Đức Trọng: Phát huy hiệu quả Luật Thanh niên

Ðức Trọng hiện có 32.875 người trong độ tuổi thanh niên, chiếm trên 30% lực lượng lao động của toàn huyện. Thời gian qua, việc triển khai thực hiện Luật Thanh niên luôn được các cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và các tổ chức chính trị - xã hội ở huyện chú trọng. Công tác xã hội hóa các hoạt động thanh niên có bước phát triển đáng kể, góp phần làm giảm tình hình vi phạm pháp luật ở lứa tuổi thanh niên.

Phiên giao dịch việc làm do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đức Trọng phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh tổ chức đầu năm 2019, đã thu hút đông đảo thanh niên trên địa bàn huyện tham gia. Ảnh: T.Vũ

Để Luật Thanh niên thực sự đi vào cuộc sống, theo bà Phạm Thị Thanh Thúy - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng, hàng năm, huyện đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch thực hiện phát triển thanh niên, trên cơ sở đó, các phòng, ban chuyên môn của huyện, UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Đồng thời, tại các địa phương, việc thực hiện các chủ trương, chính sách đối với thanh niên ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực.

Mặt khác, việc thực hiện chiến lược phát triển thanh niên được lồng ghép với các mục tiêu, chỉ tiêu thực hiện chiến lược, chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Chăm lo cho thanh niên về lĩnh vực phát triển kinh tế, thực hiện 2 chương trình lớn “Xung kích phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ Tổ quốc”, “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”; UBND huyện đã chỉ đạo các ngành, địa phương phối hợp với Huyện đoàn xây dựng nhiều chương trình, mục tiêu, chỉ tiêu phát triển thanh niên. Thông qua những hình thức đa dạng, tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ tham gia phát triển kinh tế - xã hội đã được khơi dậy; địa phương tổ chức các lớp dạy nghề cho thanh niên nông thôn; cùng đó là các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi... Phối hợp với Ngân hàng Chính sách vay vốn giải quyết việc làm, thành lập tổ hợp tác thanh niên phát triển kinh tế... Đồng thời, thông báo đến các xã, thị trấn các nguồn vốn vay quốc gia giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho thanh niên vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất. Đến nay, tổng dư nợ do Đoàn Thanh niên quản lý gần 30 tỷ đồng.

Ban Chấp hành các xã, thị trấn chủ động phối hợp với Hội Nông dân, Phòng Nông nghiệp, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức các lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi, các lớp dạy nghề, tư vấn giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động. Trong đó, chú trọng phát triển và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với nhu cầu và đặc thù của địa phương. Từ năm 2010-2018, toàn huyện tổ chức 90 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, với 2.459 người tham gia, trong đó, thanh niên là 1.566 người.

UBND huyện cũng đã chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện phối hợp với Trung tâm Dịch vụ - Việc làm tỉnh tổ chức các phiên giao dịch việc làm hàng năm. Từ năm 2016-2018, toàn huyện đã giải quyết việc làm cho 47.981 lao động (bình quân 3 ngàn lao động/năm), trong đó, thanh niên chiếm 75%. Đầu năm 2019 này, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện đã phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh tổ chức phiên giao dịch việc làm, thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên và người dân trên địa bàn huyện tham gia. Ka Ninh (xã N’Thol Hạ, Đức Trọng) nói: “Tôi thấy các phiên giao dịch việc làm như thế này thật sự rất hiệu quả, vì đến với phiên giao dịch lần này, tôi biết được nhu cầu tuyển dụng của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn và xác định mình phù hợp với công việc nào, tôi sẽ mạnh dạn nộp đơn phỏng vấn ở doanh nghiệp đó”. Ngoài ra, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội của huyện còn phối hợp với Trung tâm Dịch vụ - Việc làm tỉnh, Huyện đoàn định kỳ hàng tháng đưa thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh về UBND các xã, thị trấn đăng trên trang facebook thanh niên Đức Trọng, để thanh niên trên địa bàn cập nhật thông tin tìm kiếm việc làm, tham gia xuất khẩu lao động.

Bên cạnh đó, lĩnh vực văn hóa - xã hội cho thanh niên cũng được quan tâm, đẩy mạnh, Huyện đoàn đã chỉ đạo đoàn các xã, thị trấn thực hiện hiệu quả các câu lạc bộ cồng chiêng tại các xã N’Thol Hạ, Phú Hội, Đà Loan, Đa Quyn, Hiệp An... Đồng thời, phát huy và duy trì các trang phục truyền thống của các dân tộc phía Bắc như: Thái, Tày, Nùng, Hoa tại các xã Tân Thành, thị trấn Liên Nghĩa... Các cấp, các ngành cũng luôn quan tâm, tạo điều kiện đầu tư cơ sở vật chất, thường xuyên tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, rèn luyện thể chất, nâng cao sức khỏe, đời sống văn hóa - tinh thần, góp phần xây dựng lối sống lành mạnh cho thanh niên. Đến nay, có 15 xã, thị trấn có 143/152 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa thôn đảm bảo các hoạt động sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí cho thanh niên tại cơ sở. Toàn huyện hiện có 13 sân bóng đá cấp xã, 1 sân bóng đá cấp huyện, 100% các cơ quan, đơn vị và UBND các xã, thị trấn có sân bóng chuyền phục vụ nhu cấu tập luyện, vui chơi giải trí của thanh niên và có 115 đội bóng đá, 84 đội bóng chuyền, 23 câu lạc bộ thể dục thể thao tại cơ sở.

THY VŨ

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/201906/duc-trong-phat-huy-hieu-qua-luat-thanh-nien-2952344/