Thông tin nói trên được nêu ra trong các tài liệu của Viện nghiên cứu khoa học thử nghiệm vũ khí và phương tiện bọc thép số 38 (NII BTVT) trực thuộc Bộ Quốc phòng Nga.
Cụ thể, các chuyên gia của Viện nghiên cứu NII BTVT đề nghị tiếp tục hiện đại hóa xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) T-90M Proryv-3 cho giai đoạn sau năm 2025 nhằm nâng cao sức chiến đấu của nó.
Theo tính toán, cho đến thời điểm đó, các xe tăng Nga hoàn thành quá trình hiện đại hóa bao gồm T-72B3M, T-80BVM, T-90M xét về năng lực và hiệu quả sẽ ngang hàng với các MBT tối tân nhất của nước ngoài.
Trong quá trình nâng cấp sâu, đề xuất lắp đặt tổ hợp phòng vệ chủ động (APS) Arena-M trên T-90M đã được đưa ra, thay vì giáp phản ứng nổ Relikt ở phần trước của xe tăng, các công trình sư gợi ý lắp tổ hợp APS cải tiến
Bên cạnh đó, T-90M sẽ nhận được cả hệ thống bảo vệ điện từ, một tổ hợp đặc biệt để chống lại cơ cấu dẫn đường cho tên lửa chống tăng, đi kèm máy phát gây nhiễu Lesochek và một hệ thống chữa cháy tự động.
Theo giới thiệu, xe tăng T-90M được phát triển như một phần chương trình Proryv-3 (Đột phá) và là một bản hiện đại hóa sâu của T-90 Vladimir với sự gia tăng về tính năng chiến đấu và hoạt động.
Trong quá trình hiện đại hóa, module tháp pháo mới với pháo 125 mm tăng khả năng sống sót và độ chính xác đã được lắp đặt trên T-90M. Tháp pháo được trang bị một bệ súng máy điều khiển từ xa cỡ nòng 12,7 mm.
Ngoài ra xe tăng mới còn được tích hợp hệ thống điều khiển hỏa lực kỹ thuật số tự động hóa cao, cung cấp khả năng tìm kiếm, nhận dạng, tự động theo dõi và tiêu diệt mục tiêu với hiệu suất cao hơn T-90S khá nhiều.
Hiện tại chưa có thông tin cụ thể về tính năng của tổ hợp APS Arena-M thế hệ mới sẽ được tích hợp trên xe tăng T-90M, chỉ biết rằng đây là bản nâng cấp từ Arena đã ra đời khá lâu và không được đánh giá là sản phẩm thành công.
Theo nhà sản xuất, tổ hợp APS Arena nguyên bản có cấu tạo bao gồm trạm cảm biến bố trí gần cuối tháp pháo, bên trong có một radar xung Doppler đa chức năng với tầm bao quát 360 độ xung quanh xe.
Các cảm biến sẽ quét xung quanh để phát hiện mối đe dọa từ vũ khí chống tăng. Khi đạn bay về phía chiến xa, thông số mục tiêu sẽ được cảm biến thu nhận rồi truyền về cho máy tính điều khiển
Dựa vào thông số tọa độ, vận tốc của đạn, máy tính sẽ kích hoạt vũ khí đánh chặn gồm 26 viên đạn lắp xung quanh, cung cấp góc phòng thủ trong khoảng 220 - 270 độ về phía trước và bên hông xe tăng.
Đạn đánh chặn sẽ kích nổ cách xe tăng khoảng 1,5 m, phóng ra hàng nghìn mảnh nhỏ để tiêu diệt tên lửa hay đầu đạn của vũ khí chống tăng đối phương.
Thời gian phản ứng của tổ hợp Arena theo quảng cáo chỉ 0,07 giây, đối phó được mục tiêu có tốc độ lên đến 700 m/s, nhận dạng mục tiêu giả cũng như đạn xuyên giáp cỡ nòng nhỏ không đủ sức gây hại tới xe tăng.
Phạm vi bảo vệ của Arena là 50 m xung quanh, nhưng nó cũng yêu cầu bộ binh phải tránh xa xe tăng tối thiểu 50 m để tránh bị sát thương bởi mảnh đạn, đây được xem là một điểm yếu của nó.
Trong các cuộc thử nghiệm diễn ra ở quá khứ, Arena đã không thể hiện được hiệu suất như thiết kế, bên cạnh đó do giá thành đắt nên không một xe tăng trực chiến nào của Nga được lắp đặt.
Bạch Dương