Đưa phân bón vào mặt hàng chịu thuế 5% hỗ trợ doanh nghiệp

Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách thuế giá trị gia tăng để hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp sản xuất phân bón. Theo đó, đưa mặt hàng này vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng 5%.

Để không làm tăng chi phí đầu vào, các doanh nghiệp phân bón phải hạ giá thành sản phẩm để không tăng giá bán. Ảnh: TL.

Để không làm tăng chi phí đầu vào, các doanh nghiệp phân bón phải hạ giá thành sản phẩm để không tăng giá bán. Ảnh: TL.

Chính sách hiện hành hỗ trợ giá đầu vào cho nông dân

Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo nghị quyết này, gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương và hiệp hội doanh nghiệp... trước khi hoàn thiện trình các cấp có thẩm quyền.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước vượt qua khó khăn hiện nay, góp phần tăng sức cạnh tranh của mặt hàng phân bón, Bộ Tài chính trình Chính phủ trình Quốc hội đề xuất xây dựng Nghị quyết, đưa mặt hàng này vào đối tượng chịu thuế.

Mặt hàng phân bón thuộc đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 5% vào thời điểm trước ngày 1/1/2015. Để góp phần hỗ trợ tối đa cho nông dân và để giảm giá bán phân bón (phân bón sản xuất trong nước và phân bón nhập khẩu đều không có thuế GTGT trong giá bán), Quốc hội đã thông qua Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật về thuế (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015). Theo quy định tại luật thì phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT (phân bón nhập khẩu và phân bón sản xuất trong nước đều thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT); doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào (kể cả thuế GTGT của hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định). Số thuế GTGT đầu vào này được tính vào chi phí khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).

Quy định nêu trên đã hỗ trợ giá đầu vào cho nông dân nhưng doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước gặp khó khăn. Do vậy, trong thời gian qua Bộ Tài chính nhận được kiến nghị cho rằng, quy định trên khiến các doanh nghiệp sản xuất phân bón gặp khó khăn do không được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ (bao gồm cả hoạt động đầu tư, mua sắm tài sản cố định) phục vụ cho hoạt động sản xuất phân bón mà phải tính vào chi phí sản phẩm, khiến giá thành tăng và lợi nhuận giảm; bất lợi trong cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu cùng loại, cụ thể:

Theo một số bộ, ngành và các doanh nghiệp sản xuất phân bón: Việc phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT đã gây nhiều ảnh hưởng đến doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước. Do phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, các doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ mua vào, kể cả thuế GTGT của hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định dùng cho sản xuất phân bón. Trên cơ sở đó, toàn bộ chi phí phát sinh được các doanh nghiệp tính vào chi phí sản xuất, làm tăng giá thành sản xuất phân bón. Do vậy, phân bón trong nước khó cạnh tranh được so với phân bón nhập khẩu.

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất phân bón

Để hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước vượt qua khó khăn hiện nay, góp phần tăng sức cạnh tranh của mặt hàng phân bón, cần thiết phải ban hành Nghị quyết của Quốc hội về chính sách thuế GTGT để hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp sản xuất phân bón.

Theo Bộ Tài chính, việc chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5%, các doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ được khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ mua vào, kể cả thuế GTGT của hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định dùng cho sản xuất phân bón. Việc quy định mặt hàng phân bón thuộc đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 5% là áp dụng ở tất cả các khâu: nhập khẩu, sản xuất, bán buôn, bán lẻ đến tay người tiêu dùng, do đó tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa phân bón sản xuất trong nước với phân bón nhập khẩu cùng loại.

Tuy nhiên, giá mặt hàng phân bón được hình thành theo cơ chế thị trường; các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng này được quyền tự định giá theo tín hiệu khách quan trên thị trường. Do đó, để không làm tăng chi phí đầu vào cho nông dân thì các doanh nghiệp phân bón phải hạ giá thành sản phẩm để không tăng giá bán mặt hàng phân bón. Các doanh nghiệp sản xuất phân bón cần phải thực hiện các giải pháp như: tăng cường quản trị, rà soát để tiết giảm chi phí, từ đó giảm giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Do yêu cầu cấp bách của việc hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất phân bón, Bộ Tài chính trình Chính phủ trình Quốc hội về hiệu lực thi hành của Nghị quyết từ ngày 01/01/2021.

Để có nguồn lực thực hiện chính sách này, Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể để cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức triển khai thực hiện. Đồng thời, được bố trí nguồn kinh phí để thực hiện, ngoài nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước cấp, huy động nguồn lực từ cơ quan, đơn vị và địa phương, hỗ trợ của các tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế hoặc lồng ghép vào các chương trình, dự án khác để có nguồn kinh phí bảo đảm cho việc thực hiện.

Theo ông Phạm Đình Thi – Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính, để chính sách sớm được thực hiện, dự án nghị quyết được trình theo trình tự thủ tục rút gọn tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV tới đây. Việc xây dựng dự án nghị quyết, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất trong nước, bảo đảm phân bón sản xuất trong nước cạnh tranh bình đẳng với hàng hóa nhập khẩu cùng loại. Đồng thời, bảo đảm chính sách minh bạch, rõ ràng, tạo thuận lợi trong thực hiện, qua đó nâng cao hiệu quả quản lý thuế./.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2020-10-08/dua-phan-bon-vao-mat-hang-chiu-thue-5-ho-tro-doanh-nghiep-93181.aspx