Đưa nông sản Việt Nam tiến sâu vào thị trường Nhật Bản

Nhật Bản vốn nổi tiếng là thị trường có tiêu chuẩn nhập khẩu nghiêm ngặt, người tiêu dùng đòi hỏi rất cao về chất lượng thực phẩm, nhất là đối với các sản phẩm nhập khẩu. Việt Nam đang có thế mạnh và có khả năng cung ứng cho thị trường Nhật Bản những sản phẩm nông sản, thực phẩm chất lượng cao.

Nông sản Việt Nam được ưa chuộng

Quả vải thiều Việt Nam đã trải qua hơn 5 năm đàm phán, nỗ lực đáp ứng các quy định khắt khe mới được phép nhập khẩu vào Nhật Bản. Lần đầu tiên được ra mắt tại chuỗi siêu thị AEON (Nhật Bản) vào tháng 6-2020, quả vải thiều của Việt Nam đã được người tiêu dùng Nhật Bản đón nhận. Nối tiếp những thành công đó, năm 2021, tỉnh Bắc Giang và Hải Dương đã chỉ đạo gia tăng diện tích vùng sản xuất vải thiều cũng như số lượng mã số vùng trồng được phép xuất khẩu sang Nhật Bản, trong khi các doanh nghiệp (DN) đầu mối xuất khẩu cũng tăng cường đầu tư các chi phí xử lý, bảo quản quả vải cần thiết để đáp ứng tiêu chuẩn Nhật Bản. Đáng chú ý, thay vì cử chuyên gia sang giám sát trực tiếp, Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản năm nay đã ủy quyền cho cơ quan kiểm dịch thực vật phía Việt Nam thực hiện việc giám sát khử trùng vải thiều xuất khẩu sang thị trường này. Việc này sẽ giúp tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí trong khâu chuẩn bị xuất khẩu, tạo điều kiện cho quả vải thiều sang Nhật Bản được thuận lợi hơn.

Xử lý, khử trùng vải thiều Bắc Giang theo tiêu chuẩn trước khi đóng gói xuất khẩu sang Nhật Bản.

Xử lý, khử trùng vải thiều Bắc Giang theo tiêu chuẩn trước khi đóng gói xuất khẩu sang Nhật Bản.

Nhấn mạnh Nhật Bản luôn là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nhật Bản không cạnh tranh mà bổ sung cho nhau. Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu lớn nông, lâm, thủy sản, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng các loại..., trong khi Việt Nam lại có lợi thế cạnh tranh lớn về các sản phẩm này. Đồng thời, Việt Nam và Nhật Bản đang là thành viên của 3 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, đa phương. Việc hai nước cùng tham gia những hiệp định này tạo nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi cho mở rộng hợp tác thương mại song phương trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là những triển vọng hợp tác cùng gia nhập vào chuỗi cung ứng của khu vực và thế giới.

Đánh giá cao tiềm năng hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản, nhất là liên quan tới mặt hàng nông sản, thực phẩm, theo các chuyên gia từ Nhật Bản, hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam ngày càng được người tiêu dùng Nhật Bản đón nhận. Điển hình, theo kế hoạch của Tập đoàn AEON, nhà phân phối lớn của Nhật Bản sẽ nâng giá trị xuất khẩu hàng Việt Nam sang Nhật lên 1 tỷ USD (khoảng 110 tỷ yên) vào năm 2025, gấp khoảng 4 lần so với năm 2017.

Đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, thương hiệu

Chia sẻ những kinh nghiệm để kinh doanh thành công mặt hàng nông sản, thực phẩm tại thị trường Nhật Bản, ông Makoto Nakamura, chuyên gia tư vấn thương mại quốc tế của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho biết, khi xuất khẩu hàng hóa sang Nhật Bản, các DN cần chú ý đến chất lượng sản phẩm và các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe. Sản phẩm phải phù hợp với luật vệ sinh môi trường của Nhật Bản và qua các bước kiểm dịch động thực vật trước khi vào được thị trường khó tính này. Ngoài ra, các DN cũng cần quan tâm đến xu hướng tiêu dùng của người Nhật Bản đối với hàng nông sản, thực phẩm. Cụ thể, để chọn mua một mặt hàng thực phẩm, người tiêu dùng Nhật Bản quan tâm nhiều nhất tới yếu tố tác động đến sức khỏe, sau đó là giá thành và sự tiện lợi của sản phẩm... Cùng với đó, các DN cần ghi rõ trên bao bì của sản phẩm các thông tin về thành phần dinh dưỡng, cách chế biến, bảo quản, thành phần nào có thể gây dị ứng, hạn sử dụng...

Để tạo lực đẩy cho nông sản, thực phẩm Việt Nam tiến sâu vào thị trường Nhật Bản, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản khuyến cáo, các DN không chỉ quan tâm tới chất lượng, giá cả mà cần tích cực củng cố, đẩy mạnh nâng cao hình ảnh, thương hiệu hàng Việt Nam.

Theo ông Vũ Bá Phú, việc xây dựng hình ảnh và thương hiệu cho sản phẩm của DN bắt nguồn từ chính câu chuyện về hành trình của sản phẩm từ lúc hình thành, phát triển, cho đến khi đến tận tay khách hàng. Truy xuất nguồn gốc sản phẩm là công cụ giúp người dùng không những được trải nghiệm quá trình sản xuất ra sản phẩm mà còn có cơ hội thưởng thức giá trị về lịch sử, địa lý, hiểu rõ về cách thức chăm sóc và quy trình để tạo nên sản phẩm. Điển hình như quả vải thiều, năm nay là năm đầu tiên nhiều hộp vải thiều phục vụ người tiêu dùng ở nước ngoài mang chính thương hiệu của DN Việt Nam, được kèm theo tem truy xuất nguồn gốc itrace247 do Cục Xúc tiến thương mại phát triển. Qua tem itrace247 trên các hộp vải, người tiêu dùng Nhật Bản sẽ hiểu rõ hơn về quá trình quả vải thiều Việt Nam được vun trồng, thu hoạch, bảo quản và vận chuyển an toàn, bảo đảm chất lượng khi đến tay người tiêu dùng Nhật Bản.

Bài và ảnh: KHÁNH AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/dua-nong-san-viet-nam-tien-sau-vao-thi-truong-nhat-ban-663423