Dựa vào dân để kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên

Kiên quyết làm rõ, xử lý nghiêm vi phạm của cán bộ, đảng viên; dựa vào dân để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát là cách làm hiệu quả, giúp cấp ủy các cấp ở tỉnh Ninh Thuận ngăn ngừa tiêu cực, hạn chế yếu kém, khuyết điểm. Thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XI về xây dựng Ðảng, Ðảng bộ tỉnh Ninh Thuận tiếp tục coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, phấn đấu có nhiều tổ chức mạnh, đội ngũ cán bộ trong sáng và được người dân tin tưởng.

Trồng táo đặc sản góp phần ổn định đời sống người dân ở thôn Trường Thọ, xã Phước Hậu (Ninh Phước, Ninh Thuận).

Trồng táo đặc sản góp phần ổn định đời sống người dân ở thôn Trường Thọ, xã Phước Hậu (Ninh Phước, Ninh Thuận).

Quyết liệt với các dấu hiệu vi phạm

Một loạt vụ việc tham ô tại các đơn vị trực thuộc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận (sau đây gọi là Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp tỉnh), gây thất thoát nhiều tỷ đồng, nhiều cán bộ sai phạm bị kỷ luật và chịu trách nhiệm hình sự hồi cuối năm 2012, đặt ra câu hỏi về vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, Ban Giám đốc đơn vị. Liên quan sai phạm tại ba đơn vị trực thuộc là Chi nhánh Tháp Chàm; Phòng giao dịch Bắc Ninh Phước (huyện Ninh Phước) và Phòng giao dịch Nhơn Sơn (huyện Ninh Sơn), nhiều cán bộ, đảng viên bị kỷ luật. Tuy nhiên, quá trình xử lý kỷ luật của cấp ủy và Ban Giám đốc đã bộc lộ sự yếu kém, thiếu trách nhiệm dẫn đến người bị kỷ luật không "tâm phục, khẩu phục", khiếu kiện nhiều nơi, gây dư luận xấu.

Từ những dấu hiệu vi phạm nêu trên, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Ninh Thuận đã vào cuộc, làm rõ trách nhiệm của cấp ủy Chi bộ, Ban Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp tỉnh. Kết quả kiểm tra cho thấy, tập thể cấp ủy Chi bộ Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp tỉnh chưa làm tốt vai trò lãnh đạo, để xảy ra nhiều vụ việc tiêu cực, tham ô trong thời gian dài, gây hậu quả nghiêm trọng. Các chi ủy viên chưa làm tròn chức trách, nhiệm vụ được phân công. Công tác phòng, chống tham nhũng và việc thực hiện Quy định những điều đảng viên không được làm chưa hiệu quả; chưa phối hợp tốt với cấp ủy địa phương trong xem xét, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ. Mặc dù Chi bộ có tổ chức bàn bạc, thống nhất chủ trương sắp xếp, củng cố các chi nhánh, nhưng do thiếu kiểm tra, giám sát, cho nên chủ trương nêu trên không được triển khai. Trong xử lý kỷ luật đối với cán bộ vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, chưa xử lý đúng lỗi vi phạm. UBKT Tỉnh ủy đã đề nghị Ðảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh xem xét thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với tập thể cấp ủy; cảnh cáo Bí thư Chi bộ, Giám đốc; khiển trách Phó Bí thư chi bộ, Phó Giám đốc, ba chi ủy viên và một đảng viên. Ðồng thời, đề nghị Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam xem xét lại việc xử lý nguyên giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp Chi nhánh Tháp Chàm cho đúng tính chất, mức độ hậu quả đã gây ra (trước đó Ban Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp tỉnh đã xử lý, nhưng cho "miễn nhiệm").

Kiểm tra, giám sát là công việc khó, nhạy cảm. Nhưng UBKT Tỉnh ủy Ninh Thuận đã chủ động tổ chức nhiều cuộc kiểm tra dấu hiệu vi phạm và chỉ đạo xử lý kịp thời. Qua kiểm tra đã phát hiện sai phạm trong quản lý, sử dụng các nguồn vốn, quỹ hỗ trợ, đóng góp cho các dự án, chương trình phục vụ hoạt động Ðoàn Thanh niên tại Tỉnh Ðoàn. Cấp ủy Chi bộ cơ quan Tỉnh Ðoàn và bốn cán bộ, đảng viên liên quan đã nhận các mức kỷ luật tương ứng với sai phạm. Hay vụ việc thiếu tinh thần trách nhiệm, làm chậm tiến độ dự án, cố ý làm trái nguyên tắc tài chính, vụ lợi cá nhân xảy ra tại Trung tâm Thông tin - ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh. Hội đồng kỷ luật đã quyết định cách chức giám đốc và cảnh cáo phó giám đốc trung tâm.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, UBKT các cấp trong tỉnh Ninh Thuận đã kiểm tra 112 đảng viên (trong đó có 49 cấp ủy viên) và sáu tổ chức đảng khi có dấu hiệu vi phạm. Qua kiểm tra, kết luận 95 đảng viên và sáu tổ chức đảng có vi phạm; đã kỷ luật 65 đảng viên, kiến nghị cấp có thẩm quyền thi hành kỷ luật ba tổ chức đảng. Theo Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Thủy, nội dung vi phạm chủ yếu là thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, vi phạm pháp luật về đất đai, mất đoàn kết nội bộ, tham ô, tham nhũng. Việc xử lý kỷ luật kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội đã góp phần răn đe, giáo dục cán bộ, đảng viên; ngăn chặn các hành vi sai phạm, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình. Hơn 20 năm gắn bó với ngành Kiểm tra Ðảng, đồng chí Nguyễn Xuân Thủy chia sẻ: Cán bộ làm công tác kiểm tra cần một trái tim nóng và một cái đầu lạnh để bảo đảm xử lý công việc thật sự chí công, vô tư, bởi nghề này không tránh khỏi trường hợp nhạy cảm.

Dựa vào nhiều nguồn tin để kiểm tra, giám sát

Thực hiện phương châm dựa vào dân để xây dựng Ðảng, các cấp ủy ở Ninh Thuận luôn lấy ý kiến nhân dân làm kênh thông tin quan trọng giám sát cán bộ, đảng viên. Kết quả kiểm tra dấu hiệu vi phạm trong quản lý, bảo vệ và khai thác lâm sản tại xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước là thí dụ. Sự việc xảy ra cuối năm 2008, nhận tin báo của nhân dân, Tổ công tác liên ngành huyện Ninh Phước đã phát hiện hơn 3m3 gỗ tại khu dân cư thôn Ninh Quý 2, xã Phước Sơn và lập biên bản tạm giữ do "không xác định được chủ gỗ". Sau đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh thông báo bằng văn bản, nhưng vẫn không có người nhận, cho nên đã ra quyết định thanh lý và nộp ngân sách nhà nước. Sáu tháng sau, một số hộ dân gửi đơn tố cáo ông Lê Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Phước Sơn lợi dụng chức quyền, tàng trữ, mua bán gỗ trái phép, bị bắt quả tang nhưng chưa được giải quyết. Khi làm việc với UBND huyện, người tố cáo khẳng định, hồ sơ phản ánh số gỗ nêu trên nằm ngoài khu vực nhà ông Hà là không trung thực, bởi thời điểm đó có nhiều người dân chứng kiến; đồng thời tố cáo tổ công tác đã làm sai lệch hồ sơ. Ngày 11-9-2010, trong kết luận của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kết quả giải quyết vụ việc nêu trên để UBND tỉnh trả lời người tố cáo, nêu rõ: chưa đủ cơ sở kết luận ông Lê Văn Hà có hành vi tàng trữ và mua bán gỗ trái phép. Không đồng ý với kết luận này, người tố cáo tiếp tục gửi đơn lên UBND tỉnh.

Khi tiếp nhận hồ sơ, thấy đây là vụ việc đã qua nhiều cấp xem xét giải quyết, nhưng kết quả khác nhau, liên quan cán bộ, đảng viên ở nhiều đảng bộ trực thuộc Ðảng bộ tỉnh, UBKT Tỉnh ủy đã tiến hành trình tự kiểm tra dấu hiệu vi phạm và kết luận có sai phạm, cho nên quyết định kỷ luật về Ðảng và đề nghị các cơ quan chức năng xử lý về chính quyền đối với sáu đảng viên có sai phạm. Trong đó, cách chức đảng ủy viên và đề nghị Huyện ủy chỉ đạo việc xem xét cách chức Chủ tịch UBND xã đối với ông Lê Văn Hà; năm đảng viên trong tổ công tác liên ngành đã không thực hiện đúng chức trách, làm sai lệch hồ sơ, bao che hành vi vi phạm pháp luật, đã nhận các hình thức kỷ luật nghiêm khắc.

Cũng tại huyện Ninh Phước, bài học dựa vào dân để giám sát cán bộ, đảng viên được nhắc lại khi chúng tôi đến xã Phước Hậu. Chứng kiến làng mạc trù phú, sự no ấm hiển hiện trên đường làng, ngõ xóm, trong những ngôi nhà khang trang, ít ai ngờ rằng chỉ cách đây vài năm, Phước Hậu là đơn vị yếu kém, nhiều năm liền không hoàn thành nhiệm vụ, nội bộ mất đoàn kết, gian lận trong bầu cử, kèn cựa địa vị, kinh tế đình trệ, an ninh phức tạp khiến người dân bất bình. Từ phản ánh của nhân dân, các cấp ủy tổ chức kiểm tra dấu hiệu vi phạm, thi hành kỷ luật tám đảng viên, trong đó khai trừ Ðảng Bí thư Ðảng ủy xã, cách chức Phó Bí thư, cảnh cáo hai đảng ủy viên.

Ðánh giá về sự thay đổi sau ba năm kiện toàn tổ chức ở xã Phước Hậu, đồng chí Lưu Nào, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy cho biết, cán bộ thay thế là người tại chỗ. Cấp ủy chủ chốt của Phước Hậu hiện nay đều ở tuổi 30, có trình độ và năng lực, chỉ trong thời gian ngắn đã xốc lại tinh thần làm việc của cán bộ từ xã đến thôn, đẩy nhanh phong trào thi đua sản xuất bằng các dự án, mô hình kinh tế hiệu quả như nuôi dê, trồng táo đặc sản... Dẫn chúng tôi thăm "bức họa đồng quê" sống động ở thôn Trường Thọ, Phó Bí thư Thường trực Ðảng ủy xã Phước Hậu Võ Thành Ðảo phấn khởi cho biết: "Ðó là kết quả do người dân đã tin tưởng và đồng lòng hưởng ứng". Xã được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới của huyện. Ðảng bộ xã được công nhận trong sạch, vững mạnh.

Trong hai năm 2011-2012, qua công tác kiểm tra, giám sát, các cấp ủy ở Ninh Thuận thấy rõ những yếu kém, khuyết điểm của tổ chức đảng và đảng viên do cấp mình quản lý, từ đó có biện pháp khắc phục sửa chữa; góp phần giảm tới mức thấp nhất tình trạng khiếu kiện kéo dài, vượt cấp. Kết quả sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XI về xây dựng Ðảng cho thấy, số tổ chức đảng và đảng viên có dấu hiệu vi phạm giảm. Ở cấp tỉnh chỉ có một trường hợp phải kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm. Cấp huyện có hai tổ chức đảng và hai đảng viên bị xử lý kỷ luật.

Ðồng chí Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận cho biết, thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XI về xây dựng Ðảng, Ðảng bộ tỉnh luôn xác định, song hành việc xử lý sai phạm, giải quyết bức xúc, thì nhiệm vụ có tính bền vững và lâu dài là phòng ngừa vi phạm, đẩy lùi suy thoái. Trong đó, công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường nhằm bảo đảm sự lãnh đạo, quản lý hiệu quả, ngăn chặn sự lạm quyền, gia trưởng và độc đoán. Kết quả kiểm tra, giám sát hằng năm là cơ sở để cấp ủy đánh giá và rà soát đội ngũ cán bộ. Qua đó, Tỉnh ủy đã điều động, phân công lại nhiệm vụ 13 đồng chí lãnh đạo các cơ quan cấp tỉnh; xem xét điều chuyển công tác một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt sở, ngành, địa phương thiếu năng lực, tinh thần trách nhiệm, có biểu hiện mất dân chủ, sức khỏe không bảo đảm; luân chuyển bốn cán bộ trẻ từ tỉnh về làm cán bộ chủ chốt cấp ủy huyện...

Bài và ảnh: TIỂU PHƯƠNG

Theo

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/21434602-.html