Dược liệu Việt Nam (DVM) chậm kế hoạch kinh doanh, nợ vay cao gần vượt vốn chủ
Theo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm thì Dược liệu Việt Nam (DVM) đang bị chậm kế hoạch cả về lợi nhuận và doanh thu. Nợ vay của đơn vị này cũng đang cao gần vượt vốn chủ sở hữu.
Công ty Cổ phần Dược liệu Việt Nam (DVM) được thành lập từ năm 2011 với hoạt động xoay qoanh lĩnh vực sản xuất, gia công, kinh doanh, bán buôn, bán thầu các sản phẩm sức khỏe. Mã cổ phiếu DVM cũng chỉ mới vừa được niêm yết trên sàn chứng khoán HNX từ 19/7/2022 đến nay.
Về hoạt động kinh doanh, Dược liệu Việt Nam không có quá nhiều biến động. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, lượng vay nợ của công ty liên tục gia tăng, đồng thời ghi nhận về lượng phải thu của khách hàng cũng tăng cao nhất kể từ khi bắt đầu lên sàn đến nay.
Doanh thu Quý 2 sụt giảm, chi phí lãi vay tăng mạnh
Theo báo cáo kết quả kinh doanh Quý 2, Dược liệu Việt Nam ghi nhận doanh thu thuần đạt 364,9 tỷ đồng, giảm nhẹ 2,3% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu doanh thu với 317,9 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp đạt 47 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp giảm từ 14,5% xuống còn 12,9%.
Doanh thu tài chính của DVM đạt 1,7 tỷ đồng, tuy nhiên chi phí tài chính trong kỳ gia tăng mạnh từ 12,4 tỷ lên tới 17,2 tỷ đồng. Gần như toàn bộ phần chi phí này là chi phí lãi vay, tăng tới 51,3% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy rằng áp lực lãi vay trong Quý 2 đối với doanh thu của DVM đã gia tăng đáng kể.
Bù lại chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của Dược liệu Việt Nam lại được tiết giảm đáng kể. Trong đó chi phí bán hàng giảm từ 17,8 tỷ xuống chỉ còn 4,1 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp ngược lại tăng từ 6,4 tỷ lên 7,4 tỷ đồng.
Trừ đi các khoản chi phí cùng thuế, lợi nhuận sau thuế của DVM còn lại 17,4 tỷ đồng, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế lợi nhuận 6 tháng đầu năm của DVM đạt 29,1 tỷ đồng. So với kế hoạch đặt ra đầu năm thì công ty mới hoàn thành được 47,8% và vẫn đang chậm so với mục tiêu đặt ra
Tăng cường đi vay khiến lượng vay nợ của DVM đang cao gần bằng vốn chủ sở hữu
Kết quả kinh doanh Quý 2 của Dược liệu Việt Nam không có nhiều biến động khi doanh thu và lợi nhuận thay đổi không quá nhiều. Tính đến hết ngày 30/6/2023, tổng tài sản của Dược liệu Việt Nam ghi nhận ở mức 1.451,4 tỷ đồng, tăng 6,7% so với thời điểm đầu năm.
Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền giảm mạnh từ 127,6 tỷ xuống chỉ còn 87,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty lại đang tăng cường lượng tiền gửi tại ngân hàng gần gấp đôi từ 29,7 tỷ lên 57,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cơ cấu các khoản phải thu của DVM lại có sự thay đổi tương đối lớn. Cụ thể thì phải thu ngắn hạn của khách hàng đã gia tăng từ 288,3 tỷ đồng cùng kỳ lên 315,7 tỷ đồng. Tỷ lệ gia tăng 9,5% và đồng thời đây cũng là quý ghi nhận lượng phải thu từ khách hàng cao nhất kể từ khi Dược Việt Nam lên sàn đến nay.
Về các khoản phải thu đáng chú ý, công ty đang ghi nhận 32,3 tỷ phải thu từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ; 39,2 tỷ đồng từ Công ty Cổ phần Dược Hà Nội; 246,5 tỷ đồng từ các khách hàng khác. Lượng phải thu lớn cho thấy rằng công ty còn đang tồn công nợ đối với các khách hàng chứ chưa thực sự thu được tiền.
Hàng tồn kho trong kỳ cũng tăng mạnh từ 289,5 tỷ lên 381 tỷ đồng. Công ty không ghi nhận dự phòng giảm giá hàng tồn kho.
Về cơ cấu nguồn vốn của Dược liệu Việt Nam, chỉ tiêu về các khoản vay nợ ngắn hạn của DVM tăng từ 571 lên 605,6 tỷ đồng. Nợ vay dài hạn cũng ghi nhận ở mức 65,4 tỷ đồng, cao hơn so với đầu kỳ. Như vậy, tổng các khoản nợ vay của Dược liệu Việt Nam đã lên tới 671 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu của Dược liệu Việt Nam tại cuối Quý 2 ghi nhận ở mức 674,6 tỷ đồng. Có thể thấy rằng lượng vay nợ của Dược liệu Việt Nam đã lớn gần bằng vốn chủ sở hữu. Đó là chưa kể tới khoản phải trả người bán ngắn hạn cũng đã gia tăng từ 55,1 tỷ lên 81,9 tỷ đồng.
Về lưu chuyển dòng tiền của DVM trong kỳ, công ty cũng đang bị âm dòng tiền 37,7 tỷ đồng.