Được, mất khi giảm lệ phí trước bạ ô tô trong nước
Thủ tướng vừa yêu cầu Bộ Tài chính trong tháng 7 trình Chính phủ dự thảo Nghị định về giảm lệ phí trước bạ với tô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Tuy nhiên, những tác động của chính sách này vẫn nhận lại nhiều ý kiến trái chiều.
Doanh số bán hàng tụt dốc, tâm lý trông chờ giảm phí
Theo số liệu bán hàng được Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) công bố, doanh số bán hàng nửa đầu năm 2024 đều giảm so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường tính đến hết tháng 6 giảm 2% so với năm 2023, trong đó xe sản xuất, lắp ráp trong nước giảm tới 12%.
Để kích cầu tiêu dùng, nhiều kiến nghị nên tiếp tục áp dụng chính sách giảm lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Việc được giảm 50% lệ phí trước bạ có thể mang lại lợi ích tài chính không nhỏ cho người mua xe. Hiện tại, lệ phí trước bạ cho xe ô tô tại Việt Nam dao động từ 10-12% giá trị xe, tùy thuộc vào từng địa phương. Nếu chính sách giảm lệ phí trước bạ được thông qua, người tiêu dùng có thể tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ.
Trước đó, để hỗ trợ DN sản xuất, lắp ráp ô tô sản xuất trong nước bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã 3 lần áp dụng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ để kích cầu tiêu dùng. Chính sách giảm lệ phí trước bạ được áp dụng đã kích cầu thị trường và thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô nội địa phát triển mạnh mẽ hơn.
Cuối tháng 4/2024, Bộ Tài chính tiếp tục đưa ra đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước vào đầu tháng 8. Thông tin này khiến nhiều người mua xe trông ngóng, thậm chí hoãn kế hoạch mua xe để chờ giảm lệ phí. Không ít người mua xe đã đặt cóc từ tháng 6 đến đầu tháng 7 nhận xe nhưng đã cố chờ sang tháng 8 mới nhận ô tô để tiết kiệm phí trước bạ.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, nguyên nhân khiến thị trường ô tô ảm đạm không phải do không giảm lệ phí trước bạ. Bởi thực tế, ngay cả khi Chính phủ không giảm lệ phí trước bạ, các hãng xe đều có chính sách hỗ trợ giảm lệ phí trước bạ riêng đối với một số mẫu xe “hot” nhằm kích cầu thị trường. Chưa kể, các hãng xe còn nhiều chính sách khuyến mại, quà tặng khác. Tuy nhiên, do tình hình kinh tế khó khăn chung, nên người dân có xu hướng thắt chặt các khoản chi tiêu lớn như mua xe.
Cũng theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, những con số tăng trưởng ấn tượng của thị trường ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước ở 3 lần giảm lệ phí trước bạ trước đó cho thấy, chính sách đã góp phần thúc đẩy sức mua, tạo đà cho việc tái sản xuất. Tuy nhiên, giải pháp hỗ trợ này thực chất chỉ giải quyết được “phần ngọn”. Thực tế doanh số bán hàng bình quân cả năm vẫn thấp, do người tiêu dùng có tâm lý chờ đợi đến lúc giảm phí mới mua, nên có sự chênh lệch đáng kể giữa thời điểm áp dụng giảm phí và không giảm.
Lo ngại xung đột thương mại
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 71/CĐ-TTg ngày 21/7 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô tháng 7 và quý III năm nay. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu tác động, hoàn thiện, đề xuất Chính phủ Nghị định về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong tháng 7.
Thực tế, trước đó Bộ Tài chính đã có đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong 6 tháng từ 1/8/2024-31/1/2025. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu tác động của chính sách này , Bộ Tài chính đã có Tờ trình Chính phủ về đề xuất phương án cân nhắc không giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước. Lý do là thời gian qua Việt Nam nhận được nhiều yêu cầu giải thích khi chính sách có sự phân biệt áp dụng giữa xe sản xuất, lắp ráp trong nước và nhập khẩu và việc giảm 50% lệ phí trước bạ với xe sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ vi phạm các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.
Không chỉ Bộ Tài chính, 3 bộ khác là Bộ KH&ĐT, Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương cũng đã bày tỏ ý kiến lo ngại về vi phạm cam kết quốc tế.
Không thể phủ nhận những tác động tích cực của việc giảm lệ phí trước bạ cho xe lắp ráp trong nước. Tuy nhiên, nếu việc làm này kéo dài, các chuyên gia trong ngành lo ngại sẽ vi phạm Hiệp định WTO, các FTA mà Việt Nam đã tham gia và sẽ phản ứng.
Đánh giá tác động của chính sách này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, rõ ràng việc giảm lệ phí trước bạ là giải pháp kích cầu tiêu dùng, tuy nhiên các chính sách ra đời phải phù hợp với thời điểm áp dụng. Thời điểm áp dụng 3 lần giảm lệ phí trước bạ trước đó là do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, hầu hết các nước đều có chính sách ưu tiên xe ô tô sản xuất trong nước của mình. Hiện nay tình hình đã khác, chúng ta không có lý do đặc biệt nào để áp dụng ưu đãi. Một vấn đề nữa, chúng ta cần phải nhìn nhận là chính sách không giảm phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước phần nào góp phần giúp Việt Nam thực hiện tốt hơn cam kết với quốc tế xanh hóa nền kinh tế, đảm bảo Net zezo
Thay vì phải giảm thuế, phí làm giảm nguồn thu ngân sách, thậm chí khiến Việt Nam vi phạm cam kết quốc tế, các hãng nên chủ động giảm giá để kích cầu. Vì hiện giá nhiều mẫu xe đang cao hơn giá trị thực tế mà khách hàng nhận được. Vấn đề này liên quan đến thuế nhập khẩu linh kiện và thuế áp cho dung tích động cơ.
Còn TS Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Công nghiệp – Thương mại (Bộ Công Thương) lưu ý, chính sách giảm lệ phí trước bạ chỉ là giải pháp ngắn hạn cho nên thị trường ô tô nếu khởi sắc thì cũng chỉ trong thời gian rất ngắn.
Do đó, thay vì các chính sách kích cầu ngắn hạn, Chính phủ nên có các phương án dài hơi hơn, bền vững hơn, thúc đẩy ngành sản xuất ô tô được bền vững. Trước hết, Chính phủ cần tiếp tục khuyến khích đầu tư cho ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô. Từ đó gia tăng được sản xuất các linh phụ kiện ở trong nước, tăng được tỷ lệ nội địa hóa, từ đó giảm được giá xe sản xuất trong nước. Tiếp đến, cần cân nhắc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt hiện đang khá cao.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/duoc-mat-khi-giam-le-phi-truoc-ba-o-to-trong-nuoc.html