Dự thảo Luật Kế toán sửa đổi: Tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp

Tại Dự thảo Luật sửa đổi Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia đang được Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo. Dự thảo Luật Kế toán đã sửa đổi nhiều quy định quan trọng góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kế toán; Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; đảm bảo sự nhất quán và phù hợp với các quy định khác của pháp luật. Tuy nhiên, vấn còn một số nội dung cần bổ sung phù hợp với yêu cầu thực tế.

Điểm mới được các doanh nghiệp mong đợi ở dự thảo lần này đó là việc sửa đổi, bổ sung Điều 7 áp dụng Chuẩn mực quốc tế về kế toán (IFRS) và xây dựng khuôn khổ pháp lý cho việc áp dụng IFRS tại Việt Nam. Trong đó, dự thảo đã làm rõ khái niệm Chuẩn mực về kế toán gồm Chuẩn mực quốc tế và Chuẩn mực Việt Nam, trong đó Chuẩn mực quốc tế về kế toán là chuẩn mực do Ủy ban Chuẩn mực kế toán quốc tế ban hành; Giao Bộ Tài chính quy định cụ thể về đối tượng, phạm vi, thể thức và và các nội dung khác liên quan đến việc áp dụng chuẩn mực quốc tế về kế toán tại Việt Nam theo lộ trình phù hợp.

Luật kế toán sửa đổi tạo khuôn khổ pháp lý cho việc áp dụng IFRS tại Việt Nam

Luật kế toán sửa đổi tạo khuôn khổ pháp lý cho việc áp dụng IFRS tại Việt Nam

Để hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ; giảm bớt thời gian, chi phí cho công tác kế toán của đơn vị; đơn giản nội dung chứng từ nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý; hỗ trợ hoạt động chuyển đổi số; nâng cao tính minh bạch và tuân thủ báo cáo tài chính của các đơn vị có quy mô lớn: Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 11 cho phép các tài liệu kế toán bằng tiếng nước ngoài thì chỉ phải dịch ra tiếng Việt khi công bố ra bên ngoài theo quy định của pháp luật hoặc khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền yêu cầu. Cho phép trường hợp kỳ kế toán năm đầu tiên hoặc kỳ kế toán năm cuối cùng có thời gian không quá 3 tháng thì được phép cộng với kỳ kế toán năm tiếp theo hoặc cộng với kỳ kế toán năm trước đó để tính thành một kỳ kế toán năm; kỳ kế toán năm đầu tiên hoặc kỳ kế toán năm cuối cùng phải không quá 15 tháng” (sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 12). Đồng thời đề xuất sửa khoản 1 Điều 16 Luật Kế toán theo hướng không yêu cầu địa chỉ của khách hàng là nội dung bắt buộc trên chứng từ kế toán (bỏ quy định tại điểm d Điều 16).

Dự thảo Luật cũng bổ sung thêm quy định chứng từ điện tử có thể được xác nhận bằng các phương tiện điện tử theo quy định của pháp luật (trong trường hợp không sử dụng chữ ký) để phù hợp với thực tiễn giao dịch hiện nay (Giao dịch thương mại điện tử, ngân hàng số) và phù hợp với Luật Giao dịch điện tử và quy định pháp luật khác để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số tại đơn vị. Theo đó, sửa đổi tên Điều 19 “Ký chứng từ kế toán” thành “Ký và xác nhận chứng từ kế toán” và sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 4 Điều 19 Luật Kế toán về chữ ký và xác nhận chứng từ điện tử.

Với các đơn vị có quy mô vừa, nhỏ, siêu nhỏ Ban soạn thảo đề xuất bổ sung điểm đ khoản 2 điều 29 theo hướng cho phép áp dụng chế độ kế toán đơn giản để tiết giảm thời gian, chi phí của đơn vị kế toán; làm rõ phạm vi của báo cáo tài chính với các loại báo cáo khác để nâng cao tính minh bạch của thông tin tài chính

Dự thảo sửa đổi cũng sửa đổi, bổ sung Điều 71 đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kế toán. Trong đó các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về kế toán trong ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách: Tổ chức thực hiện công tác kế toán cho các đơn vị thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật về kế toán; Thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật kế toán đối với các đơn vị thuộc phạm vi quản lý.

Trong đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ngoài các nhiệm vụ như các bộ, cơ quan ngang bộ, chịu trách nhiệm xây dựng, ban hành Chế độ kế toán hoặc các văn bản quy phạm pháp luật về kế toán áp dụng cho các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thuộc phạm vi quản lý, đảm bảo tuân thủ Chuẩn mực về kế toán quy định trong Luật này.

Dự thảo Luật cũng nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp người làm kế toán thông qua việc bổ sung trách nhiệm người đứng đầu đơn vị trong khu vực công khi thực hiện các nhiệm vụ: Ký tên trên sổ kế toán, báo cáo tài chính, bảo quản lưu trữ tài liệu kế toán, tổ chức bộ máy kế toán tại đơn vị (sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 24, điểm d khoản 2 Điều 29, khoản 4 Điều 41, Điều 50, khoản 2, khoản 3 Điều 53, điểm a, d khoản 3 Điều 55).

Quyền và lợi ích hợp pháp của người làm công tác kế toán được bảo vệ thông qua quy định rõ người làm kế toán có quyền độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ kế toán; có quyền bảo lưu ý kiến của mình bằng văn bản hoặc các hình thức khác có thể kiểm chứng được. Trường hợp người làm kế toán có ý kiến khác với cấp trên và đã bảo lưu ý kiến của mình thì không phải chịu trách nhiệm về các sai phạm khi chấp hành ý kiến chỉ đạo của cấp trên (sửa đổi, bổ sung Điều 51).

Góp ý vào Dự thảo Luật Về luật kế toán, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV nhấn mạnh, hiện Việt Nam đang số hóa rất nhanh, song trong Luật Kế toán vẫn quy định khá nhiều nội dung thủ công, vì vậy ông rất mong dự thảo luật làm rõ chữ ký điện tử, chứng từ điện tử, chứng từ số, chữ ký số. Đồng thời, công nhận và quy định rõ trong Luật Kế toán về chứng từ số, chữ ký số để nhất quán với các luật đặc biệt luật giao dịch điện tử vừa thông qua. Ông cũng đề nghị thời hạn lưu trữ chứng từ kế toán không cào bằng mà nên giao cho chính phủ phân nhóm cho hợp lý, trong đó có những nhóm chỉ cần 5 năm song có những nhóm cần thời gian dài hơn 10 năm, 15 năm thậm chí 20 năm.

Ông cũng chỉ ra luật chưa bất kỳ quy định nào về một vị trí quan trọng và phổ biến trong ngành kế toán là giám đốc tài chính (CFO). Vì vậy theo ông, cần đưa cần khái niệm và quy định về CFO vào Luật Kế toán sửa đổi và đưa ra một số điều kiện tiêu chí, quy chuẩn quan trọng để điều tiết sau này.

Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp lớn Ngân hàng Citi, Phạm Hữu Hải chỉ ra một quy định khá nhỏ trong Luật Kế toán nhưng ảnh hướng rất lớn công cuộc chuyển đổi số nhanh và mạnh của Việt Nam đặc biệt là hệ thống ngân hàng trong bối cảnh chuyển đổi số. Đó là quy định chứng từ kế toán đòi hỏi phải có 2 chữ ký của chủ doanh nghiệp và kế toán trưởng. Đây là quy định tồn tại rất lâu không còn phù hợp với thực tế đặc biệt là chuyển đổi số. Bởi điều này dẫn tới một loạt các giao dịch điện tử, giao dịch số thông qua các hệ thống kết nối từ khách hàng đến ngân hàng, ngân hàng không làm thế nào để xác định được chữ ký nào là của ai. Thực tế này dẫn tới việc không tuân thủ. Ngân hàng Citi cho rằng việc nghiệp vụ kế toán của phải có 2 chữ ký, hay doanh nghiệp phải có quản trị doanh nghiệp là quyền kiểm soát của doanh nghiệp, không nên đưa quy định đó vào trong các giao dịch ngân hàng sẽ hạn chế giao dịch thương mại và giao dịch điện tử. Và trên thực tế bản thân cơ quan nhà nước cũng đã chấp nhận một số hình thức một chữ ký với chứng từ kế toán điện tử như ngành thuế. Do vậy, Ngân hàng Citi đề nghị bỏ quy định 2 chữ ký trong các chứng từ kế toán của doanh nghiệp trong các giao dịch với ngân hàng.

Hoa Hạ

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/du-thao-luat-ke-toan-sua-doi-nhieu-diem-moi-go-kho-cho-doanh-nghiep-157179.html