Đưa ĐBSCL tăng tốc phát triển theo hướng thuận thiên
Sau khi Chính phủ có nghị quyết, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã chuyển mình mạnh mẽ nhưng thực tế đòi hỏi cần hoàn thiện hơn về cơ chế, chính sách.
Hôm nay (13-3) tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì hội nghị của Chính phủ sơ kết ba năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH).
Đây là lần thứ ba trong hơn ba năm Chính phủ tổ chức thảo luận, đánh giá những việc làm được, hạn chế, thách thức để tiếp tục đưa ra những quyết sách lớn, thúc đẩy ĐBSCL phát triển bền vững.
Thuận thiên, đường thịnh vượng đã mở
Theo báo cáo của Bộ TN&MT, sau hơn ba năm thực hiện Nghị quyết 120, vùng ĐBSCL đã có những thay đổi mạnh mẽ theo hướng thuận thiên, bền vững và sinh kế, đời sống của nhân dân được từng bước cải thiện.
Nổi bật là sự kiến tạo thể chế, chính sách thúc đẩy phát triển bền vững vùng ĐBSCL theo một tổng thể thống nhất, kết nối liên vùng tạo sức mạnh tổng hợp. Trong đó, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo xây dựng, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách cho phát triển bền vững vùng ĐBSCL theo bốn lĩnh vực, hướng chính: Năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng; hạ tầng và kỹ thuật môi trường; nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản và chế biến thực phẩm; và các dịch vụ vận tải.
Nhiều đề án, quy hoạch, chương trình phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL, thích ứng với BĐKH đã được phê duyệt và triển khai thực hiện...
TS Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế ĐBSCL, cho rằng cái được lớn nhất là Chính phủ đã xác định hướng đi cho ĐBSCL với tầm nhìn 50 năm. Bước đầu đã định hình không gian phát triển thông qua kết nối hạ tầng giao thông, liên kết vùng đã và đang có nhiều tiến triển, thay đổi bộ mặt của ĐBSCL.
Một số cơ chế, chính sách đã được rà soát, bổ sung và điều quan trọng là quy hoạch tổng thể phát triển bền vững vùng ĐBSCL đang được khẩn trương hoàn thành.
Hiệu quả của việc phân vùng, chuyển đổi sản xuất theo phương châm thuận thiên đã được chứng minh qua đợt hạn mặn kỷ lục 2019-2020, qua đó chuyển hóa thách thức thành cơ hội cho phát triển, giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất, kinh doanh.
280.000
tỉ đồng là tổng vốn được các doanh nghiệp TP.HCM ký kết hợp tác với các địa phương vùng ĐBSCL để thực hiện liên kết kinh tế và kết nối hạ tầng giao thông thực hiện Nghị quyết số 120 của Chính phủ.
Liên kết làm thay đổi tư duy
Theo đánh giá, sau ba năm, chuyển đổi kinh tế ở vùng ĐBSCL được đẩy mạnh theo thế mạnh của vùng và từng tiểu vùng, qua đó từng bước giải quyết xung đột giữa các mô hình kinh tế.
Điểm sáng của ĐBSCL là tăng trưởng GDP luôn ở mức cao, đặc biệt năm 2018 đạt 7,8% (cao hơn mức tăng trưởng bình quân 7,08% của cả nước). Chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nhất là trong nông nghiệp đã khẳng định chủ trương đúng đắn thuận thiên khi các địa phương trong vùng chủ động thích ứng với tác động của BĐKH, sống chung và coi lũ, nước mặn, nước lợ là tài nguyên để phát triển kinh tế với phân vùng hợp lý trên cơ sở phân bổ tài nguyên nước của toàn vùng.
Việc tăng cường kết nối kinh tế, kết nối hạ tầng nội vùng và với TP.HCM, vùng Đông Nam bộ được các bộ, ngành và địa phương trong vùng đánh giá cao. Qua đó đã hình thành mạng lưới sản xuất, tiêu thụ hàng hóa nội địa và tạo nguồn xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cho TP.HCM và vùng Đông Nam bộ.
Theo thống kê sơ bộ, đã có 1.165 dự án với khoảng 280.000 tỉ đồng được các doanh nghiệp TP.HCM ký kết hợp tác với các địa phương vùng ĐBSCL để thực hiện liên kết kinh tế và kết nối hạ tầng giao thông thực hiện Nghị quyết số 120.
Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Lê Tiến Châu cho rằng Nghị quyết 120 đã làm thay đổi lối tư duy phát triển cục bộ địa phương, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang liên kết để phát triển, từ đó hình thành các vùng sản xuất tập trung theo chuỗi giá trị. Nghị quyết cũng góp phần thúc đẩy quy hoạch kết nối liên vùng để khai thác lợi thế của các địa phương, đồng thời sử dụng hiệu quả nguồn lực phát triển trong vùng.
Hậu Giang giai đoạn 2016-2020, qua thực hiện đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn, tỉnh đã chuyển đổi gần 2.000 ha đất vườn tạp, đất mía kém hiệu quả và lúa ba vụ sang trồng cây ăn quả, rau màu và nuôi thủy sản. Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) của tỉnh cũng đã thực hiện đạt 81%, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp thông qua tăng cường năng lực thể chế, đổi mới phương thức canh tác bền vững và nâng cao chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo.
Còn theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, trước khi có Nghị quyết số 120, các hoạt động ứng phó BĐKH trên địa bàn An Giang nói riêng và các tỉnh ĐBSCL nói chung còn mang tính cục bộ, giới hạn địa giới hành chính, thiếu liên kết và đồng bộ.
Sau khi có nghị quyết, tỉnh đã thực hiện liên kết với các địa phương trong vùng bước đầu hình thành cơ sở dữ liệu thông tin phát triển kinh tế - xã hội chung cho toàn vùng, từ đó ký kết hợp tác với tỉnh Kiên Giang trong vấn đề quản lý nguồn nước. “Nhiều dự án liên kết vùng liên kết An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ và Đồng Tháp đã và đang thực hiện trong lĩnh vực giao thông, thủy lợi…” - ông Bình chia sẻ.
Còn thách thức khi thiên chưa… thuận
Theo đánh giá của Bộ TN&MT, trong hơn ba năm qua, dù đã ban hành mới, bổ sung, hoàn thiện một số cơ chế, chính sách cho riêng vùng ĐBSCL nhưng các cơ chế, chính sách này cần có thời gian để phát huy hiệu quả, đồng thời phải phù hợp với tổng thể chung của cả nước. Thể chế điều phối vùng vừa được hình thành, cần có thời gian để giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều phối thực hiện các nhiệm vụ liên ngành, liên vùng, đặc biệt là đề xuất những dự án lớn, có sức lan tỏa, tạo xung lực cho phát triển kinh tế - xã hội như hạ tầng, giao thông... cho ĐBSCL.
Trong khi đó, BĐKH, thiên tai đang ngày càng diễn ra nhanh, phức tạp và sẽ tiếp tục khó lường, các hoạt động khai thác, sử dụng nước ở phía thượng nguồn ngày càng phức tạp hơn trong khi cơ chế điều phối tiểu vùng đã cho thấy những bất cập, khó phát huy tối đa hiệu quả. Tình trạng thiếu cát, thiếu màu, thiếu nước được dự báo sẽ còn tiếp diễn nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến phát triển ĐBSCL.
PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu BĐKH, Trường ĐH Cần Thơ, cho rằng BĐKH là một quá trình dài, do đó trong thời gian tới để ĐBSCL phát triển bền vững, thích ứng với BĐKH như kỳ vọng của Nghị quyết 120 và các bộ, ngành địa phương cần phải có tầm nhìn quy hoạch dài hơi, mang tính tích hợp; đồng thời phải có nhạc trưởng để hỗ trợ cho các liên kết của các tỉnh, thành với nhau.
TS Lê Anh Tuấn cũng cho rằng cần có cơ chế mềm dẻo, linh hoạt, cho phép các địa phương linh hoạt trong các quyết định, bởi bên ngoài thay đổi liên tục thì phải linh hoạt thay đổi cho phù hợp. Ví dụ cho phép các địa phương linh hoạt về tài chính, ngân sách của tỉnh này có thể đầu tư cho tỉnh khác nhưng nó hỗ trợ cho sự phát triển của tỉnh mình...
Cần giải pháp nguồn lực con người và tài chính
Để thực hiện Nghị quyết 120 nhanh và hiệu quả hơn, cần có giải pháp đảm bảo nguồn lực về con người và tài chính tại các địa phương.
Từ thực tiễn của mỗi địa phương, cần giải quyết những khó khăn để thu hút nguồn lực khu vực tư nhân. Cạnh đó, tập trung nguồn lực đầu tư, thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp thích ứng với BĐKH, liên kết giữa các địa phương về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đầu tư hạ tầng kinh tế…
Trung ương cần hoàn thiện cơ chế điều phối vùng ĐBSCL nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích phát triển giữa các bên liên quan, giữa cái ưu tiên trước mắt với mục tiêu lâu dài giảm thiểu các xung đột lợi ích giữa các địa phương.
Ông LÊ TIẾN CHÂU, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang
Cần cơ chế, chính sách đặc thù cho ĐBSCL
Để phát huy các kết quả đạt được và tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 120, Chính phủ cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về ứng phó với BĐKH, sớm ban hành Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050. Từ đó, các tỉnh có cơ sở triển khai xây dựng quy hoạch tỉnh và là cơ sở để triển khai các hoạt động liên kết vùng.
Cũng nên xem xét có cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển vùng ĐBSCL, tăng cường và nâng cao hiệu quả liên kết vùng.
Ông NGUYỄN THANH BÌNH, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang
Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/dua-dbscl-tang-toc-phat-trien-theo-huong-thuan-thien-972107.html