Đức đồng thời mở rộng sản xuất đạn dược ở hai quốc gia NATO, Ukraine sẽ được lợi?
Một khi cỗ máy của Đức tăng tốc, sẽ rất khó để làm chậm nó lại
Đã có khá nhiều thông tin phản ánh về tình trạng thiếu đạn dược, nhưng vấn đề này đang được giải quyết tích cực. Đặc biệt là khi ngành công nghiệp Đức tham gia vào nỗ lực này.
Trong tuyên bố ngày 4/1/2022, Bộ trưởng Kinh tế Romania Florin Spătaru khẳng định Đức có kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất thuốc súng trên lãnh thổ Romania. Ngoài ra, Đức còn đầu tư vào việc xây dựng lại một trong những nhà máy sản xuất vũ khí để sản xuất đạn cỡ 152 ly và 155 ly.
Bộ trưởng Spătaru không nói rõ công ty Đức nào sẽ thực hiện dự án này nhưng trước đó đã có thông tin cho rằng đó sẽ là Rheinmetall. Số tiền dự kiến chi cho dự án cũng chưa được tiết lộ. Nhưng một lưu ý rằng Romania đã phân bổ 10 triệu euro trong ngân sách năm 2023 cho "tái thiết nhà máy để sản xuất đạn" - theo trang Defense Romania - vì vậy đây có thể là dự án hợp tác chung.
Đồng thời, chính phủ Romania chính thức tuyên bố rằng các dự án trên không nhằm mục đích hỗ trợ Ukraine và sẽ chỉ hoạt động cho nhu cầu của quân đội Romania và quân đội của các nước trong liên minh.
Tuy vậy, trang Defense Romania cho biết, việc tạo ra năng lực bổ sung để sản xuất đạn dược vì lợi ích của NATO vẫn giúp phương Tây dễ dàng cung cấp thêm cho Lực lượng vũ trang Ukraine các loại đạn 152 ly và 155 ly.
Bộ Quốc phòng Romania cũng chỉ ra rằng một số doanh nghiệp chuyên ngành hiện đang hoạt động ở Romania như nhà máy thuốc súng Fegeras, nhà máy Carfil ở Brasov, nhà máy Uzina Mecanică Plopeni (đạn dược gây cháy), Uzina Mecanică Mija (lựu đạn cho quân đội và cảnh sát), và quan trọng nhất là nhà máy Tohan, nơi sản xuất đạn 122 ly cho pháo đơn nòng và các hệ thống rocket đa nòng (MLRS) do Liên Xô sản xuất.
Nhưng các kế hoạch của ngành công nghiệp Đức liên quan đến việc mở rộng sản xuất đạn dược không dừng lại ở đó. Như tập đoàn Rheinmetall đã chính thức công bố, họ đã giành được hợp đồng xây dựng một nhà máy sản xuất chất nổ ở thành phố Varpalota của Hungary. Nhà máy này sẽ sản xuất thuốc nổ cho đạn pháo, xe tăng và súng cối.
Doanh nghiệp này trong tương lai sẽ hợp tác với công ty nhà nước N7 Holdin của Hungary. Có thông tin rằng Rheinmetall sẽ là người mua chính các sản phẩm của doanh nghiệp mới. Giá trị hợp đồng được nêu trong cụm từ "một con số ba chữ số tính bằng triệu euro". Khía cạnh duy nhất phải được tính đến là việc xây dựng doanh nghiệp sẽ mất ba năm và những sản phẩm đầu tiên có thể ra mắt vào năm 2027.
Và có vẻ như Rheinmetall hoàn toàn nhìn thấy không chỉ một tình huống, mà là một xu hướng lâu dài về nhu cầu đạn dược. Đặc biệt nếu nhớ rằng vào năm 2022, Quân đội Đức (Bundeswehr) chỉ mua 1 tỷ euro đạn dược trong khi nhu cầu là khoảng 20 tỷ euro.
Trong dự án mới, công ty quốc phòng Đức sẽ sản xuất các loại đạn cỡ trung bình, bao gồm cả các loại đạn cho pháo tự hành Gepard SPAAG mà Đức đã bàn giao cho Ukraine để tăng cường khả năng phòng không.
Việc xây dựng nhà máy bắt đầu sau khi Thụy Sĩ hai lần từ chối tái xuất khẩu đạn dược sang Ukraine theo yêu cầu của Berlin. Các dây chuyền mới để sản xuất đạn cỡ trung bình sẽ sẵn sàng trong tháng 1/2023.
Xem binh sĩ Ukraine triển khai pháo phòng không Gepard do Đức sản xuất (Nguồn: Quân đội Ukraine)
Theo đại diện của Rheinmetall, mục tiêu chính của dây chuyền sản xuất mới là khôi phục nguồn cung cấp đạn dược cho Lực lượng Vũ trang Đức, vốn sẽ độc lập với các cơ sở sản xuất nước ngoài.
Hoạt động sản xuất tại nhà máy mới sẽ bắt đầu vào tháng 6/2023 và vào tháng 7, Rheinmetall sẽ có thể giao lô đạn Gepard SPAAG đầu tiên. Nếu chính phủ Đức gửi đơn đặt hàng tương ứng cho nhà sản xuất, Ukraine khi đó sẽ có thể nhận được tới 300.000 viên đạn - đại diện của công ty chia sẻ.