Đưa đặc sản 'rồng đất' thành sản phẩm OCOP

Từ nguồn nguyên liệu 'lộc trời' ban tặng, các cơ sở chế biến rươi ở Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã đầu tư công nghệ, chế biến thành các sản phẩm hướng đến đạt chuẩn OCOP.

Ở Nghi Xuân, rươi chủ yếu xuất hiện ở vùng ven sông Lam tại các xã Xuân Hồng, Xuân Lam. Hằng năm, cứ vào tháng 8 - 10 âm lịch, người dân ở đây lại tất bật cho mùa thu hoạch rươi.

 Vào tháng 8 - 10 âm lịch, người dân Nghi Xuân đi "săn" lộc trời

Vào tháng 8 - 10 âm lịch, người dân Nghi Xuân đi "săn" lộc trời

Việc săn loài được mệnh danh là "rồng đất" tuy vất vả nhưng cũng đem lại cho người dân nơi đây nguồn thu nhập khá cao. Hiện, Nghi Xuân trên có khoảng 50 - 60 ha vùng đất bãi bồi, ven sông với hàng trăm hộ tham gia "săn" rươi . Sản lượng rươi hàng năm bình quân đạt từ 10 – 12 tấn, mang lại giá trị khoảng hơn 5 tỷ đồng. Ngày trước, rươi là món ăn dân dã của quê hương nhưng nay rươi trở thành đặc sản với biến tấu thành nhiều món ăn hấp dẫn.

 Cơ sở thu mua rươi Cường Liệu (xã Xuân Lam) chế biến món chả rươi

Cơ sở thu mua rươi Cường Liệu (xã Xuân Lam) chế biến món chả rươi

Vào mùa thu hoạch cao điểm, cơ sở thu mua rươi của ông Trần Minh Cường (SN 1966, ở thôn 1, xã Xuân Lam) luôn tập nập người vào ra. Ông Cường cho biết: "Rươi là một món ăn bổ dưỡng nhưng khá hiếm, chỉ có vào một thời điểm trong năm. Hiện, các món ăn chế biến từ rươi rất được thị trường ưa chuộng nên tôi luôn nung nấu ý tưởng mở rộng thị trường tiêu thụ, chắp cánh cho đặc sản rươi của quê hương vươn xa; vừa để nhiều người có thể thưởng thức món ngon, vừa tạo thêm thu nhập".

Từ nguồn nguyên liệu thu mua, những năm gần đây ông Cường đã xây dựng chiến lược kinh doanh, đầu tư cả trăm triệu đồng nâng cấp nhà xưởng, máy móc trang thiết thiết bị để mở rộng quy mô sản xuất, chế biến, bảo quản các loại rươi nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm khi cung cấp ra thị trường.

 Để thơm ngon, chả rươi được kết hợp với nhiều nguyên liệu khác nhau tạo hương vị đặc trưng.

Để thơm ngon, chả rươi được kết hợp với nhiều nguyên liệu khác nhau tạo hương vị đặc trưng.

“Mỗi năm chúng tôi thu mua hơn 2 tấn rươi tươi về đóng hộp bảo quản thành sản phẩm tươi, cấp đông và chế biến chả rươi. Để có được món chả rươi ngon, cơ sở phải chọn rươi thân mập, màu hồng đỏ, khỏe; đồng thời kết hợp với các loại nguyên liệu khác như: trứng gà, thịt lợn xay, vỏ quýt, nghệ tươi, gừng, hành tăm, gia vị… Riêng sản phẩm chả rươi, mỗi năm cơ sở bán ra gần 3.000 miếng, doanh thu đạt gần 400 triệu đồng” – ông Cường chia sẻ.

 "Đặc sản" rươi muối của cơ sở chế biến Tăng Hương xã Xuân Hồng

"Đặc sản" rươi muối của cơ sở chế biến Tăng Hương xã Xuân Hồng

Ông Đặng Văn Hoài – Chủ tịch UBND xã Xuân Lam cho biết: Sản phẩm chả rươi Cường Liệu được chế biến theo công thức truyền thống, không có chất phụ gia, chất bảo quản và được đóng gói theo nhiều loại trọng lượng, thuận tiện khi sử dụng là những lợi thế để cơ sở mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao thu nhập.

Nhiều năm nay, khách hàng cũng quen thuộc với thương hiệu sản phẩm rươi muối, chả rươi Tăng Hương của ông Hồ Ngọc Tăng (SN 1974, thôn 8, xã Xuân Hồng). Đặc biệt, ngoài món chả rươi truyền thống, cơ sở còn chế biến món rươi muối. Đây là một món ăn độc đáo được làm từ rươi và các các loại gia vị đi kèm.

Ông Tăng cho biết: "Rươi muối không chỉ hấp dẫn bởi hương vị đậm đà mà còn bởi quy trình chế biến khá công phu. Chúng tôi phải chọn rươi thật tươi, béo mập để đảm bảo chất lượng. Sau khi được vệ sinh sạch sẽ, rươi được chần qua nước sôi để loại bỏ các chất nhầy sau đó trộn đều với muối tinh đã rang xay nhỏ và các nguyên liệu: hành tăm, ớt bột, thính gạo, vỏ quýt... nhằm tăng thêm hương vị. Sau khi ướp trộn xong, hỗn hợp sẽ được cho vào chum sành, đậy kín và ủ trong khoảng thời gian nhất định".

Rươi muối dùng để chấm hoặc chế biến cùng với các món ăn khác. Mỗi năm, cơ sở bán ra gần 1.000 chai, mỗi chai có giá 350 nghìn đồng, doanh thu đạt từ 300 – 350 triệu đồng.

 Các sản phẩm chế biến từ rươi đăng ký tham gia chương trình OCOP.

Các sản phẩm chế biến từ rươi đăng ký tham gia chương trình OCOP.

Để nâng tầm thương hiệu rươi của địa phương, tạo điều kiện giúp các cơ sở mở rộng thị trường, thời gian qua, huyện Nghi Xuân đã thường xuyên quan tâm hỗ trợ về cơ chế chính sách, định hướng trong phát triển sản xuất. Năm 2024, huyện Nghi Xuân chấp thuận phương án sản xuất kinh doanh đối với các sản phẩm: Rươi tươi, rươi đông lạnh, chả rươi Cường Liệu và rươi muối, chả rươi Tăng Hương, đăng ký tham gia sản phẩm OCOP.

Với trợ lực này, các cơ sở chế biến rươi đang từng bước nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm đảm bảo luôn đạt tiêu chuẩn hiện hành, đa dạng về mẫu mã, hoàn thiện đẩy đủ hồ sơ pháp lý, bộ nhận diện thương hiệu, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng nhằm nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

Đồng hành với các cơ sở, các phòng, ban và các địa phương liên quan cũng kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm; áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn hiện hành; tiêu chuẩn quy trình môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định để các sản phẩm phấn đấu đạt chuẩn OCOP 3 sao trong năm 2024.

Trong những năm qua, các cơ sở chế biến rươi Cường Liệu, Tăng Hương đã tích cực thu mua, tiêu thụ sản phẩm rươi cho người dân để chế biến thành những sản phẩm chất lượng, có thương hiệu.

Lựa chọn những sản phẩm: rươi tươi, rươi đông lạnh, chả rươi Cường Liệu và rươi muối, chả rươi Tăng Hương tham gia chương trình OCOP sẽ thúc đẩy phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, từ đó nâng tầm "đặc sản" rươi Nghi Xuân. Cùng với đó, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần tăng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp, thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương.

Ông Trịnh Quang Luật – Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nghi Xuân

Hữu Trung

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/dua-dac-san-rong-dat-thanh-san-pham-ocop-post276098.html