Dung Quất 2 tăng tốc, Hòa Phát nâng vay nợ lên mức kỷ lục

Hòa Phát vay nợ hơn 78.000 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý 3/2024, trong bối cảnh dự án Dung Quất 2 - kỳ vọng lớn nhất của tập đoàn này hiện nay đang tập trung vào giai đoạn lắp đặt máy móc thiết bị.

Hòa Phát đạt kết quả kinh doanh khả quan trong 9 tháng đầu năm 2024. Ảnh: HPG

Hòa Phát đạt kết quả kinh doanh khả quan trong 9 tháng đầu năm 2024. Ảnh: HPG

Theo báo cáo tài chính quý 3/2024 vừa công bố, Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) có tổng nợ phải trả 99.607 tỷ đồng, tăng hơn 14.600 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó nợ vay chiếm 78.698 tỷ đồng, tăng gần 6.000 tỷ so với cuối quý 2/2024 và tăng hơn 13.300 tỷ so với đầu năm, chủ yếu là tăng nợ dài hạn. Đây là mức dư nợ vay cao nhất của Hòa Phát từ trước đến nay.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, doanh nghiệp phải trả 1.725 tỷ đồng tiền lãi vay; tuy nhiên so với cùng kỳ năm ngoái giảm 56%, nhờ mặt bằng lãi suất hạ nhiệt.

Việc Hòa Phát tăng vay nợ phù hợp với bối cảnh tập đoàn này đang đẩy mạnh việc xây dựng Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất 2. Dự án có quy mô 280 ha, tổng vốn đầu tư cố định 85.000 tỷ đồng (hơn 3 tỷ USD), công suất thiết kế 5,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC) chất lượng cao/năm.

Tại thời điểm cuối quý 3/2024, chi phí xây dựng dở dang của Hòa Phát đạt 55.596 tỷ đồng, trong đó riêng tại Khu liên hợp gang thép Dung Quất là 52.493 tỷ đồng, tăng hơn 10.000 tỷ đồng so với cuối quý 2 và tăng gần 30.000 tỷ đồng so với đầu năm.

Trong báo cáo tình hình kinh doanh quý 3/2024, Hòa Phát cho biết, Dung Quất 2 được tài trợ 50% bởi khoản vay hợp vốn với sự tham gia của 8 ngân hàng lớn trong nước và phần còn lại bởi vốn tự có của tập đoàn.

Về tiến độ xây dựng của dự án, theo Hòa Phát, việc hoàn thành giải phóng mặt bằng và các hạng mục xây dựng đã cơ bản hoàn thành trong năm 2023. Năm 2024, đặc biệt là quý 2 và quý 3 tập trung vào việc lắp đặt máy móc thiết bị.

Đến nay, dự án Dung Quất 2 đã gần như hoàn thành việc lắp đặt các dây chuyền chính của phân kỳ 1 và đạt một nửa tiến độ của phân kỳ 2. Lò cao đầu tiên dự kiến khai lò vào cuối quý 4/2024. Các dây chuyền đúc và cán thép cũng sẽ hoạt động trong tháng 12 tới, đưa phân kỳ 1 vào chạy chính thức. Phân kỳ 2 với công suất tương đương dự kiến sẽ hoàn thành vào quý 4/2025.

Dự kiến khi Dung Quất 2 đi vào hoạt động, năng lực sản xuất thép thô của Hòa Phát sẽ đạt trên 14,5 triệu tấn mỗi năm, trong đó có 8,6 triệu tấn HRC; đưa doanh nghiệp trở thành đơn vị sản xuất thép cuộn cán nóng lớn nhất Việt Nam.

Đẩy mạnh giải ngân cho Dung Quất 2 nên lượng tiền mặt mà Hòa Phát sở hữu cũng sụt giảm, còn gần 25.000 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý 3/2024, giảm hơn 3.000 tỷ đồng so với cuối quý 2 và giảm gần 9.500 tỷ đồng so với đầu năm. Trong 9 tháng, công ty thu về 950 tỷ đồng từ lãi tiền gửi.

Về kết quả kinh doanh, trong quý 3/2024, doanh thu của tập đoàn đạt 34.300 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 3.022 tỷ đồng, tăng 51% nhưng giảm so với quý 2/2024.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, Hòa Phát ghi nhận 105.329 tỷ đồng doanh thu, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023 và hoàn thành 75% kế hoạch năm 2024; lợi nhuận sau thuế đạt 9.210 tỷ đồng, tăng 140% so với cùng kỳ và hoàn thành 92% kế hoạch lợi nhuận năm.

Phạm Ngọc

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/dung-quat-2-tang-toc-hoa-phat-nang-vay-no-len-muc-ky-luc-35132.html