Đúng nghĩa là nhà ở vì mục đích nhân văn

Trong chương trình nghị sự Kỳ họp thứ Tám, việc Quốc hội xem xét kết quả giám sát và dự thảo Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề 'việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023' không chỉ thu hút sự quan tâm của đại biểu mà còn là diễn đàn được nhiều cử tri mong đợi. Từ kết quả giám sát, cử tri mong muốn sẽ có giải pháp giải quyết dứt điểm vấn đề quản lý thị trường bất động sản để vận hành đúng hướng và phát triển nhà ở xã hội đúng nghĩa là nhà ở vì mục đích nhân văn vốn có.

Không vì khó, nhạy cảm mà né tránh

Theo dõi diễn biến phiên họp ngày 28.10.2024 của Quốc hội, nhiều cử tri bày tỏ hài lòng về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” của Đoàn giám sát Quốc hội cũng như ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận.

 Khởi công Dự án Nhà ở xã hội Tràng Cát - Hải Phòng (giai đoạn 1), đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho khoảng 10.000 người. Ảnh: Hoàng Tùng

Khởi công Dự án Nhà ở xã hội Tràng Cát - Hải Phòng (giai đoạn 1), đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho khoảng 10.000 người. Ảnh: Hoàng Tùng

Một chuyên đề khó và nhạy cảm, liên quan đến nhiều lĩnh vực, bộ, ban, ngành, địa phương. Mổ xẻ kỹ ra có rất nhiều vấn đề và bài toán nan giải từ thực tiễn, nhất là vấn đề giữa cung - cầu bất động sản và nhà ở xã hội hiện nay; bao giờ người có thu nhập thấp mới có cơ hội sở hữu đất đai và nhà ở xã hội khi giá cả thị trường bất động sản và nhà ở xã hội ngày càng leo thang...; vấn nạn cò đất hay những “điểm nghẽn” trong vấn đề đấu thầu, đấu giá… Kết quả giám sát chỉ ra rất rõ những mặt được và chưa được; kiến nghị các giải pháp tháo gỡ. Đây là một chuyên đề giám sát có chất lượng và ý nghĩa lớn, nhất là giai đoạn hiện nay chúng ta đang triển khai thực thi quy định của Luật Đất đai sửa đổi, Luật Nhà ở sửa đổi và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi - cử tri Nguyễn Tuấn Anh, thành phố Vinh, Nghệ An bày tỏ.

Giá đất cao về mặt quy định thì Nhà nước sẽ thu được thuế nhưng trên thực tế không ít vụ việc người đấu bỏ cọc. Nhưng giá đất không vì thế mà giảm mà tự lập trình mức cao hơn. Hệ quả là người nghèo có nằm mơ cũng không thể mua nổi đất mà Nhà nước cũng không thể đấu giá hết số lô đã quy hoạch đấu giá và thị trường đóng băng. Ngoài ra, còn có tình trạng lãng phí đất đai rất lớn khi người có tiền mua đất lại không có nhu cầu làm nhà ở mà người có nhu cầu làm nhà ở lại không có đủ tiền mua đất. Do đó nên mới có thực tế, đất đấu giá nhiều nhưng được khai thác sử dụng làm nhà ở chỉ chiếm một tỷ lệ khiêm tốn. Điều này cũng là một sự lãng phí. Kỳ vọng sau cuộc giám sát này, Nghị quyết về kết quả giám sát của Quốc hội sẽ có những giải pháp hiệu quả cũng là đáp án cử tri mong chờ nhất.

Điểm tựa để thực thi các luật mới

Mục tiêu chuyên đề giám sát của Quốc hội đưa ra là đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc; xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, rút ra bài học kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội; đề xuất, kiến nghị nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội, hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan, kịp thời ban hành các văn bản để Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội Khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu sớm đi vào cuộc sống.

Thực tiễn triển khai thực thi Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Đất đai (sửa đổi) hiện nay đang gặp phải một số vướng mắc. Ngoài một số văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền của Trung ương ban hành chậm qua các diễn đàn, báo cáo chúng ta thấy rất rõ nhiều địa phương chưa kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền để thực thi, ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai các luật bởi nhiều nội dung quan trọng đã được phân cấp cho chính quyền địa phương. Mặt khác, nhiều cán bộ chuyên trách chưa nắm luật, chưa được tham gia các chương trình phổ biến, tập huấn về quy định mới cũng là hạn chế.

“Đơn cử như Luật Đất đai, khó nhất là vấn đề điều chỉnh giá đất. Khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai 2024 về việc chuyển tiếp sử dụng Bảng giá đất quy định: Bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành theo quy định của Luật Đất đai số 45/2013/QH13 được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31.12.2025; trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của luật này cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương. Một thực tế hiện nay là giá đất được thông qua tại nhiều địa phương đang thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường, nhiều địa phương đang lúng túng trong điều chỉnh. Chậm hoặc không điều chỉnh giá đất gây hệ lụy rất lớn đến sự phát triển cũng như giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho dân liên quan đến giá đất - cử tri Phan Thị Lý, thành phố Đông Hà, Quảng Trị chia sẻ.

Khoản 7 Điều 55 Nghị định 102 hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2024 quy định "việc lựa chọn đơn vị, tổ chức thực hiện cuộc bán đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu". Tuy nhiên, Luật Đấu thầu cũng chưa quy định rõ ràng về đấu giá, khi áp dụng quy định về đấu thầu trong lựa chọn đơn vị thực hiện đấu giá lại gặp phải rào cản trong việc xác định dịch vụ đấu giá tài sản là tư vấn hay phi tư vấn. Điều này cũng gây bối rối cho nhiều địa phương trong việc chấp hành quy định của luật - cử tri Trần Thị Liêm, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh nhấn mạnh.

Hy vọng giải pháp các Bộ trưởng đưa ra khi giải trình tại Quốc hội về nội dung giám sát sẽ sớm được hiện thực hóa. Trong đó, điều cử tri mong mỏi nhất là việc công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được thực hiện bài bản, đúng trình tự; điều chỉnh hợp lý giá đất trong bảng giá đất; rút ngắn thời gian nộp tiền thanh toán trúng đấu giá, đồng thời công khai các trường hợp trúng giá cao nhưng bỏ cọc; tăng cường biện pháp bảo đảm nguồn cung bất động sản nhà, đất ở có giá cả hợp lý; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đây cũng là điều Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cam kết tại phiên thảo luận. Thực hiện tốt sẽ là điều kiện cần để các luật sớm đi vào cuộc sống, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, bảo đảm cuộc sống của người dân được ấm no, hạnh phúc như mục tiêu cuộc giám sát cũng như ý nghĩa, giá trị cao cả của pháp luật suy cho cùng là để người dân được sống đúng, sống hạnh phúc hơn.

Lê Hồng Hạnh, Trưởng phòng Tư pháp thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dung-nghia-la-nha-o-vi-muc-dich-nhan-van-post395258.html