Đừng lâu lâu lại gây xáo xào xã hội!

Hết chuyện đòi bỏ câu tục ngữ 'Tiên học lễ, hậu học văn', nay lại thêm đề xuất: Thầy-cô giáo không nên gọi học sinh bằng 'con' vì gọi như vậy là không phải, không phù hợp. Vì, học sinh (đặc biệt học sinh phổ thông) là đối tượng giáo dục, chủ thể của quá trình dạy học, giáo viên phải tôn trọng và khích lệ chủ thể tiếp nhận kiến thức, tinh thần khai phóng, tự tin, làm chủ, năng động sáng tạo của các em...

Quan tâm vấn đề này, bạn đọc cũng đã biết các ý kiến khác nhau, đồng ý, không đồng ý. Người viết từng có thời gian làm nghề “gõ đầu trẻ”, từng được ba mẹ dắt đi gửi học trường tư từ những năm 70 của thế kỷ trước, từng được thầy-cô giáo gọi bằng “con”. Thời gian đi dạy, người viết cũng từng gọi học sinh bằng “con” như thế, ngay từ những năm đầu ra trường mà không chút ngượng nghịu, mất tự nhiên. Kiểu như: “Hết giờ rồi, con đánh kẻng ra chơi giùm thầy” hay “Con đưa giùm sổ đầu bài cho thầy”,... Xưng thầy/cô và gọi học sinh là trò/con/em, rõ ràng là có khác nhau (mỗi từ tiếng Việt có nghĩa khác nhau mà lỵ). Nhưng vấn đề mấu chốt không phải ở chỗ đó mà ở gốc rễ văn hóa sâu xa, cách gọi như thế có “ảnh hưởng” gì đến giáo dục, sự tiếp nhận kiến thức và sự phát triển của trẻ hay không.

“Tiên học lễ, hậu học văn”, “Muốn sang phải bắc cầu kiều/Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”, “Tôn sư trọng đạo”, “Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy”... Những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ, chỉnh thể ngôn ngữ ổn định hàng ngàn năm này nói lên điều gì và dạy chúng ta cái gì nếu không phải là sự coi trọng giáo dục, khẳng định vai trò và ý nghĩa thiêng liêng người thầy! Như một mặc định, người thầy xưng thầy/cô, gọi học sinh bằng “con” trước tiên vì mình là người lớn tuổi, vai vế như cha mẹ học sinh. Thứ hai, thầy là người nắm kiến thức, trình độ, hiểu biết (điều kiện để làm thầy). Và thứ ba, thầy phải là người có nhân cách, đạo đức tốt đẹp.

Những yêu cầu đó chi phối mạnh mẽ cách nhìn của xã hội, phụ huynh và tâm lý người dạy lẫn người học. Học sinh được xã hội, phụ huynh dạy phải tôn trọng thầy như cha như mẹ, hơn cả cha mẹ, có thể xưng là “con”, vì thầy là người giỏi giang, hiểu biết nhiều, đức cao vọng trọng. Giáo dục xã hội chủ nghĩa coi trọng vai trò người dạy lẫn người học, đặc biệt biến người học từ bị động, nhồi nhét, tự ti, chấp nhận của lối giáo dục cũ, “lệ thuộc” thành chủ thể với sự chủ động, sáng tạo trong quá trình tiếp nhận tri thức. Tuy vậy, quan niệm giáo dục mới vẫn không tách rời yêu cầu người thầy dạy học sinh “bằng cả con người của mình”, tức không chỉ có truyền thụ kiến thức văn hóa, hiểu biết mà cả về tư tưởng, đạo đức, tác phong, lời ăn tiếng nói, đi đứng, việc làm... (Đây cũng là quan niệm của nhà giáo dục Xô viết nổi tiếng Macarenco). Có thể dẫn ra rất nhiều ví dụ như thế về sự ảnh hưởng tốt đẹp của người thầy đối với nhiều thế hệ học sinh trong lịch sử cũng như trong đời sống xã hội hiện nay.

Không phải cố tình đi tìm “cái lý” cho mình, nhưng người viết cho rằng, thầy/cô gọi học trò bằng “con” không có nghĩa hoàn toàn xem chúng nhỏ bé, không biết gì, khiến chúng tự ti mà đó là cách xưng hô phân biệt “vai vế” cần thiết và quan trọng hơn là thể hiện thái độ quan tâm, tình cảm yêu thương của thầy-cô giáo đối với học sinh thân yêu của mình. Không làm rõ như vậy sẽ trở nên “hồ đồ” vì tìm ra bao nhiêu lớp nghĩa, hiểu tường tận nó như thế nào, dựa vào đâu để khẳng định câu tục ngữ “Tiên học lễ, hậu học văn” là trói buộc, là bắt học sinh phục tùng, thủ tiêu tính chủ động, sáng tạo, như có người từng “chốt hạ”?

Tương tự, cho rằng giáo viên gọi học sinh bằng “con” làm chúng cảm thấy nhỏ bé, tự ti, thậm chí sợ hãi liệu có chủ quan? Một nhà văn nổi tiếng từng nói: Một từ dùng đúng chỗ có thể tái hiện được cả một thời đại. Vâng, chúng ta hiểu giá trị của tiếng nước ta, giá trị của một từ, và không khó để tra từ điển và hiểu nghĩa của từ: thầy, trò, học sinh, giáo viên là như thế nào. Nhưng gọi học sinh bằng “con” thì ngoài nghĩa gốc của từ này, nó còn thêm nét nghĩa bổ sung, nét nghĩa tình thái, tưởng cũng nên quan tâm đầy đủ.

Sự quan tâm và tình cảm yêu thương của giáo viên là điều kiện, là môi trường, là xúc tác, là động lực giáo dục lý tưởng giúp cho việc tiếp thu, lĩnh hội kiến thức thuận lợi, dễ dàng và bồi dưỡng nhân cách tốt đẹp cho học sinh. Tìm hiểu từ một số học sinh, các em cho rằng, cách xưng hô quan trọng và liên quan nhất định đến quá trình dạy học nhưng tính chất của quan hệ thầy-trò và kết quả giáo dục mới quan trọng hơn. Nghĩa là thầy giáo phải làm tốt công tác chuyên môn, quan tâm yêu thương học sinh, còn học sinh phải lễ phép, biết vâng lời thầy, chăm ngoan học giỏi. Xưng hô để phân biệt thứ bậc, vai trò, tôn trọng và yêu thương, quan tâm lẫn nhau là việc khuyến khích và nên làm.

Giáo dục hiện nay còn rất nhiều việc phải làm. Kể cả những vấn đề lớn đó là triết lý, quan điểm, sứ mệnh. Nhà quản lý, nhà giáo dục, người làm chuyên môn nên dành thời gian, tiền của, công sức cho những việc “cần làm ngay” đó. Những gì chưa thật cần thiết, những giá trị tinh thần đã ổn định nên hãy tôn trọng, đừng lâu lâu lại gây xáo xào xã hội cả lên. Thiển ý này mong được thông cảm và thứ lỗi.

THẤT SƠN

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12436/202202/dung-lau-lau-lai-gay-xao-xao-xa-hoi-5766953/