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp (2 lần). Tuy nhiên, do liên quan đến định hướng hoạt động của VDB nên Chính phủ đã chỉ đạo xin ý kiến của Bộ Chính trị về phạm vi XLRR trước khi ban hành cơ chế XLRR. Cuối năm 2022, Bộ Chính trị đã có ý kiến đồng ý về chủ trương tiếp tục cơ cấu lại VDB giai đoạn 2023 - 2027 với các giải pháp do Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính trình và chỉ đạo sớm hoàn thiện ban hành cơ chế, chính sách cơ cấu lại VDB, nhất là cơ chế tín dụng, cơ chế XLRR tín dụng…
Bộ Tài chính cho biết, tổng dư nợ cho vay của VDB tại thời điểm 30/6/2023 là hơn 182.000 tỷ đồng (trong đó, dư nợ tín dụng đầu tư của Nhà nước đạt gần 43.000 tỷ đồng, với hơn 559 dự án vay vốn). Hiện số dư Quỹ DPRR tín dụng VDB đã trích lập được là 7.203 tỷ đồng. Tuy nhiên, do chưa có căn cứ pháp lý về XLRR tín dụng tại VDB nên VDB chưa đủ cơ sở sử dụng số DPRR này để xử lý nợ xấu, để từng bước hỗ trợ, lành mạnh hóa tình hình tài chính và nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng hoạt động tín dụng của VDB.
“Do đó, việc Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế XLRR tín dụng đối với VDB là cần thiết nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ để Ngân hàng xử lý các khoản nợ xấu phát sinh trong quá trình hoạt động tín dụng, bảo đảm tương đồng đối với quy định hiện hành về xử lý nợ bị rủi ro tại NHCSXH và các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài…” - Dự thảo Tờ trình của Bộ Tài chính nêu.
Theo Báo cáo thường niên năm 2022 do VDB phát hành, tổng tài sản trong hoạt động nghiệp vụ của VDB năm 2022 hơn 190.239 tỷ đồng, trong đó cho vay tín dụng xuất khẩu hơn 3.209 tỷ đồng, toàn bộ số tiền này đều là nợ quá hạn. Trong cho vay trung, dài hạn tín dụng đầu tư, tổng dư nợ hơn 44.751 tỷ đồng thì nợ quá hạn hơn 21.404 tỷ đồng, khoanh nợ gần 1,5 tỷ đồng. Với cho vay lại vốn ODA, trong tổng dư nợ hơn 116.586 tỷ đồng,nợ quá hạn gần 3.444 tỷ đồng, khoanh nợ gần 13 tỷ đồng; trong dư nợ cho vay khác gần 25.010 tỷ đồng, nợ quá hạn gần 83 tỷ đồng.
Dự thảo Quyết định của Thủ tướng về cơ chế XLRR có 3 chương, 20 điều. Trong đó, Chương 1: Quy định chung (Phạm vi điều chỉnh; Đối tượng áp dụng; Giải thích từ ngữ; Nguyên tắc XLRR tín dụng; Các trường hợp được xem xét XLRR; Hội đồng XLRR); Chương II: Quy định cụ thể về hoạt động XLRR tín dụng của VDB (Nguyên tắc sử dụng Quỹ DPRR tín dụng để XLRR; Chuyển theo dõi ngoại bảng; Báo nợ và chế độ thông tin báo cáo); Chương III: Tổ chức thực hiện (Quy định trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan; Điều khoản chuyển tiếp; Điều khoản thi hành).