Đức nghĩ cách ngăn chặn tội phạm sử dụng dao
Chính phủ Đức đang nghiên cứu ban hành luật chặt chẽ hơn nhằm ngăn chặn tội phạm sử dụng dao trong bối cảnh số vụ tấn công bằng dao nơi công cộng tăng lên, đặc biệt là gần các nhà ga xe lửa.
Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser đã kêu gọi thay đổi luật để cá nhân chỉ được phép mang theo những lưỡi dao dài 6cm ở nơi công cộng, thay vì 12cm như hiện nay. Sẽ có ngoại lệ đối với dao gia dụng trong bao bì gốc, còn dao bấm sẽ bị cấm hoàn toàn. “Dao đang được sử dụng trong các hành vi bạo lực có thể gây thương tích nghiêm trọng hoặc tử vong. Chúng ta cần luật về vũ khí chặt chẽ hơn và kiểm soát mạnh mẽ hơn”, ông Faeser nói với đài truyền hình công cộng ARD vào đầu tháng 8-2024.
Tuyên bố của Bộ trưởng Đức được đưa ra sau khi số liệu thống kê của cảnh sát ghi nhận các vụ liên quan đến dao gây thương tích nghiêm trọng trong năm 2024 đã tăng 5,6% so với 8.951 vụ việc vào năm 2023. Cảnh sát liên bang, đơn vị chịu trách nhiệm về an toàn tại các sân bay và nhà ga đường sắt lớn của Đức, cũng ghi nhận sự gia tăng đáng kể các vụ tấn công bằng dao trong và xung quanh nhà ga, với 430 vụ trong 6 tháng đầu năm nay.
Ông Dirk Baier, một nhà tội phạm học người Đức tại Viện Phòng chống tội phạm ở Zurich cho rằng, số liệu trên chưa hẳn đã chính xác, bởi các vụ việc thống kê bao gồm cả hành vi tấn công bằng dao và đe dọa tấn công bằng dao. Tuy nhiên, đảng cực hữu Alternative for Germany (AfD) đã sử dụng số liệu này để ám chỉ rằng chính sách về người nhập cư của Đức là nguyên nhân. “Chúng ta có tội phạm người nước ngoài, tội phạm thanh thiếu niên, bạo lực của người di cư, vì chúng ta có biên giới mở”, đồng lãnh đạo AfD Alice Weidel phát biểu với Đài truyền hình công cộng ZDF vào tháng 7. Trong khi đó, giới truyền thông Đức thời gian gần đây ngày càng quan tâm đến tội phạm dùng dao sau vụ một cảnh sát ở Mannheim bị một người tị nạn Afghanistan sát hại vào tháng 5-2024.
Mặc dù vậy, các nhà tội phạm học không thấy mối liên hệ giữa tội phạm bạo lực và lý lịch nhập cư. Cho dù số nghi phạm dùng dao không mang quốc tịch Đức chiếm tỷ lệ đáng kể trong số liệu thống kê về tội phạm của cảnh sát, nhưng điều này không giúp ích nhiều cho việc ngăn ngừa tội phạm. “Nếu xem xét kỹ hơn nhóm người không phải người Đức, chúng ta sẽ thấy những nhóm người rất khác nhau: Có người Đông Âu, người Bắc Phi, người Nam Mỹ hay người gốc Ảrập. Đó là những nền văn hóa rất khác nhau, vì vậy không thể biết đâu là nền văn hóa thích sử dụng dao hoặc lý lịch dân tộc nào có mối liên hệ trực tiếp với việc mang theo dao”, nhà tội phạm học Dirk Baier phân tích. Theo ông Dirk Baier, không nên quan tâm quá đến nguồn gốc ai đó mà phải xem xét đến hoàn cảnh xã hội của họ. Họ lớn lên trong môi trường nào, giao du với ai, trình độ học vấn thế nào?
Nhà tội phạm học Dirk Baier lập luận rằng, ít nhất Đức có thể đơn giản hóa luật pháp hiện vốn rất phức tạp, vì mỗi tiểu bang có các quy tắc riêng về loại dao nào được phép mang theo. Còn ông Lars Wendland, Chủ tịch liên đoàn cảnh sát Đức GdP cho rằng, muốn ngăn chặn tội phạm sử dụng dao thì sự thay đổi về mặt pháp lý là chưa đủ mà phải tăng cường trang bị cho lực lượng thực thi pháp luật. “Việc thắt chặt luật có ích gì nếu không thể thực thi? Chúng ta cũng phải xem xét liệu cảnh sát có đủ nhân sự và vật lực để thực hiện hay không”, ông Lars Wendland đặt vấn đề. Ông Wendland cho rằng, giám sát nhận dạng khuôn mặt và cho phép cảnh sát tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên tại một số khu vực cấm vũ khí là giải pháp tốt nhưng chưa được Bộ trưởng Nancy Faeser đề cập đến. Hiện một số thành phố của Đức đã áp dụng khu vực cấm vũ khí giúp mọi người cảm thấy an toàn hơn.
Tội phạm dùng dao đã trở thành một vấn đề lớn ở những đô thị khác của châu Âu, đặc biệt là ở Vương quốc Anh, nơi chính phủ cũng đã ban hành lệnh cấm mới đối với vũ khí có lưỡi lớn vào cuối năm ngoái.
Theo DW
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/duc-nghi-cach-ngan-chan-toi-pham-su-dung-dao-post586685.antd