Đưa cây dược liệu thành trục sản phẩm Quốc gia: Bài 2 - Biến tiềm năng thành thế mạnh

Toàn tỉnh Bắc Kạn hiện có trên 1.000ha cây dược liệu thuộc 190 họ thực vật khác nhau, trong đó có nhiều loài cây quý mọc dưới tán rừng tự nhiên, vườn thuốc gia đình… Nhu cầu của thị trường về dược liệu là rất lớn, vì vậy việc định hướng bảo tồn, phát triển, đánh thức tiềm năng, nâng cao giá trị cây dược liệu là nhiệm vụ đang được tỉnh đặt ra.

Các thành viên HTX Nông - lâm - ngư nghiệp Bắc Kạn, xã Tân Tú (Bạch Thông) chăm sóc cây dược liệu trồng dưới tán rừng.

Các thành viên HTX Nông - lâm - ngư nghiệp Bắc Kạn, xã Tân Tú (Bạch Thông) chăm sóc cây dược liệu trồng dưới tán rừng.

Đánh giá đúng thực chất vùng dược liệu Bắc Kạn

Mặc dù tỉnh Bắc Kạn sở hữu nhiều loài cây dược liệu quý, phong phú về chủng loại như: Ba kích, hà thủ ô, bình vôi, bảy lá một hoa, cát sâm, giảo cổ lam, ích mẫu, hồi, quế... nhưng thực tế cho thấy quy mô vùng trồng vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, trình độ sản xuất lạc hậu, thiếu tính liên kết. Các sản phẩm dược liệu chế biến chủ yếu dưới dạng thô, giá trị thấp, chưa cạnh tranh được với thị trường trong và ngoài nước. Chưa hình thành liên vùng tập trung để cung cấp nguyên liệu ổn định cho các nhà máy, cơ sở chế biến.

Trong đời sống, nhiều hộ dân lưu truyền, bảo tồn được các bài thuốc cổ truyền, cây thuốc quý nhưng mới chỉ phục vụ chăm sóc sức khỏe ở phạm vi hẹp, chưa có sự liên kết trong trồng, sản xuất, tiêu thụ.

Thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã có các chính sách quan tâm phát triển, bảo tồn tài nguyên dược liệu song chưa tương xứng với vị trí và tiềm năng của địa phương. Việc nghiên cứu các đề tài, dự án khoa học đã có nhưng áp dụng nhiều vào thực tế còn hạn chế, chưa thương mại hóa thành sản phẩm dược liệu từ các công trình nghiên cứu. Cơ chế quản lý thị trường dược liệu thiếu đồng bộ, nhiều sản phẩm chưa rõ xuất xứ vẫn xuất hiện trên thị trường.

Quy hoạch tổng thể để bảo tồn, phát triển cây dược liệu bền vững chưa rõ ràng. Việc nuôi trồng, khai thác, sản xuất dược liệu còn manh mún, tự phát, có nguy cơ cạn kiệt tài nguyên dược liệu quý do tình trạng khai thác cây lấy gỗ, chặt phá chuyển đổi sang trồng các loại cây lâm nghiệp khiến một số cây thuốc biến mất. Việc tuyên truyền về phát triển cây dược liệu theo hướng thương mại chưa đúng mức, thị trường đầu ra cho các sản phẩm dược liệu thiếu sự ổn định. Trên địa bàn chưa tạo được cơ sở hạ tầng phát triển, thu mua dược liệu...

Đánh thức tiềm năng

Điểm cộng của Bắc Kạn là lợi thế lớn về rừng, khí hậu trong lành, mát mẻ chưa bị tác động bởi môi trường hóa chất, khói bụi công nghiệp. Hơn nữa rất nhiều cây dược liệu quý phù hợp phát triển dưới tán rừng tự nhiên, nếu biết bảo tồn, khai thác, sử dụng hợp lý thì sẽ tạo ra nguồn nguyên liệu dược liệu dồi dào, ổn định.

Vườn cà gai leo của HTX trồng và sản xuất dược liệu Bảo Châu, xã Văn Lang (Na Rì) được trồng dưới ruộng theo phương pháp hữu cơ.

Vườn cà gai leo của HTX trồng và sản xuất dược liệu Bảo Châu, xã Văn Lang (Na Rì) được trồng dưới ruộng theo phương pháp hữu cơ.

Theo dữ liệu khảo sát của Công ty Cổ phần phát triển Dược khoa, tỉnh Bắc Kạn có 50 cây dược liệu thu hái từ tự nhiên, 21 cây dược liệu được trồng, chế biến; hơn 10 cây thuốc sử dụng làm sản phẩm OCOP. Vùng núi đá vôi lớn của tỉnh ở các huyện Ba Bể, Na Rì, Chợ Đồn còn lưu giữ nhiều nguồn gen thực vật quý hiếm có giá trị cao như ba kích, hà thủ ô, đẳng sâm, thổ phục linh, kê huyết đằng, bình vôi ...

Theo thống kê, Bắc Kạn có 9.700ha các loại cây dược liệu (tính cả loại cây có diện tích lớn như quýt, hồi, quế), sản lượng khai thác hằng năm vẫn còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng hiện có.

Xuất phát từ thực tế đó, thời gian qua cùng với chính sách khuyến khích phát triển tài nguyên dược liệu, nghiên cứu, bảo tồn các loại cây thuốc quý, bước đầu đã thu hút được một số cá nhân, tổ chức tham gia trồng và chế biến các sản phẩm từ dược liệu như: HTX Hương Ngàn (Bạch Thông) trồng và sản xuất tinh dầu sả, quýt; HTX Văn Lang, HTX trồng và sản xuất dược liệu Bảo Châu (huyện Na Rì) đã đầu tư đến vài chục héc-ta nguyên liệu cây cà gai leo, giảo cổ lam, hà thủ ô, xạ đen, cát sâm... HTX Nông nghiệp Tân Thành, Công ty Cổ phần Nông sản Bắc Kạn, Công ty Cổ phần Curcumin Bắc Hà với các sản phẩm chính từ nghệ đã liên kết vùng sản xuất lên đến vài trăm héc-ta...

Một số tiểu vùng trồng, sản xuất, chế biến dược liệu hình thành tại các xã như Văn Lang (Na Rì); Hà Hiệu, Đồng Phúc (Ba Bể); Quang Thuận, Dương Phong (Bạch Thông); Phương Viên, Đồng Thắng, Nghĩa Tá (Chợ Đồn); Bình Văn, Như Cố, Tân Sơn (Chợ Mới)...

Diện tích cây hồi trong tỉnh khá lớn, cung cấp sản phẩm dồi dào cho ngành dược liệu.

Diện tích cây hồi trong tỉnh khá lớn, cung cấp sản phẩm dồi dào cho ngành dược liệu.

Các vùng dược liệu hầu như được trồng theo phương pháp hữu cơ, sản phẩm làm ra do cá nhân, tổ chức cung cấp cho các nhà máy, công ty sản xuất dược liệu ở Việt Nam, các đại lý, nhà phân phối trong cả nước, trên các sàn thương mại điện tử, thậm chí một số HTX đã có sản phẩm xuất khẩu. Các HTX đã liên kết với người dân, tổ chức thu mua, chế biến, tạo ra việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân.

Với tiềm năng, cơ hội này, Bắc Kạn hoàn toàn có cơ sở hình thành, phát triển vùng dược liệu gắn với sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm dược liệu. Tỉnh đã và đang có những chính sách đòn bẩy để từng bước khai thác tiềm năng cây dược liệu theo hướng bền vững, tạo sinh kế cho người dân./. (Còn nữa)

Thu Trang

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.com.vn/dua-cay-duoc-lieu-thanh-truc-san-pham-quoc-gia-bai-2-bien-tiem-nang-thanh-the-manh-post57154.html